1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bên trong cỗ máy chiến tranh 2 tỉ USD của IS

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mua bom và trả lương cho chiến binh với hàng tỉ USD thu được từ mỏ dầu, quặng mỏ, và các ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát của chúng.

Chỉ riêng năm 2014, IS đã vơ vét được 2 tỷ USD.

Không như Al-Qaeda chỉ dựa vào nguồn tài trợ từ những người giàu có ở Vùng Vịnh, IS tự xoay sở dòng tiền cho mình bằng nhiều cách khác nhau.

Chiến binh IS kiếm được từ 400 đến 1.200USD/tháng, cộng thêm 50 USD lương cho vợ và mỗi con được 25USD - theo Sở Nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Mỹ (CRS).

Kỹ sư và kỹ thuật viên có năng lực cao chấp nhận làm việc cho IS có thể kiếm được hơn 1.500USD/tháng, theo một đội điều tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Andreas Krieg, chuyên gia về quân sự Đại học King's College London (Anh), nhận định: "IS chắc chắn là tổ chức khủng bố kiếm tiền giỏi nhất trong lịch sử. Tất cả là nhờ khả năng quản lý những vùng đất nằm trong tay chúng".

Bòn rút từ tiểu thương đến… học sinh tiểu học!

Một nguồn tiền khổng lồ đến từ 8 triệu dân sống và làm việc trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. IS đánh thuế tất tần tật vào mọi thứ.

Theo số liệu từ Trung tâm Geneva về Chính sách an ninh (GCSP): Thuế thu nhập (10%), thuế doanh nghiệp (10-15%), thuế tiểu thương (2%), toàn bộ mọi khoản tiền rút khỏi ngân hàng (5%) và thuế dược phẩm (10-35%). IS gọi các loại thuế này là "zakat".

Bên trong cỗ máy chiến tranh 2 tỉ USD của IS - 1
IS áp đặt loại thuế bảo kê "Jizya" đối với tín đồ Công giáo. Trong ảnh: "Ta muốn các người đóng thuế Jizya" (nếu không sẽ bị người của ta giết chết)

Không dừng lại ở đó, IS còn tống tiền người dân khắp nơi. Học sinh tiểu học phải nộp phí hằng tháng là 22USD, học sinh lớp cao hơn nộp 43USD và 65USD đối với sinh viên đại học, theo CRS. Khi có nhu cầu vào vùng lãnh thổ của Iraq, người dân phải trả từ 200 đến 1.000USD cho đội chiến binh gác trạm.

Thậm chí, IS còn quy định loại thuế đặc biệt đối với tín đồ Công giáo - giống như là tiền bảo kê của mafia - mà chúng gọi là "jizyah". Đối với các nhân viên chính quyền Iraq làm việc tại khu vực miền Bắc nước này do IS kiểm soát, IS cho phép họ sang thành phố lân cận Tikrit để nhận lương và sau đó phải nộp 50% thuế thu nhập sau khi quay trở về vùng đất của chúng.

Còn những người muốn đi thăm gia đình sống ở ngoài vùng đất IS kiểm soát, IS đòi 1.000USD thuế khởi hành và tạm thời quản lý bất động sản của họ - theo điều tra của GCSP. Những thứ thuế và phí này mang về cho IS 360 triệu USD trong năm 2104 - theo nghiên cứu của 2 chuyên gia về khủng bố Jean-Charles Brisard và Damien Martinez. Họ ước tính số tiền này có thể tăng lên 800 triệu USD vào năm 2016!

Nguồn thu từ dầu mỏ và cướp ngân hàng

Theo điều tra của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), IS kiểm soát 1/3 các cánh đồng lúa mì và lúa mạch của Iraq. Bọn chúng cũng kiểm soát một quặng phosphate khổng lồ, các nhà máy phosphate và sulfur cũng như nhà máy sản xuất xi măng - tất cả đều có sản lượng trị giá hơn 1,3 tỉ USD/năm.

Bên trong cỗ máy chiến tranh 2 tỉ USD của IS - 2
Chi nhánh ngân hàng trung ương Iraq ở thành phố Mosul, năm 2013.

Năm 2014, IS sản xuất được gần 50.000 thùng dầu/ngày, tức chưa đến một nửa tiềm năng của khu vực song cũng kiếm được 1,6 triệu USD/ngày - theo số liệu điều tra của LHQ.

