1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông chờ đợi gì ở EU?

Phải mất thời gian để EU tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 11-6 đã đăng bài viết với đầu đề “Pháp đi đầu trong cách tiếp cận các vấn đề an ninh châu Á của châu Âu”. Tác giả bài viết là chuyên gia Valérie Niquet, phụ trách chương trình châu Á của Quỹ Nghiên cứu chiến lược tại Paris (Pháp).

EU quan tâm đến châu Á, vì sao?

Tác giả Valérie Niquet ghi nhận tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần trước, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đưa ra nhận xét “văn minh châu Á-Thái Bình Dương xây dựng trên cơ sở hài hòa và hòa hợp lẫn nhau đang phát triển mạnh mẽ”.

Dù lời lẽ trấn an là thế nhưng giọng điệu nhà binh trong bài phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, tình hình Trung Quốc (TQ) tiếp tục cải tạo đất ở biển Đông và thái độ phản bác phán quyết trọng tài của TQ đã khiến các nước tiếp tục lo ngại.

Thái độ lo ngại ấy đang mở rộng đến các tác nhân vốn không mấy gần với các thách thức an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).

Dù có những thách thức cấp bách riêng như Trung Đông, nạn nhập cư ồ ạt và khủng bố đe dọa, EU ngày càng quan tâm hơn đến châu Á-Thái Bình Dương không chỉ vì kinh tế mà còn vì an ninh và ổn định chiến lược.

Động cơ chủ yếu dẫn đến thái độ chuyển biến của EU là hành động gây hấn của TQ ở biển Đông, phản ứng chối bỏ các chuẩn mực quốc tế và hệ thống chiếu trên-chiếu dưới trong quan hệ quốc tế mà TQ muốn áp đặt cho các nước láng giềng.

Thể hiện rõ nhất là các bài phát biểu của đại biểu TQ tại Đối thoại Shangri-La ngày càng mang nặng yếu tố gây hấn và tự tin thái quá.

Bên cạnh các câu vô vị quen thuộc như “cần phải thay đối đầu bằng hai bên cùng thắng”, diễn giả TQ còn đưa ra các quả quyết kỳ lạ, như đem thái độ bất lực của TQ với CHDCND Triều Tiên so sánh với thái độ của Mỹ với Nhật dù Mỹ và Nhật đã ký kết hiệp ước đồng minh.

Ngày 6-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đón Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ngày 6-6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đón Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Quan điểm tích cực của Pháp

Một trong những vấn đề mắc mứu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có EU là TQ phản bác mọi điều kiện ràng buộc từ các điều ước quốc tế mà TQ đã ký kết. Ví dụ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở Hà Lan sắp tới sẽ công bố.

Quan điểm này sẽ dẫn đến những hậu quả gây bất ổn sâu sắc khi TQ khăng khăng cho rằng các cam kết và hiệp định quốc tế chỉ có giá trị nếu đáp ứng được các lợi ích quốc gia của TQ.

Tác giả Valérie Niquet nhận xét trong bối cảnh đó, Pháp là một trong những cường quốc quân sự ở châu Âu đã bày tỏ quan điểm hết sức rõ ràng và kiên quyết.

Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định không thể chấp nhận thái độ đe dọa các nguyên tắc quốc tế về tự do hàng hải và hàng không đã nêu trong UNCLOS. Ông ghi nhận đây là thách thức vượt quá tầm khu vực, thái độ bất chấp UNCLOS có thể dẫn đến hậu quả ở các khu vực khác trên thế giới.

Ông nhấn mạnh một trật tự hàng hải phải được xây dựng trên các nguyên tắc, tôn trọng luật pháp quốc tế và đối thoại hơn là dọa dẫm, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực. Quan điểm này đã được nêu trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật hồi tháng 5.

Tác giả Valérie Niquet nhận định trong bối cảnh như thế, đề nghị của Pháp về phối hợp lực lượng hải quân các nước châu Âu nhằm tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông đã được đón nhận. Đề nghị này nếu được thực hiện sẽ mang ý nghĩa tích cực về cam kết của EU tham gia ổn định tại một khu vực có tầm quan trọng cho cả thế giới.

Tàu sân bay Anh sẽ đến châu Á

Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng đã cam kết Anh sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á vào cuối thập niên này.

Đây là dấu hiệu cho thấy châu Âu ngày càng chú ý tới các điểm nóng ở châu Á. Dù vậy, như báo The Straits Times (Singapore) ghi nhận, phải mất một thời gian để các tuyên bố ấy trở thành hành động và cần thời gian lâu hơn để châu Âu lấy lại vai trò đảm trách an ninh ở châu Á như ngày trước.

