Bẹp rúm đầu vì lao phải núi ngầm, tàu ngầm hạt nhân Mỹ vẫn sống sót kỳ diệu
Năm 2005, một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ từng lao thẳng vào núi ngầm khi di chuyển với tốc độ cao, khiến cho phần mũi tàu vỡ nát và con tàu gần như bị chìm.
Cú đâm kinh hoàng
USS San Francisco là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles đầu tiên của Mỹ, được đóng vào năm 1972 và đưa vào hoạt động vào ngày 24/4/1981. Nó cũng là tàu ngầm chạy êm nhất của Hải quân Mỹ.
USS San Francisco có lượng giãn nước 6.900 tấn khi lặn, dài 110m và rộng 10m. Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân General Electric PWR S6G có công suất 35.000 mã lực, giúp nó di chuyển với tốc độ tối đa 61km/h.
Theo National Interest, vụ tai nạn xảy ra với tàu ngầm USS San Francisco (SSN-711), lớp Los Angeles vào ngày 8/1/2005. Vào thời điểm xảy ra va chạm, con tàu đang ở gần đảo Guam để thực hiện hoạt động huấn luyện và chuẩn bị đi tới Australia. Lúc đó, tàu đang lặn ở độ sâu 160m và di chuyển với vận tốc cực lớn, hơn 48km/giờ.
Cú va đập rất mạnh. Các thủy thủ đang có mặt tại phòng ăn đã bị hất văng lên cao. Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 60 phút, Brian Barnes - một nhân viên của tàu ngầm nhớ lại: "Tôi chỉ thấy mọi người nằm la liệt khắp mọi nơi. Kính vỡ, bát đĩa bắn tung tóe, các thủy thủ rên rỉ vì chấn thương, la hét".
Phần mũi tàu USS San Francisco bị hư hỏng nghiêm trọng, 30m thân trước bẹp rúm và lộ ra dưới biển. Nước tràn vào tàu ngầm. Nhiệm vụ cấp bách lúc đó là phải bơm khẩn cấp khí nén vào các bể dằn của tàu ngầm để giúp con tàu nổi lên trên mặt nước.
Tàu USS San Francisco có tất cả 127 thành viên trong thủy thủ đoàn. Vụ va chạm đã khiến 98 người bị thương và nhiều người trong số này không thể tiếp tục điều khiển con tàu. Riêng thủy thủ Joseph Allen Ashley bị thương ở đầu và tử vong sau đó. Một thủy thủ khác bị gãy cả 2 tay nhưng vẫn cố gắng mở van khí của tàu ngầm để bơm đầy các bể dằn.
Danny Hager, người theo dõi máy đo độ sâu của tàu ngầm, đã có một trải nghiệm đầy lo sợ sau khi các van được mở.
"Tôi nói với mọi người rằng con tàu đang ở độ sâu 160m. Và tôi tiếp tục đợi, 5 giây, 10 giây trôi qua và cứ thế tôi cũng không rõ là bao lâu nữa, con tàu vẫn ở độ sâu 160m. Không khí vô cùng tĩnh lặng bởi vì mọi người đang chờ tôi thông báo rằng chúng tôi đang chuẩn bị trồi lên trên".
Vấn đề là các bể dằn ở phía trước đã bị vỡ trong vụ va chạm. Không khí thoát ra bên ngoài. 60 giây trôi qua mà con tàu vẫn không thay đổi độ sâu.
May mắn thay, phần phía sau của tàu ngầm bắt đầu hướng lên trên khi các bể dằn ở phía sau được lấp đầy khí nén. Danny Hager lúc này đã cảm thấy bớt lo lắng hơn: "Cảm giác thật sự nhẹ nhõm khi tôi thông báo con tàu đã trồi lên ở độ sâu hơn 152m".
Cuối cùng, tàu USS San Francisco cũng nổi lên mặt nước, nhưng hành trình về nhà vẫn còn khá xa. Thật may mắn, lò phản ứng hạt nhân không bị hư hại sau cú va chạm. Thủy thủ đoàn đã điều khiển con tàu quay trở về với tốc độ 16km/h và như vậy để trở về Guam, con tàu phải mất 52 tiếng.
Nguyên nhân không ngờ tới
Mặc dù có hỏa lực vô cùng mạnh mẽ và lực đẩy hạt nhân, nhưng USS San Francisco giống như tất cả các tàu ngầm khác đều phụ thuộc vào hải đồ cung cấp dữ liệu về địa hình đáy biển. Sau quá trình điều tra, hải quân Mỹ nhận thấy rằng tàu ngầm đã sử dụng hải đồ cũ không hề nói đến dãy núi ngầm tại khu vực tàu hoạt động. Trong khi đó, ở các bản đồ khác đều cảnh báo về dãy núi này.
Hải đồ mà thủy thủ đoàn của San Francisco sử dụng được Cơ quan Lập bản đồ Quốc phòng cung cấp vào năm 1989. Đến năm 2008, một nghiên cứu của Đại học Massachusetts cho biết, hình ảnh thu được từ vệ tinh Landsat cho thấy có 1 rặng núi ngầm cao hơn 30m dưới đáy biển trong khu vực. Thế nhưng, hải quân Mỹ đã không cập nhật thông tin này vào hải đồ.
Trong quá trình sửa chữa, phần mũi của USS San Francisco đã bị loại bỏ và thay thế bằng mũi của tàu ngầm USS Honolulu sắp bị loại khỏi biên chế. USS San Francisco tái gia nhập hạm đội vào năm 2009 và phục vụ thêm 7 năm nữa. Sau đó nó được chuyển đổi thành tàu ngầm huấn luyện.
Chỉ huy tàu Kevin Mooney bị khiển trách vì để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc này. Một số thủy thủ được nhận huân chương vì hành động dũng cảm của họ khi con tàu gặp nạn. Riêng thủy thủy thiệt mạng Ashley được ghi danh tại Đài tưởng niệm Hải quân ở Washington D.C.
Vậy làm thế nào con tàu có thể sống sót sau cú đâm va vào dãy núi ngầm với tốc độ cao? Năm 1963, sau thảm họa chìm tàu ngầm USS Thresher, Hải quân Mỹ đã xây dựng chương trình SUBSAFE. Mục tiêu của chương trình này là đảm bảo thân tàu sẽ giữ nguyên áp suất trong trường hợp xả ra tai nạn và nó có thể nổi. Chương trình này đưa việc đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân và giúp chúng có thể phục hồi sau tai nạn, trở thành ưu tiên hàng đầu. Nếu con tàu có thể nổi lên và lò phản ứng hạt nhân tiếp tục hoạt động thì thủy thủ đoàn sẽ có cơ hội sống sót. USS San Francisco đã đảm bảo được các điều kiện đó. Như vậy, việc USS San Francisco có thể "tai qua nạn khỏi" chính là kết quả của những cống hiến và nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ của lực lượng tàu ngầm Mỹ.