1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bị Mỹ dồn ép trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc đề phòng "tình huống xấu nhất"

(Dân trí) - Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo các cán bộ nòng cốt chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, trong bối cảnh môi trường đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ và các đồng minh ngày càng tăng.

 

Xi.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/1 đã kết thúc kỳ họp kéo dài 4 ngày về việc kiểm soát rủi ro, một sự kiện mà các nhà phân tích nói là cho thấy sự lo ngại sâu sắc của giới lãnh đạo nước này về "sự biến động và bất ổn từ bên ngoài" giữa lúc xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tại lễ bế mạc kỳ họp, với sự tham gia của hàng trăm quan chức cấp cao từ khắp cả nước, ông Vương Vũ Ninh, nhà lý luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc và là thành viên quyền lực thứ 5, đã kêu gọi các quan chức hãy chiến đấu với “một cuộc chiến khó khăn” nhằm kiểm soát các rủi ro, hãng tin Xinhua đưa tin.

Cả Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Ông Vương đều yêu cầu các quan chức phải suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”.

Ông Vương đã liệt kê một danh sách dài các rủi ro mà Bắc Kinh phải đối mặt, hối thúc các quan chức bảo vệ sự lãnh đạo của ông Tập và phục tùng đường lối của đảng. Ông Wang cũng nói với các quan chức rằng họ phải bám sát bằng cách chứng tỏ điều mà họ đã học được thông qua “các hành động và kết quả”.

Lời kêu gọi của ông Vương làm gợi lại bài phát biểu khai mạc của ông Tập hôm thứ Hai, khi ông nói với các quan chức rằng hãy chuẩn bị cho bất kỳ rủi ro nào có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định và các cải cách của Trung Quốc.

Ông Tập đã cụ thể nhắc tới “các diễn biến quốc tế không thể dự đoán và một môi trường bên ngoài phức tạp và nhạy cảm”, cụm từ mà các lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng để liên hệ tới những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Zhu Lijia, từ Viện quản lý Trung Quốc, nhận định rằng các phát biểu của ông Tập và kỳ họp trên đã cho thấy Bắc Kinh lo ngại về các hệ quả cuộc chiến thương mại.

“Bài phát biểu của ông Tập được chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Zhu nói. “Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xảy ra vào năm 2019”.

Sự đối đầu leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cùng đồng minh

Ông Zhu nói thêm, việc ông Tập nhắc tới các bất ổn bên ngoài là nhằm đối phó với môi trường đối đầu ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh.

“Đó không chỉ là Mỹ, mà cũng là Liên minh châu Âu, Australia và các quốc gia phương Tây khác cũng đang cùng nhau trong cuộc đối đầu này”, ông Zhu nói.

Nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh Zhang Lifan cũng đồng tình rằng chiến tranh thương mại đang luôn ở trong suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc.

“Cuộc chiến thương mại có thể không kết thúc trong năm nay, và dù có kế thúc, thì những thay đổi về cấu trúc đối với nền kinh tế Trung Quốc mà Mỹ yêu cầu có thể gây ra thách thức đối với đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Zhang nhận định. “Và những thay đổi này cũng không đủ để chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài và sự thật là Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ”.

Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, khi Mỹ tuyên bố áp thuế đối với các hàng hóa Trung Quốc, một động thái gây ra sự trả đũa từ Bắc Kinh. Cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu, và hai bên có thời gian đến tháng 3/2019 để đi tới một thỏa thuận, trước khi Mỹ có thể tung các biện pháp áp thuế mới.

An Bình

Theo SCMP