1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử Mỹ 2020: Ông Joe Biden và nghệ thuật lãnh đạo thế giới mới

Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden sẽ đối lập ra sao với chính sách của Tổng thống Donald Trump và khác thế nào so với chính sách thời Tổng thống Obama?

Bầu cử Mỹ 2020: Ông Joe Biden và nghệ thuật lãnh đạo thế giới mới - 1

Sự đối lập tư duy của ông Joe Biden với chủ nghĩa Trump sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng. (Nguồn: The Economist)

Tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 năm ngoái, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã trấn an đại diện quốc tế tại hội nghị rằng “chúng tôi sẽ trở lại”. Nếu trở thành sự thật, việc ông Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ báo trước cho sự kết thúc của quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump - điều từng khiến các đồng minh Mỹ vô cùng lo lắng.

Đưa Mỹ trở lại vị trí số 1 trong các vấn đề quốc tế

Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden là một người theo chủ nghĩa quốc tế trung thành, tham gia vào các vấn đề đối ngoại từ những năm làm việc tại Thượng viện (bao gồm cả vị trí chủ tịch Ủy ban Đối ngoại) và 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama. Ông Biden là một người tin tưởng vững chắc vào trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo được đặt ra sau năm 1945.

Câu hỏi thực sự được đặt ra về chính sách đối ngoại của ông Biden không phải là chúng khác biệt ra sao với chính sách của Tổng thống Donald Trump, mà là mức độ khác như thế nào so với chính sách đối ngoại thời Tổng thống Obama?

Theo tờ Economist, sự đối lập tư duy của ông Biden với chủ nghĩa Trump sẽ nhanh chóng trở nên rõ ràng, thể hiện trong cách tiếp cận của ông Biden đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ, quan hệ với các đồng minh và tham gia với các tổ chức quốc tế.

Viết trên tờ Foreign Affairs vào đầu năm nay, ông Biden nhấn mạnh rằng “Mỹ phải dẫn đầu một lần nữa” và chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của ông sẽ “đặt Mỹ trở lại vị trí đầu bảng”. Và đương nhiên, đồng minh của Mỹ sẽ có một vị trí trung tâm trong việc này. Ông Biden sẽ đảo ngược xu hướng rút Mỹ ra khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế mà Trump đang thực hiện.

Chẳng hạn, ông Biden đã hứa, ngay trong ngày đầu tiên khi trở thành Tổng thống Mỹ sẽ tái tham gia Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Mỹ đã chính thức rời khỏi tuần trước.

Vị cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng nói rằng trong năm đầu tiên của mình sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh (nếu tình hình Covid-19 cho phép) với các nước có lượng phát thải carbon lớn trên thế giới, thúc ép các quốc gia này cắt giảm hơn nữa lượng khí gây hiệu ứng nhà kính và với tốc độ nhanh hơn.

Trong bài phát biểu hôm 8/1, ông Biden nói rõ rằng bản thân đại dịch Covid-19 cũng là một ưu tiên. Mặc dù Tổng thống Trump trước đó đã công kích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tuyên bố rằng Mỹ sẽ rời bỏ tổ chức này, nhưng khả năng cao ông Biden sẽ gắn bó với WHO và tìm cách dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu để chống lại Covid-19.

Nối lại mạng lưới đồng minh của Mỹ

Kiểm soát vũ khí hạt nhân có thể là một vấn đề cấp thiết khác được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Biden.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) với Nga, vốn được coi là sự kiềm chế cuối cùng còn lại đối với kho vũ khí hạt nhân của hai siêu cường (sau thất bại của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm ngoái), sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, trừ khi trong giai đoạn còn lại trước khi rời nhiệm sở, ông Trump đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để gia hạn. Tổng thống Mỹ và Nga có thể kéo dài hiệp ước tới 5 năm mà không cần phê duyệt thêm về mặt lập pháp.

Đối với các đồng minh của Mỹ, họ không cần phải lo sợ rằng vị tổng thống tương lai của Mỹ sẽ đe dọa rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc coi Liên minh châu Âu (EU) là "kẻ thù" về thương mại như ông Trump từng làm.

