1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bí ẩn hàng loạt xác tàu từ Thế chiến II bất ngờ biến mất không dấu vết

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết, nhiều xác tàu chiến đắm từ thời Thế chiến II bất ngờ biến mất mà không để lại dấu vết.

Bí ẩn hàng loạt xác tàu từ Thế chiến II bất ngờ biến mất không dấu vết - 1

Một xác tàu bị đắm (Ảnh: Discovery UK).

Thế chiến II là một trong những cuộc chiến dữ dội nhất trong lịch sử nhân loại với 70-85 triệu người chết, phần lớn trong số đó là dân thường. Hơn 100 triệu người từ hơn 30 quốc gia đã bị vướng vào cuộc chiến. Hàng chục nghìn chiếc tàu đã bị đắm trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng ven bờ biển Anh, hàng nghìn xác tàu  đã nằm dưới đáy biển vì bị trúng mìn, đánh chìm.

Tuy nhiên, nhiều xác tàu trong số đó đã bắt đầu biến mất một cách bí ẩn trong những năm gần đây.

Trong bộ phim tài liệu phát sóng trên kênh Discovery mang tên "Bí ẩn dưới đáy sâu", nhà khảo cổ học hàng hải Beverly Goodman cho biết: "Có một tình huống thực sự bất thường này đang xảy ra lúc này trên toàn thế giới khi những con tàu đắm dường như đang biến mất".

Người dẫn chuyện trong bộ phim tài liệu đặt ra giả thuyết rằng, những xác tàu này đang bị "con người mang đi" và những người vớt tàu lên bị gọi với cái tên là "cướp biển kim loại".

Những đối tượng này coi xác tàu là những mỏ kim loại theo nghĩa đen, theo tiến sĩ Michael Tuttle.

24 xác tàu đắm của Nhật từ Thế chiến II bất ngờ nổi lên la liệt

Mỏ kim loại quý giá

Những kim loại trên cánh quạt bằng đồng và vỏ bọc ở thiết bị điện của các xác tàu được xem là rất quý giá. Nhà khảo cổ học hàng hải Rob Rondeau giải thích rằng, các kim loại này có giá trị cao vì hầu hết chúng được sản xuất trước Thế chiến II, nên chúng có cái được gọi là "chữ ký tiền hạt nhân".

Khái niệm này ám chỉ các kim loại được sản xuất ra trước khi những quả bom hạt nhân đầu tiên phát nổ vào những năm 1940-1950. Với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và các vụ thử liên tục sau khoảng thời gian trên, mức độ bức xạ nền tăng lên trên thế giới. Sau thời điểm đó, kim loại được sản xuất ra bị nhiễm dấu vết phóng xạ do sử dụng không khí của khí quyển.

Các kim loại có "chữ ký tiền hạt nhân" khi chúng không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trên và chúng thường được dùng trong thiết bị cần nhạy cảm cao độ với hạt nhân phóng xạ.

Bà Goodman cho hay, các kim loại từ xác tàu đắm rất có ích khi được ứng dụng cho mục đích y tế và công nghệ. Chúng cũng có thể được sử dụng trong thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại.

"Kim loại có ít hoặc không có dấu vết phóng xạ có thể được sử dụng để sản xuất thiết bị cần sự chính xác cao, nên giá thành của chúng cũng cao", người dẫn chuyện cho bộ phim tài liệu nói. 

Theo một nghiên cứu năm 2019 trên Tạp chí Khảo cổ học Hàng hải, chuyên gia luật quốc tế Kim Browne cho biết, những người trục vớt xác tàu có thể kiếm một khoản lớn.

Một cánh quạt bằng đồng có thể trị giá hàng chục nghìn USD, trong khi toàn bộ xác tàu có thể trị giá hơn một triệu USD.

Vì vậy, một số xác tàu đã bị cắt một nửa, trong khi một số khác biến mất hoàn toàn.

Nhà khoa học Goodman cho biết, những người đứng sau các kế hoạch trục vớt tàu dường như là nhóm có tổ chức và họ có các thiết bị không rẻ để thực hiện việc này.

Nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng xác tàu có tầm quan trọng về mặt lịch sử vì chúng vẫn còn chứa hài cốt của những thủy thủ và phi công thiệt mạng khi chiến đấu.

Chuyên gia Rondeau nhận định rằng, đây là những di sản văn hóa và cần được bảo tồn cho tất cả mọi người.

Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng, các xác tàu này chứa các chất nổ nguy hiểm hoặc hóa chất độc hại có thể đe dọa tới hệ sinh thái xung quanh. Chuyên gia Browne cảnh báo, những người trục vớt các xác tàu phi pháp sẽ không có ý thức thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp và có thể làm rò rỉ những chất nguy hiểm ra ngoài môi trường. Vì vậy, bà kêu gọi luật pháp quốc tế nên có cơ chế để bảo vệ các xác tàu này cho thế hệ sau.