Bắt tàu cá xin phép vào Biển Đông: Trung Quốc có khả năng thực hiện?
(Dân trí) - Những quy định đánh bắt mới của Trung Quốc trên Biển Đông đã phản ánh tham vọng không ngừng nghỉ nhằm áp đặt chủ quyền trên biển của nước này theo cách bất chấp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Đó là nhận định của học giả Taylor Fravel, trên tạp chí The Diplomat, tạp chí chuyên về châu Á-Thái Bình Dương được đăng tải vào ngày hôm nay 10/1. Taylor Fravel là Phó giáo sư về Khoa học chính trị, thành viên của Chương trình nghiên cứu an ninh của Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ. Dân Trí xin được trích đăng.
Chính quyền tỉnh Hải Nam đã trở thành một “tay chơi” ngày một nổi bật và tích cực trong tranh chấp Biển Đông. Tháng 11/2012, Hội đồng nhân dân Hải Nam cũng đã ra những quy định mới về an ninh biên giới biển làm dấy lên lo ngại về tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tháng 11/2013, cũng cùng cơ quan này đưa ra “những biện pháp” hay quy định của tỉnh này nhằm thực thi luật đánh bắt của Trung Quốc năm 2004. Những quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đang dấy lên một loạt nghi vấn về nỗ lực thực thi pháp luật trên tất cả các hoạt động đánh bắt của Trung Quốc ở trên Biển Đông.
Những lo ngại hiện nay tập trung ở Điều 35 của Luật đánh bắt mới của Hải Nam. Điều khoản này tuyên bố “người nước ngoài hoặc tàu đánh cá nước ngoài tiến vào các vùng biển do Hải Nam quản lý và tham gia khai thác hoặc khảo sát đánh bắt phải nhận được sự phê chuẩn của các cơ quan liên quan của Quốc vụ viện” (chính phủ Trung Quốc).
Thông tin báo chí thông báo quy định mới xác định “các vùng biển do Hải Nam quản lý” bao trùm 2.000.000 km2, tức 2/3 Biển Đông. Nếu được áp dụng, các biện pháp này chính là nỗ lực kiểm soát đánh bắt ở trên toàn bộ khu vực theo cách rõ ràng là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Đánh giá khả năng áp dụng những biện pháp trên ở Biển Đông, tác giả cho rằng có rất nhiều điểm đáng phải xem xét. Nhưng tất cả đều cho thấy, những biện pháp mới phản ánh một phần của tham vọng không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền lên Biển Đông. Tuy nhiên, tác giả cho rằng chắc chắn trong thời gian ngắn hoặc trung hạn Trung Quốc sẽ không duy trì liên tục được nỗ lực kiểm soát đánh bắt trong một vùng biển rộng lớn đến như vậy.
Ngoài ra, quy định vào cuối năm 2013 không phải là lần đầu tiên Hải Nam tìm cách ra quy định đối với các hoạt động của tàu cá nước ngoài trong vùng biển mà tỉnh này cho rằng được giao trọng trách quản lý. Trong những lần công bố áp dụng các biện pháp theo luật nghề cá quốc gia của Trung Quốc năm 1993 và 1998, cơ quan lập pháp của Hải Nam cũng yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải nhận được sự cho phép của họ mới được hoạt động trong vùng biển tỉnh này cho rằng thuộc quyền quản lý của mình.
Trong khi đó, ngoài Điều 35, 40 điều luật khác ở trong các quy định mới được công bố này thảo luận đến những vấn đề đánh bắt cụ thể chứ không phải là kiểm soát vùng biển này. Nhiều chủ đề khác nhau được đề cập đến như ngư nghiệp, phương thức đánh bắt, bảo vệ hải sản đánh bắt được… Một quy định đưa ra chiều dài tối thiểu cho các loài cá được đánh bắt (ví dụ 18cm đối với tôm hùm). Hay nói cách khác một phần mục đích của việc áp dụng các biện pháp này có vẻ như là củng cố kiểm soát đánh bắt của Hải Nam đối với nghề đánh bắt, bên cạnh củng cố thêm tuyên bố của Trung Quốc về quyền đánh bắt ở Biển Đông.
Cuối cùng các biện pháp ứng dụng của Hải Nam không nêu xem tỉnh này định quản lý sự hiện diện của các tàu cá nước ngoài như thế nào. Ngoài tuyên bố tàu cá nước ngoài phải được sự đồng ý của chính phủ Trung Quốc để hoạt động, không có biện pháp nào về cách thức tỉnh này thực hiện được nhắc đến: như cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, luật nào sẽ được sử dụng. Dựa vào độ lớn của vùng biển mà Hải Nam tuyên bố cai quản thì việc áp dụng các biện pháp mới là một sứ mệnh tác chiến dễ làm người ta nản chí, đặc biệt là khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc mới thành lập được giao nhiều sứ mệnh khác nhau.
Theo tác giả, bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp dụng những quy định mới cũng phải được cân nhắc với mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia giáp Biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc đã thực thi kiểm soát một cách hiếu chiến các tàu cá nước ngoài quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã bắt giữ 33 tàu cá Việt Nam cùng với 433 ngư dân Việt Nam. Những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đã làm mối quan hệ với Việt Nam xấu đi, nhưng đã được cải thiện đáng kể sau năm 2011. Các vụ đụng độ giữa tàu chính phủ Trung Quốc và tàu cá Việt Nam đã giảm đáng kể (mặc dù vẫn xảy ra một số vụ) và 2 bên đã lập một đường dây nóng nhằm đối phó với những vấn đề đánh bắt.
Nhìn về phía trước, việc đề cập đến các tàu cá nước ngoài trong các quy định đánh bắt mới của Hải Nam phản ánh tham vọng không ngừng nghỉ nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và làm như vậy là đi ngược lại với UNCLOS. Tuy nhiên, câu hỏi chính được đặt ra là liệu Trung Quốc có khả năng, hoặc thậm chí có sẵn sàng, áp dụng luật mới một cách quyết liệt và hiếu chiến trên khắp các vùng biển này?
Vũ Quý