1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử nghị viện châu Âu: Địa chấn chính trị tại Pháp

(Dân trí) - Trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vừa diễn ra, đảng Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen đã về nhất tại Pháp, trong một chiến thắng mà Thủ tướng Manuel Valls tuyên bố là “một cơn địa chấn chính trị” ở nước này.

Đảng Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen đã về nhất tại Pháp
Đảng Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen đã về nhất tại Pháp

Cuộc bầu cử này cũng chứng kiến sự bứt phá của các đảng Eurosceptic (có tư tưởng hoài nghi vào tương lai của châu Âu), khi những đảng này thắng lớn tại Đan Mạch và Hy Lạp.

Trong khi đó khối trung tả EPP dự kiến sẽ trở thành khối lớn nhất trong Nghị viện châu Âu.

Theo số liệu sơ bộ của Nghị viện châu Âu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 43,1%, tăng so với lần bầu cử trước. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử không giảm so với lần bầu cử trước. Dù vậy tỷ lệ được cải thiện cũng chỉ khiêm tốn ở mức 0,1%.

“Người dân đã lên tiếng một cách rõ ràng và mạnh mẽ”, bà Marine Le Pen phát biểu trước đám đông những người ủng hộ tại trụ sở đảng Mặt trận dân tộc ở Paris.

“Họ không còn muốn bị lãnh đạo bởi những người nằm ngoài biên giới của chúng ta, bởi những ủy viên châu Âu và những nhà kỹ trị không qua bầu cử. Họ muốn được bảo vệ trước toàn cầu hóa và giành lại quyền làm chủ số phận mình”.

Kết quả sơ bộ cho thấy đảng của bà Le Pen có thể thắng 25 ghế tại Nghị viện châu Âu - một sự bứt phá ngoạn mục so với con số chỉ 3 ghế năm 2009.

Họ cũng phát đi một thông báo bất thường, cáo buộc chính phủ thao túng việc bỏ phiếu.

Phe cánh tả cứng rắn lên ngôi

Trên bảng xếp hạng chung cuộc, đảng Nhân dân châu Âu trung tả dự kiến sẽ giành được 211 trong tổng số 751 ghế, tương đương 28,1%, ước tính của Nghị viện châu Âu cho biết. Kết quả này giúp họ tiếp tục là nhóm đông đảo nhất tại cơ quan này, nhưng đã giảm 60 ghế so với lần bầu cử trước.

Theo ngay sau là đảng Xã hội với 193 ghế (25,7%), đảng Tự do 74 ghế (9,9%) và đảng Xanh 58 ghế (7,7).

Nhóm cánh hữu Châu Âu tự do và dân chủ, có tư tưởng hoài nghi vào tương lai của châu Âu, dự kiến sẽ giữ nguyên được số ghế như lần bầu cử trước.

Trong khi đó nhóm cánh tả theo tư tưởng chống giải cứu trong nghị viện châu Âu sẽ giành thêm được nhiều ghế, chủ yếu nhờ các đảng Syriza tại Hy Lạp và Cảnh tả thống nhất tại Tây Ban Nha, giành thêm được khoảng 12 ghế.

Martin Schulz, cựu chủ tịch nghị viện châu Âu nhận định chiến thắng của đảng Mặt trận dân tộc là “một ngày tồi tệ cho Liên minh Châu Âu, khi một đảng theo tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại lại giành được 25% số phiếu”.

Bầu cử nghị viện châu Âu là hoạt động dân chủ đa quốc gia lớn nhất thế giới, với tầm ảnh hưởng tới đời sống của 500 triệu công dân EU.

Thanh Tùng
Theo BBC