1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bê bối vắc-xin giả rúng động Trung Quốc

Hàng triệu liều vắc-xin giả do Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh (gọi tắt: Trường Sinh) sản xuất đã được phân phối khắp Trung Quốc, trở thành vụ bê bối y tế lớn nhất quốc gia này sau vụ sữa trộn melamine gần 10 năm trước

Nhà chức trách Trung Quốc hôm 25-7 xác nhận đã bắt giữ 15 người trong ban lãnh đạo gồm cả chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Trường Sinh, bà Cao Tuấn Phương (Gao Junfang). Trước khi tin này loan ra, cổ phiếu của Trường Sinh (niêm yết tại sàn chứng khoán Thâm Quyến) trong tháng 7 rớt giá đến hơn 53%.

Thân thế bí ẩn của "bà hoàng vắc-xin"

Nhân vật trung tâm của vụ bê bối, bà Cao Tuấn Phương, khá quen thuộc trong làng sản xuất dược phẩm Trung Quốc. Bà còn là một nữ lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào nhiều hiệp hội chính trị của TP Trường Xuân và của tỉnh Cát Lâm. Cao Tuấn Phương được mệnh danh là "bà hoàng vắc-xin Trung Quốc".

Sinh năm 1954, Cao Tuấn Phương là nữ doanh nhân thuộc thế hệ đầu tính từ khi Trung Quốc mở cửa. Gia nhập Trường Sinh và nhanh chóng nắm giữ các chức vụ quan trọng của công ty, rồi trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc, kiêm cả giám đốc tài chính, bà Cao nhiều năm liền luôn xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, thân thế của bà lại khá bí ẩn với truyền thông.


Bà Cao Tuấn Phương và ông Cao Địch - người cha tin đồn của bà Ảnh: VÕNG THỊ

Bà Cao Tuấn Phương và ông Cao Địch - "người cha tin đồn" của bà Ảnh: VÕNG THỊ

Hàng chục bài báo nói về sự nghiệp của nữ doanh nhân thành đạt này nhưng không nói rõ cha mẹ bà là ai. Mãi gần đây, một tiết lộ được xem là đáng tin cậy càng làm cho người ta thấy được thân thế "danh gia vọng tộc".

Hồi đầu tuần rồi, Tổng Biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo (phụ trương của Nhân Dân nhật báo) Hồ Tích Tiến viết trên trang cá nhân Twitter rằng bà Cao chính là con gái ngoài giá thú của ông Cao Địch - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm. Khi một số hãng truyền thông liên hệ với ông Cao để xác minh thông tin, ông phủ nhận. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng nguồn tin trên có độ xác tín cao khi ông Hồ Tích Tiến từng là trưởng ban quốc tế của Nhân Dân nhật báo thời ông Cao Địch làm tổng biên tập nên chuyện ông Hồ tiết lộ là đáng tin.

Bên cạnh đó, có tin nói gia đình bà Cao đều đã có thẻ thường trú nhân nước ngoài. Bà cũng là doanh nhân chủ động tiếp xúc với truyền thông. Trừ những thông tin bà công bố và chủ động công khai, có rất ít tin tức về gia đình bà xuất hiện trên báo chí. Nhìn chung, bà Cao Tuấn Phương được phác họa là một phụ nữ giỏi giang, nhân hậu, một doanh nhân thành đạt nhưng cũng giỏi bề thu vén chuyện gia đình.

Gây dựng "đế chế" khổng lồ

Về con đường gây dựng nên cơ nghiệp của nữ doanh nhân này cũng có nhiều tranh cãi. Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế học, bà Cao gia nhập Trường Sinh lúc công ty này còn thuộc sở hữu nhà nước và nhanh chóng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Năm 1995, Trường Sinh chính thức sản xuất vắc-xin. Bà Cao trở thành phó chủ tịch công ty vào năm 1996. Lúc đó, tổng tài sản công ty chỉ được ước tính khoảng trên 100 triệu nhân dân tệ (1 NDT tương đương 0,14-0,15 USD). Đến năm 2001-2002, bà hưởng mức thu nhập chỉ 59.800 NDT và 84.000 NDT (bao gồm cả thuế) mỗi năm.

Năm 2003, Trường Sinh được cổ phần hóa. Bà Cao cùng chồng, con trai và vài người thân nữa gom mua phần lớn, trở thành cổ đông chi phối công ty. Sau khi cổ phần hóa, Trường Sinh nhanh chóng lột xác, trở thành một đế chế thực sự trong ngành dược phẩm Trung Quốc.

Về cơ cấu sở hữu của Trường Sinh, theo báo cáo đại hội cổ đông gần nhất, bà Cao nắm 18,18%; ông Trương Hữu Khuê - chồng bà - nắm 17,88%; con trai Trương Minh Hào sở hữu 8,24%. Hai người em gái chồng bà là Trương Mẫn, Trương Văn cũng nằm trong số 10 cổ đông lớn nhất công ty. Năm 2017, tạp chí Hồ Nhuận xếp bà Cao là người giàu thứ ba tỉnh Cát Lâm, giàu thứ 371 ở Trung Quốc với tài sản ước tính 1 tỉ USD. Tạp chí được mệnh danh là "Forbes Trung Quốc" này cũng xếp gia đình bà giàu thứ 820 và là một trong những "gia tộc quyền lực" bậc nhất ở đất nước có nhiều tỉ phú nhất châu Á này.

Chỉ mất 10 năm từ khi cổ phần hóa, doanh thu Trường Sinh đã tăng trưởng vài ngàn phần trăm, mức lãi ròng hằng năm đạt hàng tỉ NDT. Công ty của bà Cao sản xuất và cung ứng hầu hết các loại vắc-xin như phòng dại, ho gà, uốn ván, thủy đậu... Theo một báo cáo, Trường Sinh là nhà cung cấp vắc-xin ngừa bệnh dại và thủy đậu đứng thứ hai Trung Quốc trong năm 2017 nhờ trúng thầu 3,55 triệu liều vắc-xin ngừa bệnh dại và 3,6 triệu liều vắc-xin ngừa thủy đậu cho nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Đài Phát thanh Trung Quốc còn cho biết Trường Sinh là nhà cung cấp vắc-xin chính cho 24 tỉnh, khu tự trị ở Trung Quốc trong năm 2017. Chỉ trong 6 năm qua, công ty này đã bán ra 110 triệu liều vắc-xin với mức lợi nhuận ròng xấp xỉ 2 tỉ NDT mỗi năm. Cao Tuấn Phương được mệnh danh là "bà hoàng vắc-xin" của Trung Quốc.

Cao Tuấn Phương còn nổi tiếng là người giỏi xây dựng quan hệ với giới chức và các doanh nhân khác trong ngành. Hầu hết các lãnh đạo Cát Lâm đều đã đến thăm công ty của bà và dành cho bà những lời khen ngợi có cánh. Mức độ quan hệ của bà với chính quyền địa phương thân cận đến nỗi khi vụ bê bối vắc-xin vỡ lở rồi nhưng các lãnh đạo TP Trường Xuân và tỉnh Cát Lâm vẫn chưa có hành động pháp lý nào chống lại bà cho đến khi đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đạo.

Trong những năm tạo dựng được đế chế dược phẩm khổng lồ này, bà Cao Tuấn Phương còn có quan hệ rất thân thiết với nhiều quan chức ngành y tế ở cấp trung ương và địa phương của Trung Quốc. Con số và phạm vi lan tràn của sản phẩm vắc-xin giả thuộc Trường Sinh là minh chứng cho thế mạnh đó. Ngoài ra, hơn 15 năm bà nắm quyền điều hành Trường Sinh, công ty này chưa hề bị vướng vào một tranh chấp nào với các đối thủ hay đối tác kinh doanh, nếu có thì cũng được dàn xếp êm thấm.

Tham gia chính trị

Thành công trong kinh doanh giúp bà Cao Tuấn Phương dễ dàng tham gia các hoạt động chính trị và xã hội hơn. Bà Cao Tuấn Phương là ủy viên Ủy ban Chính hiệp tỉnh Cát Lâm, Phó Chủ tịch Hội Y tế dự phòng tỉnh Cát Lâm, đại biểu Đại hội Nhân dân TP Trường Xuân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Công thương TP Trường Xuân. Các chức danh của người phụ nữ giàu có này đều là đương nhiệm và được in kín trên danh thiếp của bà.

Kỳ tới: Trò "ma" bị lật tẩy

Theo Đặng Văn Thuận

Người lao động