1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí mật về nhà vua giàu nhất thế giới

3 năm sau ngày Brunei tuyên bố độc lập, năm 1987, tạp chí Fortune đã đánh giá Vua Hassanal Bolkiah là người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá gần 40 tỷ đôla.

Quốc vương hiện nay của Brunei, một quốc gia nhỏ bé với diện tích chỉ vẻn vẹn 5.765 km vuông nằm ở mạn bắc đảo Borneo của Indonesia là Hassanal Bolkiah, sinh ngày 15/7/1946. 

 

Ông đã tốt nghiệp trường đại học Victoria ở Kuala Lumpur (Malaysia) và Học viện Quân sự Hoàng gia Anh. Ngày 5 /1/1967, ông kế vị vua cha và đến ngày 1/8/1968 tổ chứclễ đăng quang hết sức trọng thể.

 

Ông nắm trong tay toàn bộ chính quyền hành pháp và lập pháp: Ông đồng thời là Quốc vương, là nguyên thủ quốc gia, là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và người đứng đầu đạo Hồi ở Brunei.

 

Số tài sản khổng lồ đó không phải bỗng dưng mà có - đó là nhờ vào những trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đã phát hiện thấy ở Borneo từ đầu thế kỷ XX. Hơn thế nữa, những trữ lượng phong phú nhất lại nằm ở chính vùng lãnh thổ nhỏ bé nhiều đầm lầy của Brunei.

 

Công ty Brunei Shell Petroleum chủ yếu là thuộc về Công ty Anh – Hà Lan Royal Dutch/Shell và Hoàng gia Brunei.

 

Hiện nay, Brunei chiếm vị trí thứ ba ở Đông Nam Á về sản lượng dầu mỏ. 345 nghìn thần dân Brunei (64% là người Malaysia và 20% là người Hoa) có thu nhập trung bình hằng năm 25 nghìn đôla (chưa kể tiền thưởng vào ngày sinh Quốc vương), không phải đóng thuế thu nhập, tích cực sử dụng những khoản tín dụng không phải trả lãi để mua mọi thứ, kể cả máy bay riêng và được hưởng chế độ y tế và giáo dục không mất tiền (có thể lựa chọn bất kỳ trường đại học nước ngoài nào để theo học).

 

Nhiều tập quán và quy định của Brunei khá khó hiểu đối với người nước ngoài. Chẳng hạn, trên lãnh thổ vương quốc Brunei không được mặc trang phục màu vàng (đây là đặc quyền của Quốc vương), không được xỉ mũi hắt hơi ở những nơi công cộng, không được chạm tay vào đầu người khác, không được dùng ngón trỏ để chỉ bất kỳ thứ gì (chỉ được phép dùng ngón cái tay phải), không được bắt chặt tay người khác khi chào hỏi...

 

Quốc vương Hassanal Bolkiah đã lập một vài kỷ lục Guinnness về mức độ chi tiêu. Chẳng hạn, một bức tranh của Renoir đem bán đấu giá đã được ông mua với giá 17 triệu đôla, cô con gái ông vào ngày sinh nhật đã được ông tặng chiếc máy bay Airbus A - 340 trị giá 100 triệu đôla.

 

Tòa lâu đài quốc gia “Ixtana nuruniman” có diện tích lớn hơn Vatican (dài 525 m và rộng 228 m, trong đó có 1788 phòng và 257 buồng tắm hơi riêng biệt. Các mái vòm của lâu đài được xây dựng bằng vật liệu nhập cảng từ 30 nước và được phủ bằng vàng 22 cara. Trong các gara ngầm của lâu đài có 165 chiếc Rolls Roys và 300 ô tô thể thao.

 

Bộ phận đặc biệt của bộ sưu tập ô tô này là dành cho cuộc đua “Công thức 1”. Nhà vua sưu tập tất cả những chiếc ô tô nào giành được giải vô địch kể từ năm 1980. Và dĩ nhiên, không phải “bản sao” mà là những chiếc ô tô thật, được mua thẳng từ tay chủ nhân các hãng Ferrari, McLaren...

 

Khi ra nước ngoài, nhà vua đem theo đoàn tùy tùng ít nhất là 400 người. Đã có lần, khi dừng chân tại khách sạn yêu thích của nhà vua là khách sạn North America, “đoàn đại biểu” Brunei thuê hẳn 100 phòng và chi 1 triệu đôla cho 4 ngày lưu lại đây.

 

Nhưng có một người còn “trên tài” vua Hassanal Bolkiah nhiều lần về khả năng “ném tiền qua cửa sổ”. Người đó là hoàng thân Jefri, em trai của nhà vua, một tay ăn chơi có hạng và lắm thê nhiều thiếp.

 

Tại Las Vegas, Jefri đã xây dựng một tòa lâu đài tư nhân lớn nhất thế giới với diện tích 50.000 m vuông (đây chỉ là lâu đài lớn nhất trong số hơn 30 tòa lâu đài của ông ta).

 

Ông ta cũng là người đã bỏ ra 398 triệu đôla để mua viên kim cương “Expray” mà trước đây thuộc về Hoàng gia Anh và bỏ ra 8 triệu đôla để có được tấm thảm trang điểm bằng đá quý và chỉ vàng. Nói chung, không thể kể xiết những món đồ giá cắt cổ mà ông ta đã mua.

 

Vào năm 1984 (lúc đó Jefri là Bộ trưởng Tài chính Brunei), ông ta được cử làm chủ tịch một quỹ đặc biệt do nhà vua thành lập - đó là Cơ quan đầu tư Brunei, gọi tắt là BIA.

 

Thông qua cơ quan này, vua Hassanal Bolkiah dự định đầu tư vào những ngành kinh doanh có triển vọng trên khắp thế giới. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm, Jefri đã đưa BIA đến chỗ phá sản với khoản nợ khổng lồ là 3,5 tỷ đôla khiến tài sản cá nhân của anh trai giảm đi non nửa.

 

Vua Hassanal Bolkiah liền đệ đơn kiện em trai lên Tòa án Tối cao, đồng thời tổ chức việc kiểm toán quốc tế đối với mọi công việc kinh doanh của người em “phá gia chi tử”. Bị cấm xuất hiện ở Brunei, Jefhri buộc phải chuyển đến sinh sống ở London cùng với 4 người vợ và 17 người con.

 

Ông ta sống qua ngày đoạn tháng tại thủ đô nước Anh nhờ vào tiền trợ cấp 60 nghìn đôla/tháng. Về sau, ông ta hứa là sẽ hoàn trả lại cho anh trai trong khả năng có thể, và vào năm 2001, tại Brunei Jefhri đã đem bán 10 nghìn vật dụng trong tài sản riêng của ông ta. Toàn bộ những vật dụng này chứa đầy 21 nhà kho.

 

Theo Vũ Việt

Tiền phong/Tin tức