1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí ẩn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Vũ khí lần đầu tiên được Nga sử dụng tấn công vào lãnh thổ Ukraine hồi tuần trước có khả năng mang vũ khí hạt nhân, báo New York Times nhận định trong bài đăng hôm 27/11 giờ địa phương.

Bí ẩn tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga - 1

Một điều tra viên Ukraine với các bộ phận của tên lửa mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công vào Dnipro hồi tuần trước (Ảnh: Reuters).

Bụi đã lắng xuống ở Dnipro, nơi các nhà điều tra UKraine đang phân tích đống đổ nát tại một nhà máy vũ khí bị trúng tên lửa đạn đạo tầm trung-xa (IRBM) mới mà Nga tấn công vào tuần trước.

Nhưng cuộc tranh cãi về sự tàn phá và tác động lớn của tên lửa, được gọi là Oreshnik, trên cả chiến trường ở Ukraine và ý nghĩa của nó đối với các quốc gia NATO ở châu Âu vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi tên lửa này như một ví dụ về sức mạnh công nghệ của nước này, do ngành công nghiệp quân sự trong nước sản xuất và không bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, Oreshnik có vẻ giống với nhiều tính năng của các tên lửa khác mà Nga đã phát triển. Nó cũng có khả năng mang vũ khí hạt nhân, vào thời điểm Moscow gia tăng các mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân.  Hiện vẫn chưa rõ tên lửa đã sử dụng loại thuốc nổ nào, nếu có, trong cuộc tấn công vào Dnipro.

Loại vũ khí mới?

Oreshnik là một trong các vũ khí mới nhất của Nga và đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000km/h. Giới chức Nga cho biết nó là tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Ukraine gọi đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), còn Mỹ nhận định Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm xa.

Lầu Năm Góc cho biết, Oreshnik là một phiên bản cải tiến của tên lửa RS-26 Rubezh của Nga, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã được thử nghiệm từ năm 2011.

Cái tên Oreshnik có nghĩa là "cây phỉ" - một cách ám chỉ tiềm năng đến các loại đạn phụ của nó, trông giống như các chùm hạt phỉ, theo Timothy Wright, một chuyên gia về tên lửa Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, Anh.

"Hệ thống này đã được phát triển trong một thời gian", Jeffrey Lewis, một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết. Có một số khác biệt về mặt vật lý giữa các hệ thống tên lửa Oreshnik và Rubezh.

Theo ông Wright, các mảnh vỡ từ địa điểm rơi cho thấy Oreshnik có chu vi khoảng hơn 1m, so với gần 1,8m của Rubezh. "Có thể là do Oreshnik được thiết kế để bay ở khoảng cách ngắn hơn Rubezh", ông nhận định.

Là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Rubezh có thể thực sự đạt được mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, các chuyên gia cho biết, trong khi một tên lửa đạn đạo tầm trung như Oreshnik chỉ có thể bay được khoảng 5.500km. Điều đó sẽ cho phép nó tiếp cận hầu hết châu Âu.

Mặc dù Oreshnik có tầm bắn dưới ICBM nhưng ông Nick Brown, một nhà phân tích tại công ty tình báo quốc phòng Janes có trụ sở tại Anh, cho biết đây là vũ khí có tầm bắn xa nhất từng được sử dụng trong xung đột ở châu Âu. Dựa trên các cuộc thử nghiệm trước đây, các chuyên gia tin rằng Rubezh có thể mang theo tới 4 đầu đạn.

Các quan chức Ukraine cho biết, Oreshnik mang theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có một cụm 6 đầu đạn con, trong cuộc tấn công vào Dnipro.  Thời gian bay của quả đạn từ lúc phóng ở khu vực Astrakhan đến Dnipro là 15 phút, với tốc độ ở pha cuối là trên Mach 11 (khoảng 13.600 km/h). Cũng theo Kiev, Moscow có thể dự trữ tới 10 tên lửa Oreshnik.

Thiệt hại như thế nào?

Cuộc tấn công của Oreshnik "gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng dân sự và đặc biệt là cơ sở hạ tầng của thành phố Dnipro", một quan chức an ninh Ukraine cho biết. Không có báo cáo về trường hợp tử vong nào trong cuộc tấn công.

Ông Lewis cho hay nhà máy vũ khí bị tấn công có thể không bị thiệt hại nghiêm trọng, dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp sau cuộc tấn công. "Thiệt hại đối với cơ sở này khá cụ thể, không có vụ nổ lớn nào, chỉ có những lỗ thủng lớn trên mái nhà", chuyên gia Lewis nói trong một cuộc phỏng vấn.

Cả hai chuyên gia Lewis và Wright đều nói rằng, đầu đạn Oreshnik có thể mang theo một lượng thuốc nổ rất nhỏ hoặc có lẽ không mang theo gì cả, dựa trên hình ảnh video về những vụ nổ nhỏ mà chúng gây ra khi va chạm.

Chỉ riêng lực của những quả đạn rỗng đâm vào nhà máy vũ khí với tốc độ cao cũng có thể gây ra những vụ nổ như trong video. "Thành thật mà nói, khi lao vào với tốc độ đó, đầu đạn trơ gây ra rất nhiều thiệt hại", ông Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết.

Nhưng chuyên gia Wright cảnh báo, vẫn chưa có hình ảnh rõ ràng về địa điểm rơi tên lửa. "Chúng tôi thực sự khó có thể đánh giá thiệt hại trong trận chiến vào thời điểm này", ông nói.

Hãng tin RIA Novosti của Nga đưa ra giả thuyết rằng, tên lửa Oreshnik chỉ dùng đầu đạn mô hình để thử nghiệm, nhưng động năng của chúng vẫn đủ sức gây thiệt hại cho mục tiêu. Một khả năng khác là tên lửa được trang bị đầu đạn xuyên phá, nhằm đánh sập mạng lưới hầm ngầm dày đặc bên dưới nhà máy vũ khí của Ukraine.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm