1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Biển Đông: Cần sự nhìn nhận lịch sử, vô tư và tuân thủ luật pháp quốc tế

(Dân trí)– Tại Diễn đàn An ninh toàn cầu năm 2012, các đại biểu nhất trí cho rằng Biển Đông sẽ là thách thức chủ đạo đối với an ninh khu vực. Điều này phần nào đã được thể hiện qua những đối đầu căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với tàu thuyền các nước trong khu vực.

 

Biển Đông: Cần sự nhìn nhận lịch sử, vô tư và tuân thủ luật pháp quốc tế
Tàu hải giám của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh do Hải quân Philippines cung cấp ngày 10/4/2012.

 

Hội thảo diễn ra ngày 11/4 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Hawaii (Mỹ) tổ chức. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại biểu thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ giới chức ngoại giao, chuyên gia luật pháp đến giới doanh nghiệp, trong đó có những công ty chuyên về vận tải biển.

Tại buổi hội thảo, Giám đốc phụ trách chương trình Đông Nam Á của CSIS, ông Earnest Bower, khẳng định Biển Đông là “vùng chiến lược nhất” trong khu vực, cả về vấn đề hàng hải và lãnh thổ.

“Biển Đông là khu vực có tranh chấp phức tạp. Vấn đề tự do hàng hải tại đây là một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến an ninh khu vực”.

Đây cũng là quan điểm của Đô đốc James Winnefeld Jr. khi ông này cho rằng Biển Đông đang trở thành thách thức chủ đạo ở châu Á – Thái Bình Dương.

Để giải quyết thách thức chủ đạo này, các đại biểu cho rằng “giải quyết vấn đề Biển Đông chủ yếu là giải quyết với Trung Quốc”.

Nhân tố Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông

Với tên gọi được thể hiện trên các bản đồ quốc tế là “South China Sea” (dịch nghĩa là biển Nam Trung Hoa), không ít người nghĩ rằng đây là vùng biển của Trung Quốc và chính Trung Quốc cũng tự cho là như vậy.

Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là sự hiểu lầm đáng tiếc vì theo rất nhiều bằng chứng và vật chứng lịch sử được gìn giữ ở nước ta như các chiếu chỉ, sắc phong, thư tịch của  các Triều đại Lê, Nguyễn cách đây nhiều thế kỷ, Việt Nam có chủ quyền thể không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Không riêng với Việt Nam. Các nước khác trong khu vực cũng vướng vào những tranh cãi tương tự với Trung Quốc khi Bắc Kinh khăng khăng cho rằng họ có chủ quyền đối với 90% Biển Đông, bất chấp thực tế họ chỉ kiểm soát 13%  diện tích.

Lý giải về sự đòi hỏi vô lý này của Trung Quốc, trong phần trình bày của mình tại hội thảo CSIS, ông Bower đã đưa ra bản đối chiếu nhu cầu năng lượng của 6 nước và vùng lãnh thổ nằm trong khu vực này gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Theo đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trong hai thập kỷ tới sẽ tăng lên đáng kể và cao hơn nhiều so với các nước khác.

Trong khi đó, ngay từ cuối những năm 1960, các nhà khoa học đã phát hiện ở Biển Đông có trữ lượng rất lớn dầu và khí đốt tự nhiên. Không chỉ thế, Biển Đông còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, lại án ngữ ngay trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng hàng ngày vận chuyển tới 50% tổng lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển của thế giới. Vì vậy, việc tranh chấp chủ quyền là điều khó tranh khỏi, nếu không muốn nói sẽ ngày càng phức tạp hơn.

Cuộc chơi bất đắc dĩ

Từ lâu, Trung Quốc đã chủ ý nhắm tới Biển Đông thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động và tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực nằm trong “đường lưỡi bò” 9 khúc do Bắc Kinh tự vạch ra.

Nhưng đó chỉ là tuyên bố đơn phương của Trung Quốc.

Thông thường, trong các mối quan hệ quốc tế, quốc gia nào cũng sẽ tìm cách mang lại lợi ích kinh tế cho dân tộc mình. Lợi ích càng lớn, nỗ lực càng cao. Thậm chí, trong một vài trường hợp, một số nước còn sẵn sàng sử dụng cả vũ lực để đoạt lấy mục đích.

Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Với một lực lượng lao động đông đảo khoảng 800 triệu người và một nền khoa học – công nghệ tương đối phát triển, nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc rất có thể sẽ “vượt mặt anh cả” trong thời gian không xa.

Và để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho tương lai phát triển ấy cũng như cho dân số 1,3 tỷ người hiện nay, Trung Quốc không thể không tận dụng khai thác mọi nguồn tài nguyên, cả trên đất liền và dưới biển. Tất nhiên, câu chuyện này sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như những “miền đất hứa” mà Trung Quốc nhắm đến đều thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Bắc Kinh.

Sau cuộc đối đầu mới đây giữa 2 tàu hải giám của Trung Quốc với 2 tàu chiến của Philippines tại một bãi đá cạn mà cả hai bên đều tuyên bố có chủ quyền (Philippines gọi là Scarborough và Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), báo giới Bắc Kinh đã cảnh báo Manila “chớ có đùa với lửa” và rằng những động thái gần đây của Philippines đã “vượt quá sự tha thứ” của Trung Quốc.

Không chỉ “giương cung” với Philippines, Trung Quốc còn đòi “các doanh nghiệp nước ngoài tôn trọng và ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa các quốc gia liên quan, tránh can thiệp vào tranh chấp Biển Đông dưới mọi hình thức”.

Những tuyên bố này của Trung Quốc càng là minh chứng cho nhận định của các đại biểu tham dự Diễn đàn An ninh Toàn cầu 2012 rằng “giải quyết vấn đề Biển Đông chủ yếu là giải quyết với Trung Quốc”.

Cần sự nhìn nhận lịch sử, vô tư và tuân thủ luật pháp quốc tế

Nguyên nhân sâu xa của các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông xuất phát từ tham vọng của một số nước muốn kiểm soát vị trí địa lý quan trọng, những túi dầu khí khổng lồ, nguồn lợi hải sản phong phú và các nguồn lợi vô tận khác của Biển Đông vốn không thuộc về mình.

Tham vọng đó sẽ bị coi là ngang ngược khi nó bất chấp những minh chứng lịch sử, luật pháp quốc tế và nguồn lợi tương ứng của các nước liên quan.

Trong một bài viết gần đây, báo chí Trung Quốc đã công khai thừa nhận các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và Hoàng Hải sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

“Bắc Kinh sẽ áp dụng các hành động bảo vệ chủ quyền một cách kiên quyết, đồng thời sử dụng sức mạnh ngày càng lớn của đất nước để hỗ trợ cho những hành động này”, báo Hoàn Cầu của Trung Quốc số ra ngày 12/4 nêu rõ.

Với những tuyên bố này của Bắc Kinh, việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, đặc biệt khi Trung Quốc đang tuyên bố có chủ quyền tại nhiều vùng vốn đang thuộc chủ quyền của nước khác.

Muốn giải quyết bài toán đầy mâu thuẫn này, đòi hỏi các bên phải nhìn nhận đúng lịch sử, vô tư, công bằng, không vụ lợi và nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). 

Tất nhiên, ngay cả khi đã thực hiện đúng như vậy, nguy cơ xảy ra va chạm nhỏ ở Biển Đông vẫn là điều khó tránh khỏi, do có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các nước. Nhưng liệu va chạm nhỏ có bùng lên thành xung đột lớn? Câu trả lời là không vì hiện tại, Mỹ đang ráo riết thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc vẫn “nuôi giấc mộng bá chủ thế giới”.  

“Trung Quốc có những ưu tiên khác như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Mỹ. Hiện nay, vấn đề Biển Đông không đủ lớn để đánh nhau. Trừ phi ngày mai họ tìm thấy có quá nhiều dầu khí để quyết định đi tới chiến tranh. Mà ngay cả khi các nước tìm thấy tài nguyên thì chiến tranh chưa chắc là giải pháp nhanh chóng hay tốt nhất cho Trung Quốc”, Tiến sĩ Ang Chung Guan - nhà nghiên cứu nổi tiếng về Biển Đông của Singapore – nói.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm