1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí mật đời "thái giám" tại Ấn Độ

Ở Ấn Độ, người ta gọi Thái giám là hijras, hay "giới thứ ba". Ngày xưa, họ được tôn trọng vì "trí tuệ và phán quyết công bằng", nhưng ngày nay, họ phải đi nhảy múa ở đám cưới để đuổi tà ma, hay thậm chí là bị lạm dụng tình dục.

Đi trên phố, họ luôn phải tránh những cái nhìn khinh miệt và sự quấy rối, sờ mó của người bình thường, như thể một "quái nhân", tiến sĩ Nhân học Serena Nanda của đại học New York, tác giả một cuốn sách viết về Thái giám cho biết.

 

Thái giám tại Ấn Độ có một quá khứ rất mơ hồ. Nhiều người trong số họ đã chuyển đổi giới tính. Nhiều người khác sinh ra là nam nhưng lại không thể phát triển hoàn chỉnh. Ngay cả dân "gay" và người hai giới tính cũng thỉnh thoảng được xếp vào hàng ngũ thái giám.

 

Và hoàn toàn trái ngược với những gì bạn thường nghĩ, phần lớn bọn họ không hề bị "tịnh thân", Ashok Row Kavi, chủ tịch một văn phòng tư vấn sức khoẻ tình dục nam giới tại Mumbai cho biết.

 

Một quá khứ đầy đau khổ

 

Với mái tóc dài, rối bù, cằm vuông và đôi mắt ngái ngủ, thái giám 55 tuổi Asha Khan nhìn những vị khách không mời mà tới với vẻ ngần ngại và nghi hoặc. Mặc một chiếc áo phông sẫm màu và chiếc quần rộng thùng thình, bà (hay ông ta cũng đúng) dẫn phóng viên CNN bước vào một căn phòng trắng toát, chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang.

 

Câu chuyện bắt đầu khi chàng thanh niên Yusuf Khan bắt đầu nảy sinh những "đặc tính nữ" mấy chục năm về trước. Chỉ có bố mẹ anh, những  người khá giả và còn mang nặng tư tưởng vương giả là cảm thấy vui vẻ, còn không bao lâu, 5 người anh và 2 người chị của Khan đều nhanh chóng tỏ thái độ chì chiết. Dân làng thì nhao nhao đòi Khan phải chuyển đi nơi khác, tẩy chay cả gia đình anh.

 

Không chịu đựng nổi, Khan đã bỏ đi, trốn tới một khu "Thái giám" ở Ahmedabad. Tại đây, Khan được tận mắt chứng kiến những bí mật sâu kín của thế giới hijras, nhưng cũng tại đây, Khan trở thanh một nạn nhân đau khổ.

 

"Tôi bị họ ép đi ăn xin trên phố, đáp ứng "tình dục" cho những kẻ tin rằng làm việc đó với tôi sẽ giúp chúng tránh được bệnh tật và chứng liệt dương", Khan kể lại.

 

18 tuổi, Khan lại một lần nữa bỏ trốn tới Mumbai, nơi một Thủ lĩnh thái giám giang tay che chở cho cô, dạy cô những thủ thuật kinh doanh, biết đọc và biết viết. "Người ta tin rằng sở dĩ Thái giám có một vai trò quan trọng, là vì họ giúp đuổi đi những xui xẻo và bất hạnh. Nhưng cuối cùng, những bất hạnh đó đi đâu được cơ chứ? Ngoài việc chúng trút cả lên người chúng tôi".

 

Lời nguyền của một thái giám

 

Đúng như lời Khan nói, bất hạnh từ lâu đã gắn với đời thái giám Ấn Độ như bóng với hình. Họ không có quyền bầu cử, sở hữu tài sản, cưới xin hay đến trường học, bởi họ chơi vơi không thuộc vào giới tính nào cả. Mãi đến tận năm nay, văn phòng cấp hội chiếu của nước này mới cho phép các Thái giám điền chữ "E" vào mục giới tính, thay cho Nam hoặc Nữ.

 

Hiện nay, số thái giám ở Ấn dao động trong khoảng từ 50.000 cho đến 6 triệu, và họ chủ yếu sống ở Mumbai, Chennai, Kolkata, Delhi.

 

Mỉa mai thay, số mệnh của họ bị cho là tệ đến mức họ được mời đến những nơi vui vẻ, như đám cưới hay ăn đầy tháng để xua đuổi xui xẻo cho những người khác. Nhưng người Ấn Độ không vì thế mà cảm kích các hijras hơn, chỉ chăm chăm tống cho họ một khoản tiền lớn sau khi xong việc để đuổi họ đi.

 

Khi căm ghét ai đến tột độ, người ta lại chửi nhau "đồ Thái giám", hay "Mày đẻ con ra làm Thái giám", và hiển nhiên, không một ai muốn bị nhận những lời nguyền rủa như vậy.

 

Cuộc sống ở Mumbai

 

Cộng đồng bí mật của Khan có cả thảy 80 thành viên, thu nhập được góp chung để cả người già cũng đủ ăn, đủ mặc. Khan là một vũ công có tiếng và thường xuyên được mời đến các đám cưới, tiệc đầy tháng cho trẻ con. Bà đã nhận nuôi 5 đứa trẻ "thái giám" không nơi nương tựa như mình ngay xưa. Cả 6 người cùng sống chung trong một khu ổ chuột. 

 

Mặc dù chính quyền không biết đến sự tồn tại của họ, gia đình không thừa nhận, nhưng Khan đã tìm thấy ở Mumbai cuộc sống và cả công việc để làm. "Chúng tôi đâu muốn chịu tủi nhục - tất cả cũng chỉ việc miếng cơm manh áo, và bọn trẻ", bà nói.

 

Trong những thế kỷ trước, thái giám luôn được nể trọng vì "trí tuệ và phán quyết công bằng". Họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong toà án và hoàng cung. "Nhưng giờ đây, người ta đã có cách nhìn sai lệch về chúng tôi. Nhiều kẻ đồng tính và lưỡng tính đã mạo danh Thái giám và đổ tiếng xấu cho chúng tôi", Khan chán nản nói.

 

Theo C.A

Tiền phong/CNN