Ứng viên đảng Dân chủ đã nói rõ rằng khi ông làm Tổng thống Mỹ, NATO sẽ vẫn là trọng tâm của an ninh quốc gia của Mỹ. Ông viết trên Foreign Affairs rằng: “Cam kết của Mỹ là thiêng liêng, không mang tính giao dịch”.

Ông Biden coi mạng lưới đồng minh rộng lớn của Mỹ là phương tiện quan trọng để định hình các quy tắc toàn cầu và chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông dự định tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” để củng cố thế giới tự do.

Một số cố vấn cấp cao của ông Biden hy vọng rằng mạng lười đồng minh Mỹ sẽ bao gồm các quốc gia “cùng chí hướng” chính thức thành một “Liên đoàn các nền dân chủ”. G7 có thể được mở rộng thành G10, bao gồm thêm Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia.

Về thương mại, chính quyền Obama đã gần đạt được thỏa thuận thương mại tự do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật Bản, Australia và 9 quốc gia khác, được cho là một cách để thiết lập các quy tắc không bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã từ bỏ TPP.

Đáng chú ý, các quốc gia còn lại đã tiến hành một thỏa thuận thương mại mà không có Mỹ, nhưng liệu ông Biden có cố gắng tham gia thỏa thuận này ngay bây giờ? Nhiều khả năng ông Biden sẽ tìm cách định hình các quy tắc với các quốc gia thân thiện theo những cách khác.

Xử lý các mối quan hệ song phương trọng tâm

Về vấn đề Iran, ông Biden cho biết ông muốn tái tham gia vào Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã rút khỏi.

Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, ông Biden nhấn mạnh rằng Iran phải quay trở lại tuân thủ nghiêm ngặt JCPOA. Việc thuyết phục được Iran làm như vậy, điều mà trước đó Mỹ không phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, sẽ là một thách thức ngoại giao lớn.

Đặc biệt, thử thách lớn nhất sẽ là cách ông Biden xử lý mối quan hệ với các cường quốc đối thủ, bao gôm Nga và Trung Quốc. Cựu Phó Tổng thống gần đây đã gọi Nga là mối đe dọa lớn đối với an ninh và liên minh của Mỹ. Không có cuộc nói chuyện nào, như dưới thời ông Obama, đề cập tới việc “tái thiết lập” quan hệ với Nga.

Giảng viên Đại học Georgetown Angela Stent mong đợi một đường lối cứng rắn hơn về nhân quyền và lập trường cứng rắn hơn đối với sự can thiệp chính trị của Nga, đồng thời cũng cần khôi phục các kênh đối thoại ngoại giao cấp cao bình thường, vốn đang bị gián đoạn.

Với Trung Quốc, ông Biden cũng coi các đồng minh là nhân tố quan trọng trong việc đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này đối với các quy tắc toàn cầu. Ông không ảo tưởng về bản chất của chế độ hay lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, người mà ông đã gặp nhiều lần với tư cách là Phó tổng thống.

Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ muốn làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực cùng quan tâm, đặc biệt là về các mối đe dọa toàn cầu lớn như đại dịch, biến đổi khí hậu và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngày 7/11, phát biểu tại Wilmington, bang Delaware, ông Biden đã lặp lại một câu nói yêu thích, rằng nước Mỹ nên dẫn đầu “không phải nhờ vào tấm gương về sức mạnh của chúng ta mà bằng sức mạnh của chúng ta khi chúng ta là tấm gương”.

Tuy nhiên, ông Biden cũng nhận thức được rằng, việc nhặt và ghép lại các mảnh gương vỡ trong chính sách đối ngoại sau khi ông Trump rời nhiệm sở sẽ là một thách thức. Cái bóng quá lớn của Tổng thống Trump và vấn đề nội bộ nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc sẽ khiến việc định hình chính sách đối ngoại của ông Biden trở nên khó khăn hơn rất nhiều.