Những lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt nhằm ngăn chặn IS bán dầu một cách hợp pháp, thế nên bọn chúng phải dựa vào các thị trường đen và chuyện đó chẳng khó khăn gì. Tất cả là nhờ vào những con đường buôn lậu hình thành từ thập niên 90 thế kỷ trước - do lúc đó Saddam Hussein sử dụng chúng để tránh né sự trừng phạt của LHQ.

IS khai thác dầu thô từ những giếng chiếm đoạt được và bán cho bọn người trung gian với giá chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Khi dầu thô giảm xuống còn 80USD/thùng vào năm 2014, IS bán với giá 20 USD/thùng - theo Tổ chức Quốc tế chống rửa tiền (FATF).

IS còn bán dầu thô cho cả những kẻ thù của chúng - ví dụ như vừa bán cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại vừa cho cả phe nổi dậy chống chính quyền.

Bên trong cỗ máy chiến tranh 2 tỉ USD của IS - 3

Một chiến binh IS đang thu thuế “Jizya” các tín đồ Công giáo ở Al-Qaryatayn, thành phố Homs, miền tây Syria.

Trong khi dầu thô vẫn còn là nguồn thu quan trọng cho IS, song Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng, nó không còn là nguồn thu số 1 của tổ chức khủng bố này nữa. Chiến dịch không kích dữ dội của Mỹ bắt đầu từ tháng 9-2014 đã phá hoại nghiêm trọng khả năng vận chuyển dầu thô của IS.

Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, 8.573 cuộc không kích đánh trúng 260 mục tiêu "cơ sở hạ tầng dầu mỏ" cũng như hàng ngàn chiến binh, tòa nhà và các loại thiết bị của IS.

Tháng 10-2015, chiến dịch không kích giúp quân đội Iraq giành lại được nhà máy lọc dầu khổng lồ Baiji từ tay IS. Nếu không có những nhà máy quy mô như thế, IS chỉ có thể dùng đến những nhà máy nhỏ, di động để sản xuất 500 thùng dầu/ngày. Nhưng 30 mục tiêu trong số đó đã bị tấn công tiêu diệt.

Khi chiếm được một vùng đất mới, IS nhanh chóng kiểm soát ngân hàng. Năm 2014, IS cướp được đến 1 tỷ USD từ các ngân hàng, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Bọn khủng bố hành động với các ngân hàng địa phương và ngân hàng nhà nước một cách khác nhau. IS không lấy tiền của ngân hàng địa phương mà các chi nhánh ngân hàng trung ương Iraq đều bị bọn chúng cướp sạch.

Khi chiếm được thành phố Mosul của Iraq hồi năm 2014, IS cướp đi 450 triệu USD tiền mặt và vàng từ chi nhánh ngân hàng trung ương nơi đây.

Bắt cóc đòi tiền chuộc: 20 - 45 triệu USD/năm

Nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc năm 2012 và IS đòi tiền chuộc 132 triệu USD. Số tiền chuộc đối với hai con tin người Nhật Bản Kenji Goto Jogo và Haruna Yukawa là 200 triệu USD.

Phần đông các quốc gia không chấp nhận trả tiền chuộc và đây là quyết định khiến gia đình các con tin phải chịu nhiều đau đớn. Song, vẫn có một số quốc gia chịu trả tiền chuộc.

Các con tin người Pháp, Italia và Tây Ban Nha được trả tự do nhờ tiền chuộc. IS kiếm được từ 20 - 45 triệu USD trong năm 2014 bằng thủ đoạn này, theo Bộ Tài chính Mỹ.

IS bắt cóc các thành viên gia đình người Yazidi và sau đó đòi khoản tiền chuộc 3.000USD/người. IS còn bắt cóc hàng trăm người Công giáo Assyria và đôi khi đòi đến 1.700USD/người để chuộc mạng!

Bên trong cỗ máy chiến tranh 2 tỉ USD của IS - 4

Biên lai thuế của IS.

Tuy nhiên, thủ đoạn bắt cóc đòi tiền chuộc không là nguồn béo bở cho IS. Ola Johan Kaldager, sĩ quan tình báo về hưu sáng lập E-14, tương đương với đội đặc nhiệm chiến dịch của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định: "Chúng ta luôn nói IS là tổ chức khủng bố. Nhưng lẽ ra chúng ta nên nói tổ chức này là một nhà nước.  Bởi vì chúng có nền kinh tế riêng, kiểm soát biên giới, thuế và hải quan. Do đó, rất khó tiêu diệt IS trong tương lai gần".

Theo Diên San (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm