Bên trong hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới của Triều Tiên
(Dân trí) - Triều Tiên sở hữu một trong những hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất và đẹp nhất thế giới.
Nhà ga Yonggwang, có nghĩa Vinh Quang trong tiếng Triều Tiên, là một trong những nhà ga lộng lẫy nhất của hệ thống tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng.
Mở cửa vào tháng 4/1987, các chùm đèn của nó được thiết kế mô phỏng theo pháo hoa của lễ kỷ niệm chiến thắng, trong khi hình ảnh ngọn đuốc chiến thắng được khắc lên các cột đá cẩm thạch khổng lồ dọc nhà ga.
Việc xây dựng hệ thống này bắt đầu vào năm 1965 dưới thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc.
Trong 16 nhà ga, phần lớn được xây dựng từ thập niên 1970, trừ hai nhà ga hoành tráng nhất là Puhoong và Yonggwang xây dựng năm 1987. Viện trợ kỹ thuật của Trung Quốc gồm các thiết bị điện từ Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam và hệ thống thang cuốn cao 64 m sản xuất tại Thượng Hải.
Hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng đạt độ sâu kỷ lục thế giới: đường ray của nó ở độ sâu 110m, trong khi nhà ga Arsenalna ở Kiev, Ukraine chỉ có 105,5 m.
Do chạy liên tục dưới lòng đất và có các cửa thép dày ở các lối vào, các nhà ga của hệ thống có thể đóng vai trò hầm tránh bom. Nếu đi thang cuốn, sẽ phải mất khoảng 3 phút rưỡi để đặt chân xuống nhà ga. Điều hòa là không cần thiết vì ở độ sâu này, nhiệt độ toàn bộ hệ thống sẽ luôn duy trì ở mức 18 độ C quanh năm.
Hai tuyến chính là Chollima (dài 12 km) và Hyoksin (dài 15 km). Các đoàn tàu đến và đi sau vài phút, trong giờ cao điểm thì cứ hai phút sẽ có một chuyến. Ước tính từ 300.000 đến 700.000 người đi tàu điện ngầm mỗi ngày.
Nhân viên điều hành bằng biển cầm tay chứ không phải đèn tín hiệu, và mặc đồng phục đen với nhiều cấp bậc khác nhau. Cũng có các nhân viên phụ trách đóng mở cửa mỗi khi tàu dừng lại, để đảm bảo không có tai nạn xảy ra.
Các nhân viên tàu điện ngầm đều thuộc biên chế của Bộ Nội vụ Triều Tiên. (Ảnh: REUTERS/Danish Siddiqui)
Trên mỗi toa tàu đều có lắp loa phát nhạc và các bản ghi âm. Trước kia các toa tàu được nhập khẩu từ Tây Đức, nhưng đến năm 2015, Triều Tiên đã tự sản xuất được. Vé tàu ở đây có thể coi là rẻ nhất thế giới: khoảng 0.05 USD/chặng. Trước đây, người ta sử dụng thẻ nhôm nhưng nay đã đổi thành vé giấy có thể mua tại các quầy bán.
Việc hút thuốc và ăn uống trong khi đi tàu bị phạt rất nặng. Không có quảng cáo hay bản đồ nào được in hay dán bên trong các toa. Điểm tiện lợi là hầu hết các nhà ga đều dẫn lên một trạm xe buýt hay taxi.
Một trong những điểm ấn tượng nhất của hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng là kiến trúc của các nhà ga. Hầu hết khách du lịch từng đến đây đều tỏ ra thích thú trước vẻ hoành tráng của nó. Nhà ga thường được đặt tên theo các chủ đề cách mạng như “Thống Nhất” hay “Đồng Chí”, và mỗi nhà ga có một phong cách riêng.
Ga Puhung (Tái thiết) nổi bật với các chùm đèn lớn lộng lẫy. Cuối ga là tranh vẽ cố chủ tịch Kim Nhật Thành cùng những người dân Triều Tiên trong quá trình tái thiết thủ đô Bình Nhưỡng sau chiến tranh. (Ảnh: Oliver Wainwright)
Ga Hwanggumbol (Cánh đồng vàng) với họa tiết trang trí gợi người xem đến một vụ mùa bội thu. Bức tranh lớn vẽ cố chủ tịch Kim Nhật Thành đứng trên cánh đồng lúa mì vàng, trong khi các chùm đèn được thiết kế mô phỏng những chùm nho. (Ảnh: Oliver Wainwright)
Bức tượng cố chủ tịch Kim Nhật Thành đang vươn tay trên sân ga Kaeson (Chiến Thắng) (Ảnh: Oliver Wainwright)
Hình vũ công và các cầu thủ trên cột trụ ga Samhung, hoạt động từ năm 1975. Xưởng nghệ thuật Mansudae là đơn vị phụ trách phần lớn các tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng của hệ thống tàu điện ngầm. (Ảnh: Oliver Wainwright)
Tùng Anh
Theo The Guardian