Nguyên nhân vì sao? Anh đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Nhật và thúc đẩy trao đổi quân sự với Hàn Quốc. Anh cũng đã ký biên bản ghi nhớ quốc phòng với Việt Nam và củng cố quan hệ quốc phòng với Singapore. Mạng lưới quốc phòng của Anh liên quan đến ASEAN đã được mở rộng. Cuộc diễn tập không quân Anh-Nhật đã được lên kế hoạch vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, Anh đang đuối sức trong việc bắt kịp các biến đổi của Đông Nam Á sau nhiều năm triển khai quân sự mạnh mẽ ở Trung Đông và Afghanistan. Dòng vốn đầu tư từ TQ vào Anh cùng nghi thức long trọng tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm ngoái và thái độ im hơi lặng tiếng của Anh trước động thái của TQ ở biển Đông cũng đã tạo cảm giác Anh không quan tâm đến tranh chấp biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon muốn xua tan cảm giác này bằng cách gợi ý sau khi hai tàu sân bay mới của Anh đi vào hoạt động, một tàu sẽ được triển khai đến châu Á. Thế nhưng điều đó sớm nhất phải đến năm 2020 mới xảy ra. Trước mắt Anh không có ý định xem xét lập căn cứ quân sự mới và lâu dài ở châu Á. Tóm lại, sự hiện diện quân sự của Anh ở châu Á sẽ được cân nhắc nhưng không thực sự đáng chú ý.

Quan trọng là quan điểm đã xoay chiều

Báo The Straits Times nhận định về chính trị, Pháp có quan điểm tốt hơn Anh. Tổng thống Pháp François Hollande đã chủ trương tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Pháp thắt chặt quan hệ quốc phòng với Singapore và Malaysia, ký kết hợp đồng quốc phòng với Ấn Độ và Úc.

Đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian về các nước châu Âu phối hợp tuần tra ở biển Đông thoạt đầu xem chừng rất mưu trí vì phối hợp đồng nghĩa với hải quân châu Âu sẽ hiện diện gần như liên tục và chi phí hậu cần sẽ giảm, bởi hải quân các nước nhỏ sẽ được các nước lớn trong châu Âu hỗ trợ.

Tuy nhiên, đề nghị này sẽ còn nặng ký hơn nếu đây là kết quả quá trình thảo luận bí mật trước đó giữa các nước châu Âu trước khi được nêu ra ở Đối thoại Shangri-La.

Thực ra các nước châu Âu chỉ mới bắt đầu thảo luận chủ đề này. Nhưng dù sao thì thời thế đã thay đổi. Đức đang xem xét lại quan điểm quân sự quốc tế và EU cũng thế. Còn hiện nay, Đức đang tập trung tăng cường sự hiện diện quân sự ở các nước láng giềng Trung Âu trong khi EU đang vật lộn với các tham vọng trong khu vực.

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini đã không hề đề cập đến các vấn đề biển Đông dù chỉ một lần. Như vậy, dù Anh và Pháp đưa ra sáng kiến đối với Đông Nam Á thì quá trình hiện thực hóa sáng kiến cũng còn rất xa.

Điều quan trọng là châu Âu đã thay đổi định hướng sâu sắc và lâu bền đối với châu Á. EU bây giờ đã hiểu những gì đang xảy ra ở biển Đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh của họ như thế nào.

- Hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin ngày 10-6, Bộ trưởng Ngoại giao sắp nhậm chức của Philippines Perfecto Yasay tuyên bố trên truyền hình Philippines sẽ không đàm phán song phương với TQ cho đến khi Tòa Trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn”. Ông nói đầu tiên chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu phán quyết trọng tài, sau đó mới đưa ra các quyết định tiếp theo về đàm phán song phương.

- Đài truyền hình New Zealand đưa tin ngày 11-6, Bộ trưởng Quốc phòng Gerry Brownlee đã phát biểu trên truyền hình giải thích quan điểm của New Zealand về tranh chấp ở biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn tự do hàng hải, chúng tôi mong muốn tự do hàng không, chúng tôi mong muốn các tuyến đường giao thương rộng mở và chúng tôi mong đợi phải tôn trọng luật pháp quốc tế”. Ông khẳng định TQ trước sau rồi phải chấp nhận phán quyết trọng tài.

TNL

Theo PH.QUỲNH - MINH THÙY

Pháp luật TPHCM