1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điểm đáng chú ý xung quanh tên lửa Nga tuyên bố "không thể đánh chặn"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã thử nghiệm thành công và sắp đưa vào sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang.

Điểm đáng chú ý xung quanh tên lửa Nga tuyên bố không thể đánh chặn - 1

Các bộ phận của tên lửa Nga được thu thập để kiểm tra ở thị trấn Dnipro, Ukraine sau cuộc tấn công hôm 21/11 (Ảnh: AFP).

Tên lửa Oreshnik mới được Nga công bố đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Được Tổng thống Vladimir Putin công bố vào ngày 21/11, vũ khí siêu vượt âm tầm trung này được coi là một bước tiến đáng kể trong năng lực tên lửa của Moscow. Đây là một bước tiến có thể tác động đáng kể đến cả cuộc xung đột Ukraine và an ninh quốc tế.

Với tốc độ và độ chính xác được Nga tuyên bố là không có đối thủ, cùng triển vọng sản xuất hàng loạt trong tương lai gần, tên lửa Oreshnik có thể là một bước ngoặt đối với chiến dịch quân sự của Moscow.

Vũ khí mới, không phải bản nâng cấp

Trái ngược với một số nhận định, Tổng thống Putin khẳng định tên lửa Oreshnik không phải là bản nâng cấp của hệ thống tên lửa thời Liên Xô. Thay vào đó, Oreshnik là tên lửa hoàn toàn mới, được phát triển dựa trên công nghệ hiện đại của Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh tên lửa này đại diện cho đỉnh cao nỗ lực của "Nước Nga mới", ám chỉ đến những bước tiến của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

"Tên lửa được tạo ra trên cơ sở những phát triển hiện đại, mới nhất", ông Putin tuyên bố.

Tốc độ và độ chính xác siêu vượt âm

Tên lửa Oreshnik được mô tả là vũ khí tầm trung có độ chính xác cao, với tốc độ siêu vượt âm. Tổng thống Putin nói rõ rằng mặc dù không được coi là vũ khí "chiến lược", nhưng khả năng của Oreshnik vẫn rất đáng gờm.

"Do sức mạnh tấn công của tên lửa này, đặc biệt là khi sử dụng phối hợp, quy mô lớn, thậm chí kết hợp với các hệ thống tầm xa có độ chính xác cao khác, việc sử dụng Oreshnik sẽ có sức mạnh tương đương với vũ khí chiến lược", ông Putin cho biết.

Tên lửa Oreshnik được thiết kế để bay với tốc độ lên tới Mach 10 (khoảng 12.200km/h), tức là gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ cao khiến Oreshnik rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.

Tổng thống Putin khẳng định "không có phương tiện nào trên thế giới có thể đánh chặn các tổ hợp kiểu Oreshnik", đồng thời giải thích rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây, bao gồm những hệ thống được triển khai ở Tây Âu, không thể đánh chặn các tên lửa di chuyển nhanh như vậy.

Lần đầu tiên sử dụng trong chiến đấu

Tên lửa Oreshnik lần đầu tiên được sử dụng trong hoạt động tác chiến vào ngày 21/11, khi tấn công một cơ sở quốc phòng của Ukraine tại thành phố Dnepropetrovsk. Mục tiêu là khu phức hợp công nghiệp Yuzhmash, một địa điểm quốc phòng quan trọng của Ukraine, nơi sản xuất thiết bị tên lửa.

Tổng thống Putin tuyên bố cuộc tấn công là phản ứng trước việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa, như hệ thống ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh, để tấn công lãnh thổ Nga.

"Xung đột khu vực ở Ukraine đã có các yếu tố mang tính toàn cầu", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh những tác động lớn hơn từ việc phương Tây can dự vào cuộc xung đột.

Sản xuất và triển khai hàng loạt

Sau thử nghiệm thành công và lần đầu tiên sử dụng vũ khí mới, Nga đã cam kết sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik.

"Việc sản xuất hàng loạt Oreshnik đã được tiến hành thực tế", ông Putin xác nhận, với các tên lửa được lên kế hoạch đưa vào Lực lượng tên lửa chiến lược (RSVS) của Nga.

Điều này cho thấy tên lửa Oreshnik sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược quân sự dài hạn của Nga, với tiềm năng triển khai rộng rãi trong những tháng tới.

Tổng thống Putin lưu ý, quá trình phát triển tên lửa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, với các công nghệ trong nước đảm bảo rằng Moscow đã "giải quyết các vấn đề thay thế việc nhập khẩu". Điều này cho thấy Nga đã xoay xở để phát triển Oreshnik hoàn toàn bằng nguồn lực của riêng mình, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Tác động toàn cầu và tầm quan trọng chiến lược

Tên lửa Oreshnik có khả năng thay đổi cục diện của cuộc xung đột Ukraine. Theo tướng Sergei Karakayev, người đứng đầu Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, Oreshnik "có thể tấn công các mục tiêu trên khắp châu Âu". Điều này khiến tên lửa không chỉ là vũ khí mạnh mẽ trong bối cảnh xung đột Ukraine đang diễn ra, mà còn có thể có những tác động địa chính trị rộng hơn nếu căng thẳng leo thang hơn nữa.

Mặc dù Nga chưa mô tả rõ ràng Oreshnik là vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng độ chính xác và sức mạnh hủy diệt của tên lửa này đồng nghĩa với việc nó có thể được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia mà Moscow coi là đối thủ. Theo Tổng thống Putin, tên lửa mới đã mang lại cho Nga một lợi thế công nghệ mà hiện tại không có quốc gia nào có thể sánh kịp.

Phản ứng quốc tế và diễn biến trong tương lai

Tên lửa Oreshnik đã gây báo động ở phương Tây. Việc sử dụng vũ khí mới này, kết hợp với xung đột ở Ukraine, đã thúc đẩy Kiev kêu gọi tăng cường phòng không.

Các quan chức Ukraine đã tiếp cận Mỹ để thảo luận về việc cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến, có thể bao gồm hệ thống Patriot hiện đại hoặc thậm chí là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy chúng sẽ có hiệu quả trong việc đối phó với Oreshnik.

Theo RT