1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bầu cử Đức: hiệp 2 cam go

Các con số cho thấy Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel chiến thắng, nhưng chỉ là một chiến thắng mong manh trong hiệp 1. Hiệp 2 đầy cam go đang chờ nước Đức và đằng sau nó có thể là những thay đổi của cả Liên minh châu Âu.

Cho tới hôm qua, không liên minh tranh cử nào có đủ đa số phiếu để thành lập chính phủ. Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Schroeder chỉ thua CDU có ba ghế trong quốc hội, các đảng khác đều là đảng nhỏ với số ghế không mang lại sức nặng cần thiết cho hai đảng lớn đang "gờm" nhau.

 

Dù cả ông Schroeder và bà Merkel ngay tối ngày bỏ phiếu đều tuyên bố mình mới là người tiếp tục lãnh đạo nước Đức, các nhà bình luận bắt đầu nói đến khả năng một "đại liên minh" bất đắc dĩ giữa CDU và SDP.

 

Đây mới là "hiệp 2 gay go" của nước Đức, bởi chính sách về kinh tế và đối ngoại giữa ông Schroeder và bà Merkel rất khác nhau, hứa hẹn một tình hình mà BBC mô tả là "sự rối ren chính trị". 

 

Số ghế các đảng nắm giữ trong quốc hội dựa theo số phiếu đạt được: CDU 225 ghế; SPD 222 ghế; Đảng Dân chủ tự do 61 ghế; Đảng Cánh tả 54 ghế; Đảng Xanh 51 ghế.

Bà Merkel hứa hẹn nhiều cải cách thị trường lao động và thuế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế Đức. Chính sách kinh tế của bà Merkel nghiêng về xu hướng tự do hóa, hạn chế vai trò của nhà nước - xu hướng được giới doanh nghiệp ủng hộ. Bà cũng không quá coi trọng khối Pháp - Đức như "đầu tàu" của Liên minh châu Âu, phản đối kiểu bảo hộ kinh tế của Pháp.

 

Trong khi ông Schroeder bất đồng với Mỹ trong quyết định chiến tranh Iraq, bà Merkel lại chủ trương "dàn hòa" với Mỹ dù vẫn không gửi lính Đức sang Iraq.

 

Bà Merkel, 51 tuổi, sinh tại Hamburg và lớn lên ở Đông Đức (cũ). Bà có bằng tiến sĩ vật lý và gia nhập CDU năm 1990.

 

Chỉ ba tháng sau bà được giữ chức bộ trưởng phụ nữ trẻ em trong nội các của Thủ tướng H. Kohl. Bà lên chức chủ tịch CDU năm 2000.

Bà Merkel còn nói sẽ cứng rắn hơn về cách điều hành nước Nga của Tổng thống Putin, ủng hộ liên minh với Ba Lan để đối trọng với ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu - ông Schroeder lại có con nuôi người Nga và có vẻ thân tình với ông Putin.

 

Trong khi đó, giới kinh doanh Đức không muốn chuyện chính trị làm nước Đức đình trệ về kinh tế. "Điều quan trọng bây giờ là dù khó khăn thì một liên minh phải được lập ra mà thi hành ngay các cải cách kinh tế khẩn cấp cho nước Đức" - tổng giám đốc Tập đoàn Bayer W. Wenning nói.

 

Theo H.Nguyên

Tuổi trẻ/BBC, Reuters, Frankfurter Zeitung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm