1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bí ẩn tàu Wilhelm Gustloff với 100 triệu bảng Anh vàng (bài cuối)

Trong số những người sống sót trên tàu Wilhelm Gustloff, có 4 thuyền trưởng. Gần 2 tuần lễ sau đó, cơ quan an ninh thuộc Hải quân Đức quốc xã tiến hành mở cuộc điều tra và Thiếu tá Wilhelm Zahn, chỉ huy tàu ngầm U-Boat là người được mời đến thẩm vấn đầu tiên.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của đế chế Đức lúc ấy đã gần kề nên câu hỏi ai đã đưa ra phương án để tàu Wilhelm Gustloff đi ra xa bờ bị xếp lại…

Với thuyền trưởng tàu phóng lôi S-13 Liên Xô Alexander Marinesko, người đã đánh chìm chiếc Wilhelm Gustloff, mặc dù được công nhận như một chỉ huy xuất sắc nhưng sau vụ ấy, ông bị giáng cấp từ đại úy xuống còn trung úy và đến tháng 5-1945, ông bị sa thải khỏi lực lượng Hải quân Liên Xô.

Năm 1960, Alexander Marinesko được phục hồi chức vụ thuyền trưởng hạng ba và được lĩnh lương hưu. Năm 1963, Marinesko mất vì bệnh ung thư. Đến năm 1990, ông được nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev truy tặng danh hiệu anh hùng.

Cuộc săn lùng kho báu trên tàu Wilhelm Gustloff

Thế chiến 2 chấm dứt, trên bản đồ hàng hải Ba Lan, vị trí nơi tàu Wilhelm Gustloff chìm được đánh dấu như là "chướng ngại vật số 73" và Cục Hàng hải Ba Lan đã ra lệnh cấm lặn trong phạm vi bán kính 500m tính từ xác tàu mặc dù nó nằm ở hải phận quốc tế.

Khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia thuộc khối Đông Âu tan rã, giới săn tìm kho báu lập tức lao về vùng biển này nhưng họ vấp phải một thông tin, có lẽ nhằm đánh lạc hướng những con mắt tham lam soi mói, rằng tất cả vàng bạc, tranh tượng đều đã được Hitler ra lệnh chôn giấu trong một đường hầm bí mật tại một địa điểm nằm gần đường ray xe lửa ở Walbrzych, phía đông nam Ba Lan chứ không phải đưa lên tàu Wilhelm Gustloff.

Phil Sayers (ngồi giữa) trên tàu Aphaia Bremen khi lặn tìm xác tàu Wilhelm Gustloff.
Phil Sayers (ngồi giữa) trên tàu Aphaia Bremen khi lặn tìm xác tàu Wilhelm Gustloff.

Khu vực này thuộc về nước Đức vào thời điểm đó nhưng khi thế chiến 2 chấm dứt, nó được sáp nhập vào lãnh thổ Ba Lan theo sự phân chia của ba cường quốc là Liên Xô, Anh, Mỹ.

Hai trong số những nhân vật lao vào cuộc săn tìm kho báu là Andreas Richter, người Đức và Piotr Koper, người Ba Lan. Bằng radar, họ quét trên từng mét vuông mặt đất, nơi nghi ngờ Hitler chôn giấu kho báu rồi tiến hành đào 3 hố sâu, chi phí hết 28 nghìn bảng Anh nhưng chẳng thấy một mẩu vàng nào.

Vì thế, dư luận cho rằng vàng ở Walbrzych chỉ là kế "hỏa mù", còn sự thật thì nó vẫn nằm trên tàu Wilhelm Gustloff. Thợ lặn Phil Sayers, người đã tìm thấy vị trí chính xác của tàu Wilhelm Gustloff nói: "Suốt nhiều năm, tôi đã gặp gỡ hàng chục người may mắn sống sót trong tấn thảm kịch xảy ra trên tàu Gustloff, và một người trong số đó là Rudi Lange, nhân viên vô tuyến điện. Rudi Lange cho biết khi những chuyến xe tải chở hàng đến, chất lên tàu thì ngay buổi trưa hôm sau, ông tò mò xuống hầm tàu xem xét. Do không có ai, Rudi Lange đã mở nắp một thùng ra và thấy bên trong toàn là những thỏi kim loại cùng kích cỡ bọc giấy dầu, xếp ngay ngắn. Xé thử một thỏi, ông sững sờ khi nó ánh lên một màu vàng…"

Đến năm 1972, nghi vấn của thợ lặn Phil Sayers về tàu chở vàng lại càng được khẳng định hơn nữa lúc ông tiếp xúc với một người sống sót khác, nguyên là lính SS, sau chiến tranh định cư ở Tây Đức. Người này cho biết anh ta cùng một đại đội lính SS được giao nhiệm vụ "bảo vệ vận chuyển số hàng hóa niêm phong, đóng dấu tuyệt mật" từ một nhà kho ở Danzig ra tàu Wilhelm Gustloff.

Theo ước lượng của người lính SS, mỗi thùng nặng khoảng 40kg. Bằng phép loại suy, Phil Sayers cho làm một chiếc thùng gỗ với kích thước đúng y như lời người lính SS mô tả rồi đặt vào đó những thỏi sắt với cân nặng giống hệt khối lượng riêng của vàng. Kết luận cuối cùng của Phil là tất cả các thùng đều chứa vàng.

Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Ba Lan vẫn còn ở trong khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa, và lệnh cấm lặn trong phạm vi bán kính 500m tính từ xác tàu Wilhelm Gustloff vẫn còn hiệu lực nên Phil Sayers không thể tự ý đến vùng này để lặn tìm. Mãi đến tháng 9-1988, Phil cùng các cộng sự mới có cơ hội thực hiện giấc mơ của mình.

Bằng cách sử dụng con tàu du lịch Aphaia Bremen cùng với thiết bị lặn, Phil Sayers và các thành viên là Brian Coll, Damien Sanders, Marietta Kaufhold, Hartmut Tanski và Peter Killikowsk đến vùng biển ngoài khơi giữa Grobendorf và Leba. Phil nói: "Lúc này, cả Liên Xô và khối Đông Âu đang xảy ra một số biến động chính trị nên không ai còn để ý đến lệnh cấm của Cục Hàng hải Ba Lan. Hơn nữa, lệnh cấm ban hành từ năm 1947 nên cũng chẳng người nào buồn nhớ tới nó".

Phil Sayers bị cảnh sát Tây Đức bắt giữ với tang vật lấy được trên tàu Wilhelm Gustloff.
Phil Sayers bị cảnh sát Tây Đức bắt giữ với tang vật lấy được trên tàu Wilhelm Gustloff.

Trong chuyến lặn ấy, Phil đã nhìn thấy con tàu nằm nghiêng về một bên, mũi chúi xuống, thân tàu vỡ nhiều mảnh. Phil nói: "Tôi thấy vài thanh gỗ, loại gỗ thông chuyên dùng để đóng thùng đựng hàng hóa, vướng vào một số cửa sổ. Điều đó có khả năng khi tàu chìm xuống đáy, do bị va đập nên vài thùng vàng vỡ ra, gỗ nổi lên".

Đến lần lặn thứ hai, ngày 5-9-1988, Phil bị cảnh sát đường sông Rendsburg, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức - lúc này nước Đức vẫn chưa thống nhất) bắt với lý do "lặn tìm vàng trên tàu Wilhelm Gustloff trái phép vì theo luật quốc tế, nó là tài sản của Tây Đức". Tang vật gồm 2 khung cửa sổ bằng đồng và một số vật khác, lấy từ tàu Wilhelm Gustloff cùng khá nhiều thiết bị phục vụ cho việc tìm kiếm kho báu. Tất cả những thứ ấy đều bị tịch thu, Phil cùng các thành viên trên tàu Aphaia Bremen bị cảnh sát Tây Đức cấm lặn tại vùng biển này.

Không chỉ Phil Sayers khẳng định tàu Wilhelm Gustloff chở vàng, mà Ruta Sepetys, một nhà văn nữ Ba Lan, hiện đang sống ở Mỹ, tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử "Muối biển" nói về vụ chìm tàu Wilhelm Gustloff cũng đã trực tiếp phỏng vấn một số người sống sót trên tàu Gustloff.

Thậm chí cuối thập niên 1960, với sự giúp đỡ của các nhà xuất bản ở Ba Lan, Ruta còn chứng kiến hai thợ lặn Ba Lan, lặn xuống xác tàu Wilhelm Gustloff dưới sự giám sát của các chuyên gia Liên Xô. Tuy nhiên, cô nói: "Họ không tiết lộ cho tôi biết họ mang lên được thứ gì nhưng chắc chắn là có. Sau đó, tàu Wilhem Gustloff được đặt chất nổ để phá nát với danh nghĩa nó là chướng ngại vật, gây cản trở luồng lạch".

Những công bố của nhà văn Ruta Sepetys đã khiến Phil Sayers choáng váng nhưng ông cho rằng Ruta nhớ sai về địa điểm bởi lẽ cũng cùng thời gian tháng 1-1945, ngoài tàu Wilhelm Gustloff bị đánh chìm thì 11 ngày sau, còn một con tàu khác của Đức quốc xã là Von Steuben, khi đang hoạt động ở vùng biển gần đó cũng bị tàu ngầm Liên Xô đánh đắm, giết chết khoảng 3.000 người.

Phil nói: "Tôi đã lặn xuống và tôi đã thấy. Không thể nào nhầm lẫn được. Người ta không thể phá một con tàu với lý do cản trở luồng lạch khi nó nằm ở độ sâu 45m, hoàn toàn bảo đảm cho tất cả những loại tàu có tải trọng lớn nhất thế giới đi qua mà không hề gây ra bất kỳ một trở ngại nào".

