1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bê bối Đại sứ Anh tại Mỹ: Bài học đắt giá

Vụ lùm xùm lộ lọt thông tin ngoại giao của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho thấy sự rạn nứt lâu nay trong quan hệ London - Washington. Nhưng không chỉ có vậy. Tổng hợp và bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Bê bối Đại sứ Anh tại Mỹ: Bài học đắt giá - 1

Nhân vật gây tranh cãi trong quan hệ Anh - Mỹ thời gian qua, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch. (Nguồn: Financial Times)

Tờ Daily Mail (Anh) ngày 6/7 tiết lộ nội dung được cho là ghi chú mật trong thư điện tử được mã hóa giữa Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch và Bộ Ngoại giao Anh từ năm 2017 tới nay.

Nhà ngoại giao của xứ sở sương mù đã chỉ trích Tổng thống nước sở tại Donald Trump là người “không có kỹ năng, thiếu chắc chắn và bất tài”, cảnh báo rằng sự nghiệp của vị cựu tỷ phú “có thể kết thúc trong nhục nhã”. Đại sứ Anh tại Mỹ cũng cho rằng tình hình trong Nhà Trắng là tương đối hỗn loạn và khó có khả năng bình thường trở lại trong thời gian tới. Một số thông tin khác như ghi chú về chính sách đối ngoại và kế hoạch tái tranh cử năm 2020 của ông Donald Trump cũng xuất hiện trong những ghi chú này.

Ngay lập tức, vụ việc đã thổi bùng lên làn sóng phản đối đến từ phía Mỹ, đặc biệt là từ cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Viết trên Twitter cá nhân ngày 8/7, ông chủ Nhà Trắng đã chỉ trích mạnh mẽ Anh, quốc gia mà ông vừa có chuyến thăm cách đây chỉ vài tháng trước: “Bà ta (Thủ tướng Anh Theresa May) và các đại diện của bà ta đã tạo ra một mớ hỗn độn. Tôi không biết ông Đại sứ này nhưng ông ấy không thích hay không nghĩ tốt về nước Mỹ. Chúng ta sẽ không làm việc với ông ta nữa”.

Trong khi đó, Người Phát ngôn Thủ tướng Anh khẳng định vụ rò rỉ là không thể chấp nhận được và Chính phủ đang tiến hành điều tra: “Đại sứ của chúng tôi cung cấp đánh giá trung thực và thẳng thắn về các quốc gia sở tại, quan điểm của họ không phản ánh quan điểm của các Bộ trưởng và chính phủ Anh”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox trong chuyến thăm Mỹ tiết lộ ông vẫn gửi lời xin lỗi tới Cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump.

Tại sao lại lộ thông tin lúc này?

Từng đó phân bua của Anh chắc chắn là không thể đủ để hàn gắn vết thương mà sự kiện này đã gây ra cho quan hệ song phương với Mỹ, vốn đã có nhiều thăng trầm trong thời gian gần đây. Nỗ lực cải thiện bang giao thông qua chuyến công du Anh vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng Sáu đã sớm bị lu mờ bởi cuộc khẩu chiến giữa ông chủ Nhà Trắng với Thị trưởng London Sadiq Khan, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm đó, và giờ đây lại đến vụ scandal này.

Thêm vào đó, việc lộ thông tin mật này diễn ra chỉ vài ngày trước khi hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Anh, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, có cuộc tranh luận trên truyền hình. Nó cho thấy sự chia rẽ tại London về chính sách đối ngoại với Washington: Bên cạnh đa số ủng hộ duy trì quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ, một bộ phận chính trị gia cho rằng Anh nên thận trọng hơn trong hợp tác với chính quyền bất định của Tổng thống Donald Trump. Đây sẽ là chủ đề nóng hổi, thậm chí định đoạt chiến thắng trong cuộc đua với chiếc ghế Thủ tướng, bên cạnh Brexit.

Do đó, đến thời điểm hiện tại, cả hai ứng cử viên Thủ tướng này đều rất thận trọng trong phát ngôn liên quan tới vụ việc. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định sẽ mở rộng điều tra và không loại trừ khả năng đây là hành động can thiệp trực tiếp của bên thứ ba nhằm gây tổn hại quan hệ song phương. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từng được ông Trump khen ngợi, dường như đang tìm kế sách có lợi nhất cho mình và chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào.

Cảnh tỉnh về bảo mật thư tín ngoại giao

Song đó chưa phải là tất cả: Vụ scandal đáng tiếc của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch còn đặt ra những thách thức mới và thực tế mà các nhà ngoại giao trên thế giới phải đối mặt.

Bê bối Đại sứ Anh tại Mỹ: Bài học đắt giá - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân và Nữ hoàng Anh Elizabeth II xem cuốn sổ ký lịch sử tại Điện Westminster trong chuyến thăm London đầu tháng 6. (Nguồn: AFP)

The Guardian (Anh) nhận định rằng từ lâu, các nước đều chấp nhận thực tế rằng các Đại sứ cần báo cáo về trong nước mình thông tin trung thực, chính xác nhất mà không phải lo lắng đến sự dò xét đến từ quốc gia sở tại. Các Bộ trưởng và quan chức cấp cao trong Chính phủ sẽ tham khảo những thông tin này để đưa ra nhận định, điều chỉnh chính sách phù hợp. Đánh giá của ông Darroch, về lý mà nói, không vi phạm bất kỳ nguyên tắc ngoại giao nào. Điều 3 mục 27 Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 đã ghi: “Túi thư ngoại giao không được phép mở ra hoặc giữ lại (trừ khi được xử lý bởi đơn vị tiếp nhận).

Tuy nhiên, trong thời đại số, các túi thư ngoại giao đã được thay thế bởi các thư điện tử được mã hóa, nhanh và tiết kiệm hơn, song lại khiến chúng có thể trở thành đối tượng cho các hacker.

Thêm vào đó, bất kỳ hình thức bảo mật nào cũng trở nên vô dụng nếu không bảo đảm được yếu tố con người – sai sót của nhân viên xử lý, vô tình hay cố ý, đều có thể châm ngòi cho một sự cố hay thậm chí là một thảm họa ngoại giao.

The Guardian thậm chí đi xa hơn khi cho rằng các ghi chú mật có thể đã bị một thế lực nào đó lưu giữ bất hợp pháp từ năm 2017 và chọn thời điểm này để tiết lộ mong đạt được hiệu quả tối đa.

Vụ việc của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch không chỉ bộc lộ một "mảng tối" trong quan hệ Anh – Mỹ, mà còn đặt ra thách thức cho các nhà ngoại giao hiện nay. Bước đầu tiên trong giải quyết vấn đề là thừa nhận sự tồn tại của vấn đề đó – tuy nhiên, tìm kiếm giải pháp chưa bao giờ đơn giản. Khắc phục hậu quả, tăng cường tính bảo mật trong công việc ngoại giao sẽ là mục tiêu hàng đầu của cả London và Washington.

Theo Minh Quân

Thế giới & Việt Nam