1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bé gái trong bức ảnh “đầu hàng” đang đối mặt với nguy hiểm

Bé gái trong bức ảnh “đầu hàng” chiếc máy ảnh vì tưởng đó là súng khiến hàng triệu người trên thế giới rơi nước mặt hiện lại phải đối mặt với hiểm nguy tại một thành phố bị lực lượng thân al-Qaeda chiếm đóng, theo Daily Mail.

Bé Hudea trong bức ảnh khiến hàng triệu người rơi nước mắt. (Nguồn: Daily Mail)

Bé Hudea trong bức ảnh khiến hàng triệu người rơi nước mắt. (Nguồn: Daily Mail)

Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Osman Sagrili đã chụp hình cô bé Hudea, 4 tuổi, tại trại tị nạn Atmeh ở Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 10 cây số.

Hudea cùng mẹ và ba anh chị em khác đã sống ở Atmeh từ khi cha cô bé bị giết trong vụ thảm sát Hama năm 2012.

Hai tuần trước, gia đình Hudea đã lên đường đi về phía nam tới thành phố Idlib - nơi đã bị nhóm phiến quân thân với lực lượng al-Qaeda tại Syria chiếm đóng từ cuối tuần trước. Điều này có nghĩa một lần nữa, gia đình Hudea lại trở thành nạn nhân của cuộc chiến giữa chính quyền và quân nổi dậy.

Các phiến quân của nhóm Mặt trận Nusra đã áp đặt luật Hồi giáo hà khắc lên thành phố Idlib. Đây là một tin xấu với những người đang sống ở đây, bởi những phiến quân này khét tiếng là những kẻ tàn bạo sánh ngang với IS.

Charlie Winter, một thành viên của Quỹ Qilliam, cho biết: “Các phiến quân của Mặt trận Nusra đã từng chặt đầu những phụ nữ chúng cho là điều hành nhà thổ và ném đá những người ngoại tình đến chết. Đó là những cách thực thi luật Hồi giáo tàn bạo.”

Không chỉ áp dụng những hình phạt tàn bạo, các phiến quân Mặt trận Nusra còn từng tuyên bố muốn thành lập Nhà nước Hồi giáo riêng. Nhóm khủng bố này nổi tiếng với những lần đánh bom liều chết để đạt được mục đích và đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát, giết hại các nhà báo và thậm chí là các linh mục trong những năm gần đây.

Kể từ khi Mặt trận Nusra chiếm được Idlib, đã có hai người theo đạo Thiên chúa bị xử tử. Tòa thánh Vatican, dẫn lời các nguồn tin địa phương, cũng khẳng định một mục sư chính thống người Hy Lạp đã bị các phần tử cực đoan tại đây bắt cóc.

Với những em bé như bé Hudea, vốn đã bị tổn thương tinh thần sâu sắc vì cuộc nội chiến, cuộc sống dưới những luật lệ Hồi giáo hà khắc cũng kinh khủng như vậy. Tuy nhiên, cuộc sống dưới chế độ của chính phủ Syria cũng chẳng tốt đẹp hơn là bao.

Nhiều người tin rằng những tay súng ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad chính là những kẻ đứng sau vụ thảm sát Hama khiến cha Hudea thiệt mạng. Những phần tử cực đoan thân chính phủ đã giết ít nhất 55 người trong vụ thảm sát đó, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Bé Hudea trong bức ảnh khiến hàng triệu người rơi nước mắt. (Nguồn: Daily Mail)
Quang cảnh đổ nát tại Idlib sau một cuộc giao tranh. Ước tính đã có 15.000 người tại đây phải đi lánh nạn. (Nguồn: Daily Mail)

Mặc dù Hudea cùng gia đình đã chạy đến trại tị nạn gần sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không thể vượt qua biên giới, và - vì một lý do không rõ nào đó - phải rời trại đi về phía nam.

Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của đại học Oklahoma, cho rằng chính quyền Damascus sẽ không từ bỏ Idlib mà không để xảy ra cuộc giao tranh nào. “Assad sẽ ném bom Idlib, để những kẻ chiếm đóng không yên ổn tận hưởng phần thưởng của chúng,” Landis trả lời kênh Bloomberg. Điều này có nghĩa là cả gia đình bé Hudea lại một lần nữa mắc kẹt nơi chiến tuyến.

Từ sau khi Idlib bị chiếm đóng, nhiều ngôi làng khác không thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Damascus cũng đã bị lực lượng Mặt trận Nusra tấn công, khiến nhiều người phải di tản. Điều mỉa mai là, hầu hết họ đều chạy tới những trại tị nạn ở phía Bắc như Atmeh - chốn an toàn mà Hudea và gia đình đã rời bỏ./.
 
Theo Mai Nguyễn (Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/be-gai-trong-buc-anh-dau-hang-dang-doi-mat-voi-nguy-hiem/315842.vnp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm