1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Châu Âu ngày càng quan tâm tới an ninh Biển Đông

(Dân trí) - Giới chức an ninh và quân sự châu Âu tham dự diễn đàn đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần trước đã đưa ra một loạt cam kết mới nhằm tăng cường các hoạt động quân sự ở châu Á, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Châu Âu châu Á


Tàu khu trục Pháp Guepratte a La Fayette thả neo ở Manila trong chuyến thăm Philippine hồi tháng trước (Ảnh: AFP)

Tàu khu trục Pháp Guepratte a La Fayette thả neo ở Manila trong chuyến thăm Philippine hồi tháng trước (Ảnh: AFP)

Anh muốn tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Micheal Fallon tiết lộ rằng quân đội nước này sẽ tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á trong vài năm tới, trong khi bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian để ngỏ khả năng về một sự hợp tác bền vững hơn của hải quân châu Âu trong khu vực.

Mặc dù những tuyên bố và cam kết này là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn tới các điểm nóng như Biển Đông, nhưng nó cũng cần thời gian để những cam kết trở thành hành động cụ thể, và sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để châu Âu trở lại vị thế hùng mạnh ở châu Á như họ đã từng có trong quá khứ.

Anh là một trong những quốc gia châu Âu tích cực nhất trong việc theo sát các diễn biến ở Đông Nam Á, sau nhiều năm tập trung quân lực vào Trung Đông và Afghanistan. Anh đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và có quan hệ trao đổi quân sự vững chắc với Hàn Quốc. Ngoài ra, Anh đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng với Việt Nam, và tăng cường quan hệ với Singapore. Mạng lưới hợp tác quốc phòng của Anh trong khu vực này đang ngày càng được mở rộng, thậm chí một cuộc tập trận chung Anh - Nhật đã được lên kế hoạch vào tháng 11 năm nay.

Tuy nhiên, Anh đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Lễ đón tiếp quá đỗi trọng thị dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình ở London hồi cuối năm ngoái và sự im lặng của nước Anh trong những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đã tạo một ấn tượng rằng họ không có kế hoạch nghiêm túc để trở thành một đối tác chiến lược ở châu Á.

Để xua tan những ấn tượng không tốt đẹp này, Bộ trưởng Fallon đã nhấn mạnh rằng ngay khi 2 tàu sân bay đang chế tạo của họ đi vào hoạt động, một chiếc sẽ được đưa đến hoạt động ở vùng biển châu Á. Nhưng việc này nhanh nhất cũng phải chờ đến năm 2020. Mặc dù sự xuất hiện của một hạm đội tàu sân bay có thể sẽ là một bước tiến mạnh mẽ, nhưng nước Anh lại không hề có kế hoạch thiết lập bất kỳ một căn cứ quân sự lâu dài nào ở châu Á. Do vậy, cũng không nên quá kỳ vọng vào sự hiện diện của quân đội Anh trong vùng.

Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra Biển Đông

Trong khi đó nếu xét về mặt chính trị, Pháp lại có vị thế tốt hơn nhiều nhờ vào phương pháp tiếp cận của Tổng thống Francois Hollande nhằm tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Pháp đã có hợp tác quân sự chặt chẽ với Singapore và Malaysia, mới đây lại thêm các hiệp ước với Ấn Độ và Úc, bên cạnh đó là các cuộc đối thoại chính trị ngày càng thân thiện với các quốc gia trong khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp sẽ hối thúc các quốc gia châu Âu cùng hợp tác tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển để đảm bảo sự hiện diện “thường xuyên và hiển hiện” của châu Âu, đồng thời cũng để ủng hộ cho sự tự do hàng hải ở trong vùng. Bước đi này được đánh giá là khá khôn ngoan và khéo léo. Sự hợp tác có thể là sự hiện diện lâu dài của châu Âu, đồng thời cũng giúp làm giảm các chi phí để hải quân của các nước nhỏ hơn, vốn dựa vào việc hỗ trợ các đồng minh hùng mạnh là chính, có thể đáp ứng được.

Trên thực thế, các cuộc thảo luận ở châu Âu về chủ đề này mới chỉ ở mức sơ khai, do đó ít nhất là trong thời điểm này, đề xuất của Pháp có vẻ chỉ nhằm đề cao vị thế của họ hơn là một đề án nhằm thể hiện sức mạnh của toàn thể châu Âu.

Bên cạnh đó, có một điều mà ông Le Drian hiểu rõ nhất, đó là danh sách các quốc gia sẵn sàng tham gia vào một kế hoạch như vậy là khá hạn chế: chỉ khoảng 5 nước có hứng thú hoặc có khả năng gửi tàu chiến tới để hoạt động quanh biển Đông.

Hiển nhiên là thời thế đang thay đổi. Đức hiện đang xem xét lại vị thế quân sự toàn cầu của mình, điều tương tự cũng đang xảy ra với toàn thể Liên minh châu Âu. Nhưng ít nhất là ở thời điểm này, Đức mới chỉ tập trung đẩy mạnh hiện diện quân sự trên bộ ở các quốc gia láng giềng, trong khi toàn châu Âu thậm chí còn mắc kẹt với việc thảo ra một chính sách ngoại giao chung để thể hiện tham vọng của cả khu vực.

Trong bài phát biểu ở diễn đàn Shangri-La hồi năm ngoái, Cao ủy châu Âu về các chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông. Điều đó cho thấy những đề xuất sốt sắng như của Anh và Pháp đã và đang đưa ra có thể còn lâu mới trở thành hiện thực.

Nhưng châu Âu hiện đã thừa nhận rằng những gì đang xảy ra trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới an ninh của chính họ. Và họ cũng nhận ra rằng nếu châu Âu vẫn tiếp tục là đồng minh của Mỹ thì châu Âu phải chia sẻ về những lo ngại an ninh của Mỹ khắp thế giới.

Vì vậy, những cam kết của Anh và Pháp rất có ý nghĩa. Và điều họ cần làm chỉ là biến những lời hứa đó thành các hành động cụ thể.

Khánh Trần

Theo Straitstimes