1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bê bối đổi tài liệu mật lấy tình dục chấn động Hải quân Mỹ

(Dân trí) - Một sỹ quan Hải quân Mỹ ngày 29/1 đã bị kết án hơn 3 năm tù do hành vi đổi tài liệu mật lấy tình dục. Đây là sỹ quan thứ 2 bị kết án trong vòng 1 tháng qua liên quan đến bê bối nhận hối lộ, làm rò rỉ tài liệu mật.

 

(Ảnh minh họa: Marinelog)
(Ảnh minh họa: Marinelog)

Theo Washington Post, một tòa án liên bang ở San Diego hôm qua đã kết án 40 tháng tù giam đối với Trung úy Hải quân Todd Dale Malaki sau khi anh này thừa nhận hành vi nhận hối lộ.

Sỹ quan này thừa nhận đã hơn 10 lần chuyển tài liệu mật cho một nhà thầu quốc phòng nước ngoài để đổi lấy một đêm hoan lạc cùng với một gái mại dâm tại một câu lạc bộ karaoke, nhận phong bì hối lộ và được mời nghỉ tại khách sạn ở châu Á và Nam Thái Bình Dương. Ước tính, giá trị nhận hối lộ khoảng 15.000 USD.

Như vậy, chỉ riêng trong tháng này, Malaki là sỹ quan thứ 2 của Hải quân Mỹ lĩnh án tù do bê bối nhận hối lộ, rò rỉ tài liệu mật.

Trước đó, hôm 21/1, Daniel Layug trở thành người đầu tiên bị tuyên án 27 tháng tù trong vụ điều tra tham nhũng gây chấn động hải quân Mỹ vào năm 2013. Layug đã trao đổi tài liệu mật cho nhà thầu quốc phòng Glenn Defense Marine Asia của Singapore để lấy tiền mặt và một số thiết bị điện tử. 7 bị cáo khác đang chờ tuyên án.

Trong khi đóm hơn 100 người khác vẫn đang trong quá trình bị điều tra liên quan tới các hoạt động phạm pháp về tài chính và đạo đức, trong đó có 2 đô đốc phụ trách vấn đề tình báo của Hải quân Mỹ. Ba đô đốc khác cũng bị khiển trách do nhận quà hối lộ từ Leonard Glenn Francis, một công dân Malaysia và là ông chủ của Glenn Defense Marine Asia.

Gần 25 năm qua, công ty này đã có những thương vụ làm ăn lớn với Hải quân nhờ cung cấp nhiên liệu, nước và một số hàng hóa tiêu dùng khác cho các tàu của Hải quân Mỹ đóng tại các cảng ở khắp châu Á.

Malaki bắt đầu cung cấp các tài liệu mật cho Francis từ năm 2006 khi anh ta còn là một sỹ quan hậu cần cho Hạm đội số 7 đồn trú ở Nhật Bản. Ban đầu, Malaki chỉ đơn thuần cung cấp các tài liệu liên quan đến giá đấu thầu để giúp công ty của Francis vượt qua các đối thủ, giành được hợp đồng với Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, về sau, anh ta bắt đầu trao đổi các tài liệu mật về hoạt động của tàu Hải quân Mỹ ở khắp châu Á.

Dần dần, Francis dựa vào Malaki để tiếp cận các sỹ quan khác nhằm khai thác các thông tin để bảo vệ và làm giàu cho công ty của mình. Francis đã bị khởi tố vì tội tham nhũng hồi năm ngoái và đang phối hợp với các nhà điều tra trong thời gian chờ tuyên án.

Minh Phương

Theo Washington Post