1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bệnh trầm cảm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

(Dân trí) - Phần Lan đang đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 2 năm qua. Tuy nhiên, điều này đã và đang tạo ra một loạt thử thách cho thế hệ trẻ - những người đang vật lộn với chứng trầm cảm.

Bệnh trầm cảm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 1

(Ảnh minh họa: BBC)

Dưới ánh nắng mặt trời bên ngoài một quán cà phê được bày biện với đồ nội thất Bắc Âu tối giản và các hàng dệt may đầy màu sắc, Tuukka Saarni - đại diện cho tầng lớp thanh niên tại quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc do Liên Hiệp Quốc công bố năm thứ hai liên tiếp - cho biết: “Hiện tại tôi khá hạnh phúc. Cuộc sống chúng tôi đang rất tốt. Nó là một sự kết hợp tuyệt vời của mọi thứ. Chúng tôi có thời tiết tốt, có giáo dục tốt và có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt”. Trên thực tế, anh đánh giá mức độ hạnh phúc của mình là 10/10.

Saarni, 19 tuổi, vừa học xong trung học và sắp bắt đầu công việc ở một cửa hàng tạp hóa sau vài tháng tìm việc. “Có rất nhiều công việc... Nếu một người sẵn sàng tìm việc và nộp đơn thì tôi nghĩ tất cả mọi người đều có việc làm,” Tuukka nói.

Tuy nhiên, thanh niên này cũng cho biết mình và nhóm bạn của mình đều trải qua trầm cảm.

“Mọi thứ đều ổn, nhưng…”

Đó là một quan điểm được chia sẻ bởi nhiều người Phần Lan trẻ tuổi, những người đã trải qua trầm cảm.

“Bạn gần như cảm thấy mình không có quyền bị trầm cảm khi sống ở một đất nước như Phần Lan - nơi có mức sống quá cao. Bạn có cảm giác mình chỉ nên tận hưởng và làm tất cả những gì mình thích khi còn trẻ và thực tế là xã hội tạo cho bạn suy nghĩ như vậy”, Kirsi-Marja Moberg, hiện 34 tuổi, người vật lộn với chứng trầm cảm suốt 20 năm nay, cho hay.

“Ở Phần Lan... bạn cảm thấy mọi thứ sẽ ổn. Chúng tôi là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhưng nó không nói lên toàn bộ câu chuyện” Jonne Juntura, một bác sĩ tâm lý từng bị trầm cảm trong 6 tháng hồi học đại học, cho hay. Đáng chú ý, thời điểm Jonne bị bệnh là khi anh rất thích học, có sở thích, đang có người yêu…, tức là hoàn toàn không có gì nghiêm trọng trong cuộc sống.

Theo Jonne, những vấn đề như chia tay người yêu, kinh tế suy thoái… đều có thể ảnh hưởng đến mọi người, bất kể mức sống của họ như thế nào.

Phần Lan - quốc gia nhỏ bé Bắc Âu - chỉ có 5,5 triệu người, nơi có mùa đông dài, thiếu ánh sáng - điều có thể ảnh hưởng đến cảm xúc tích cực của con người.

Nhiều chuyên gia cho rằng hình ảnh đất nước hạnh phúc đang che đậy những thách thức về sức khỏe tinh thần của người trẻ Phần Lan. Một số chuyên gia còn tin rằng điều đó làm Phần Lan khó nhận ra những triệu chứng trầm cảm và cách điều trị.

Tỷ lệ tự tử tại Phần Lan đã giảm một nửa so với năm 1990 và giảm đều trong tất cả mọi lứa tuổi nhờ một chiến dịch ngăn ngừa tự tử trên toàn quốc cũng như việc điều trị trầm cảm được cải thiện.

Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn trên mức trung bình của châu Âu. Một phần ba số ca tử vong ở nước này là 15-24 tuổi và do tự tử, theo nghiên cứu chuyên sâu về trầm cảm toàn quốc gần nhất ở Phần Lan (năm 2011).

Theo báo cáo năm 2018, được ủy quyền bởi Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu và Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen, khoảng 16% phụ nữ Phần Lan từ 18 đến 23 tuổi và 11% nam thanh niên tự nhận mình là một người đang phải “đấu tranh” hoặc “chịu khổ” trong cuộc sống. Tỉ lệ này này chỉ kém nhóm độ tuổi từ 80 trở lên.

Còn theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Mieli (sức khỏe tâm thần của Phần Lan), có khoảng 20% trong số những người dưới 30 tuổi đã trải qua các triệu chứng trầm cảm trong năm ngoái.

“Đây là một vấn đề phổ biến”, ông Juho Mertanen nói, một nhà tâm lý học của tổ chức trên, cho biết. Càng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tỉ lệ này đang tăng lên, mặc dù sự gia tăng này không quá nghiêm trọng như truyền thông đưa tin.

Một báo cáo năm 2017 cho Trung tâm phúc lợi xã hội và các vấn đề xã hội Bắc Âu nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe kém, lưu ý rằng người Phần Lan uống nhiều rượu hơn các nước láng giềng Bắc Âu. Cũng có sự gia tăng sử dụng ma túy ở nhóm tuổi 25 đến 34. Và trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc thấp, thì tỉ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi lại cao hơn đáng kể. Khoảng 12,5% của những người từ 15 - 19 tuổi không có việc làm vào cuối năm 2018, cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 11,5%.

Mạng xã hội cũng tác động đến sức khỏe tinh thần của những người trẻ tuổi ở Phần Lan và các nơi khác. Mặc dù các nghiên cứu dài hạn, quy mô lớn, xem xét tác động của lượt thích trên Instagram và Facebook vẫn còn nhiều hạn chế nhưng rõ ràng rõ ràng đã có sự so sánh những khoảnh khắc tồi tệ nhất của bản thân với những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời của người khác.

Bệnh trầm cảm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 2

Kirsi-Marja Moberg vẫn cảm thấy vô cùng áp lực khi nói tới trầm cảm

Bệnh trầm cảm bị kỳ thị?

Những kỳ thị với căn bệnh trầm cảm đã được cải thiện nhiều ở Phần Lan, đặc biệt là kể từ khi chương trình thúc đẩy chống tự tử được tăng cường trên toàn quốc. Nhiều người đã đi điều trị thay vì loay hoay tự chống chọi với nó.

Tuy nhiên, với những người Phần Lan trẻ tuổi đã trải qua trầm cảm, như Kirsi-Marja Moberg, thì dường như vẫn có sự kỳ thị khi ai đó được xác định là một người trầm cảm.

“Nó phụ thuộc vào nơi bạn sống”, Kirsi giải thích.

Bác sĩ tâm lý Jonne cũng đồng tình với quan điểm của Kirsi. Chuyên gia này cho biết, chính nền văn hóa coi trọng sự riêng tư, hiếm khi thể hiện cảm xúc quá mức và trò chuyện nơi công cộng chỉ là những tiếng thì thầm… đã khiến việc thảo luận về trầm cảm có thể vẫn là một thách thức đối với người bệnh.

“Vấn đề sức khỏe tâm thần thường được cho là liên quan với sự yếu đuối. Một số người thấy khó nói ra khi họ cảm thấy tồi tệ”.

Điều trị càng sớm càng tốt

Nhà tâm lý học tâm thần Phần Lan Juho Mertanen đồng ý rằng can thiệp sớm là rất quan trọng để phục hồi, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi lần đầu trải qua các triệu chứng trầm cảm.

“Nói chung, với sức khỏe tinh thần, nếu bạn không được giúp đỡ sớm thì theo thời gian, cái hố vấn đề sẽ chỉ càng bị đào sâu thêm”, Juho nói.

Can thiệp sớm là rất quan trọng để phục hồi, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi lần đầu tiên trải qua các triệu chứng trầm cảm

Bác sĩ trẻ Jonne Juntura nói rằng ông hy vọng rằng bên cạnh sự đầu tư lớn hơn vào can thiệp sớm của chính phủ, những cuộc tranh luận, trao đổi ở tầm quốc gia cũng sẽ góp phần gia tăng nhận thức toàn cầu về trầm cảm.

Juntura cho biết, gần đây việc đưa sức khỏe tâm thần vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệpp Quốc là một ví dụ về sự thay đổi nhận thức toàn cầu trong những năm gần đây.

“Người dân đang bắt đầu hiểu được vấn đề sức khỏe tâm thần đang ở mức nào, và có bao nhiêu bao nhiêu sự công cụ có thể hỗ trợ. Mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm... nhưng tôi cảm thấy rất lạc quan”, Juntura nói.

Nhân Hà

Theo BBC