Một lý do nữa khiến những tay săn tìm kho báu quốc tế quan tâm đến số phận tàu Wilhelm Gustloff là những năm đầu tiên sau thế chiến 2, với sự hỗ trợ của Liên Xô, người Ba Lan đã lập kế hoạch để thực hiện việc tìm kiếm "căn phòng hổ phách", được cho là nằm trong xác tàu Wilhelm Gustloff.

Đây là quà của hoàng đế nước Phổ Friedrich Wilhelm I tặng Sa hoàng nước Nga là Peter I, gồm những bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật bằng vàng, hồng ngọc, ngọc bích và ngọc lục bảo, được Sa Hoàng Petr 1 trưng bày trong một căn phòng làm bằng hổ phách ở thành phố Saint Petersburg (dưới thời Liên Xô nó được đổi tên thành Leningrad). Theo ước tính, nó có trị giá 200 triệu Mark Đức lúc bấy giờ.

Khi quân Đức bao vây Saint Petersburg, toàn bộ báu vật trong "căn phòng hổ phách" được Liên Xô chuyển sang thành phố Koenigsberg (nay là Kaliningrad) để tránh rơi vào tay Hitler nhưng cũng kể từ đó, nó biến mất hoàn toàn.

Gauleiter Erich Koch, thị trưởng cuối cùng của Koenigsberg, người đã bị kết án tử hình - sau giảm xuống tù chung thân vì tội ác chống lại loài người trong thế chiến 2, cho biết đoàn xe chở báu vật từ Saint Petersburg đi Koenigsberg đã bị quân Đức phục kích và chiếm được toàn bộ. Sau đó, nó được chôn ở tầng hầm bên cánh trái, phía tây lâu đài Koenigsberg; nhưng năm 1950, một đơn vị đặc biệt của Liên Xô đã đào tung lên nhưng vẫn không thấy gì.

Một người Đức là Hans Soadelmann, chủ của một công ty vận tải biển khai với phía Liên Xô rằng đầu năm 1945, công ty của ông đã nhận được đơn đặt hàng của thị trưởng Gauleiter Erich Koch, vận chuyển 1,5 tấn hàng hóa, giao cho tàu Wilhelm Gustloff tại một địa điểm gần đảo Bornholm. Và mặc dù Hans Soadelmann không hề biết số hàng hóa đó là gì nhưng suy theo thời gian lúc tàu Wilhelm Gustloff bị đánh chìm, rất có thể nó là những báu vật trong "căn phòng hổ phách".

Vàng bạc châu báu sẽ thuộc về ai?

Sau 3 lần lặn hồi tháng 9-1988, không rõ Phil Sayers có quay lại vùng biển nơi tàu Wilhelm Gustloff bị chìm để lặn tìm kho báu lần nào nữa không vì chẳng thấy ông ta tiết lộ thêm điều gì nữa. Nhưng đến ngày 28-10-2016, Phil đột ngột lên tiếng, khẳng định chắc chắn có vàng trên tàu Wilhelm Gustloff.

Phil Sayers lúc bắt đầu lặn.
Phil Sayers lúc bắt đầu lặn.

Theo luật quốc tế, tàu Wilhelm Gustloff chìm trong hải phận quốc tế nên tất cả tài sản trên tàu sẽ thuộc về người tìm ra nó - nghĩa là của Phil Sayers cùng các cộng sự. Tuy nhiên, nước Đức cũng có thể có phần vì số tài sản ấy là của Đức, và Đức đã lên tiếng xác lập chủ quyền của mình đối với con tàu này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất lại không nằm ở đó, mà là phần lớn vàng bạc châu báu trên tàu đều do Đức quốc xã cướp được khi xâm lăng Đông Âu, một phần Liên Xô cùng một số quốc gia Tây Âu. Nếu các chủ nhân chính thức của những tài sản ấy đưa ra những chứng cứ cụ thể, chứng minh rằng nó thuộc về mình thì Phil Sayers sẽ phải trả lại họ.

Giáo sư Spelly, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Yale, Mỹ, cho biết: "Rất nhiều những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc bị Đức quốc xã chiếm đoạt từ các viện bảo tàng hoặc từ những bộ sưu tập tư nhân nên những nơi này có đủ cơ sở để đòi lại. Chưa kể nước Nga, nếu quả thật trong xác tàu Wilhelm Gustloff có những vàng bạc đá quý của "căn phòng hổ phách" thì Phil Sayers khó lòng mà nuốt trôi".

Cũng liên quan đến vàng, khá nhiều những thỏi vàng trên tàu Wilhelm Gustloff được nấu ra từ gọng kính, đồng hồ, dây chuyền, nhẫn, răng vàng… của các tù nhân Do Thái bị Đức quốc xã giết trong các trại tập trung. Bằng phương pháp phân tích quang phổ, không khó để nhận ra nó không phải là vàng nguyên chất. Khi ấy, chẳng gì ngăn cản được hậu duệ của những nạn nhân Do Thái khởi kiện ra tòa án quốc tế để đòi lại tài sản của cha, ông mình…

Theo Cao Trí/ History

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm