Bí mật về tài sản của Chủ tịch Mao Trạch Đông
Nói đến tài sản của Mao Trạch Đông là người ta nghĩ ngay đến tiền nhuận bút của ông. Nhuận bút của Mao Trạch Đông là một điều bí ẩn ít ai được biết.
Theo cựu Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng thì tổng cộng nhuận bút của Mao Trạch Đông có bao nhiêu, trước đây chỉ có ba người biết là Uông Đông Hưng, Chu Ân Lai và Trương Ngọc Phượng – thư ký cơ yếu của ông.
Thực ra nhuận bút những tác phẩm của Mao Trạch Đông bao gồm các tuyển tập, văn tuyển, ngữ lục, bài viết riêng, thư từ là chính, cộng thêm tiền bản quyền của nước ngoài và tiền lãi trong ngần ấy năm. Mãi đến tháng 9/2004 tổng số tiền đó mới lần đầu tiên được tiết lộ trên các tạp chí “Đảng sử bác thái” và “Đảng sử văn uyển”.
Trung tuần tháng 7/2003, Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương, ủy ban công tác các cơ quan trực thuộc trung ương đã xin ý kiến Quốc vụ viện về việc có phải nộp thuế các khoản tiền nhuận bút xuất bản “Mao Trạch Đông tuyển tập” và tiền bản quyền ngoại văn tác phẩm của ông hay không.
Tranh luận mãi, đến lúc hỏi vậy tổng số tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông tích lại là bao nhiêu, bấy giờ mới biết tính đến tháng 5/2001, tổng số đã lên tới 131.210.000 NDT, tức gần 16 triệu USD.
Nghe kể lại, vào tháng 10/1967, tức thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã tự mình xem xét khoản nhuận bút của ông, đến lúc đó được trên 5,7 triệu NDT.
Ông khoanh mực đỏ vào con số “5 triệu” rồi ghi bên cạnh “nộp đảng phí”. Bút phê đó đã bị “Tổ Cách mạng văn hoá trung ương” nắm lấy và làm to chuyện việc không chịu nộp đảng phí.
Tháng 12/1976, sau khi “Lũ bốn tên” bị đổ, Mao Trạch Đông cũng đã qua đời, Uông Đông Hưng thu dọn tài sản của Mao Trạch Đông đã phát hiện ông có gửi tại Ngân hàng Trung ương khoản tiền nhuận bút là 75,82 triệu NDT, mở tài khoản dưới tên gọi “Tổ Đảng 2 Trung Nam Hải, Trung ương ĐCSTQ”.
Ngoài ra, ông còn mở tài khoản danh nghĩa cá nhân tại chi nhánh Trung Nam Hải, Ngân hàng NDTW với số tiền khoảng 80 - 90 vạn tệ.
So sánh các con số đó thì có thể thấy: Có tới 70 - 80% số tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông là được nhận trong thời kỳ 10 năm Cách mạng văn hóa vì đó là thời kỳ “Mao tuyển” được ấn hành với số lượng rất lớn, phát hành rất rộng, đến thời kỳ cuối của Cách mạng văn hóa mấy trăm triệu người Trung Quốc ai cũng có trong tay các cuốn “sách đỏ” này.
Vậy lúc còn sống, Mao Trạch Đông có rút tiền nhuận bút ra không và tiêu vào những việc gì? Vào tháng 4/1959 và tháng 10/1961, Mao Trạch Đông đã rút 22 vạn tệ đem cho 7 nhân sỹ nổi tiếng ngoài đảng, trong đó cho ông Chương Sĩ Chiêu 10 vạn (vào tháng 4/1920, ông Chương đã tặng Mao khi đó đang gặp khó khăn ở Thượng Hải 2 vạn đồng bạc. Mao Trạch Đông nói bây giờ là lúc mình trả lại khoản nợ khi xưa).
Đầu năm 1966, Mao Trạch Đông lại rút ra 10 vạn tệ đem cho Trình Tư Viễn. Từ 1965 đến tháng 2/1976, Mao Trạch Đông đã 9 lần rút tiền tổng cộng 38 vạn tệ và 2 vạn USD đưa cho Giang Thanh.
Ông cũng 2 lần cho Uông Đông Hưng tổng cộng 4 vạn tệ, trong đó có 1,5 vạn cho gia đình Uông sửa nhà.
Về việc xử lý tài sản của Mao Trạch Đông để lại, Trung ương đã có ý kiến: Mao Trạch Đông là người của toàn đảng, tác phẩm của Mao Trạch Đông là kết tinh trí tuệ toàn đảng, tiền nhuận bút mà ông để lại không phải để cho Giang Thanh và thân nhân.
Giang Thanh từng trước sau 5 lần tuyên bố bà ta có quyền thừa kế tài sản của Mao Trạch Đông, yêu cầu rút ra 5 vạn tệ để cho hai con gái và những người thân, nhưng yêu cầu của bà ta đều bị từ chối.
Lý Mẫn và Lý Nạp, hai con gái của Mao Trạch Đông cũng đã từng yêu cầu được rút tiền nhưng đều bị từ chối. Tuy nhiên về sau Văn phòng Trung ương đã chi cho họ 2 triệu tệ để mua nhà và chi tiêu.
Như trên đã đề cập, phần lớn tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông là do các tác phẩm viết trong 10 năm Cách mạng văn hoá, gồm các cuốn “Mao tuyển” và “Ngữ lục” được in ấn số lượng rất lớn, phát đến tay mọi “quần chúng cách mạng”.
Theo quy định hồi đó thì không được trả nhuận bút mới phải. Nhưng Mao Trạch Đông là lãnh tụ ở trên muôn người, nhuận bút là tiền trả cho công sức lao động, dĩ nhiên vẫn được trả với mức cao nhất, cho nên mới xuất hiện khoản tiền tới hơn 130 triệu tệ.
Nhưng cũng cần nói thêm là trong số các trước tác của Mao Trạch Đông có nhiều tác phẩm không phải ông viết, ví dụ “Bài phát biểu tại cuộc tọa đàm văn nghệ Diên An”, khi Hồ Kiều Mộc còn sống đã nhiều lần nói do chính ông viết.
Hay nhiều tác phẩm do Điền Gia Anh và Hồ Kiều Mộc khởi thảo, nên nói “đó là kết tinh trí tuệ toàn đảng” cũng đúng.
Tiền nhuận bút các cuốn “Mao Trạch Đông tuyển tập” mới in gần đây và tiền bản quyền ngoại văn đều phải nộp thuế theo nguyên tắc “mọi người bình đẳng trước pháp luật” và “mỗi công dân đều có nghĩa vụ nộp thuế”.
Về vấn đề này, Quốc vụ viện có 3 ý kiến: Thứ nhất, xử lý tiền nhuận bút, tiền bản quyền tác phẩm của Mao Trạch Đông theo tính chất đặc biệt, tình hình đặc biệt nên không phải nộp thuế; Thứ hai, xử lý như tài sản đặc biệt của đảng; Thứ ba, nếu thân nhân Mao Trạch Đông xin nhận thì về nguyên tắc xử lý theo chính sách trước đây.
Theo Lan Hương
Tiền phong/Phượng Hoàng, 5/2006