1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Bật mí” về tổn thất lớn nhất mọi thời của Hải quân Liên Xô

(Dân trí) - Trong suốt cuộc chiến tranh Thế giới thứ Hai, chỉ có 4 Đô đốc Hải quân Liên Xô hy sinh. Vậy mà chỉ trong một ngày của năm 1981, đã có 16 đô Đốc Hải quân và Tướng lĩnh quân đội Xô viết tử nạn.

Chuyến bay định mệnh

 

Ngày 7/2/1981, chiếc máy bay vận tải TU-104 A mang số hiệu CCCP-42332 của Hải quân Liên Xô cất cánh từ sân bay quân sự (Leningrad) bay đến vùng Viễn Đông. Trên máy bay có gần như toàn bộ Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương: Tư lệnh Hạm đội - Đô đốc Emil Spiridonov, Tư lệnh Không quân Hải quân - Trung tướng George Pavlov, 14 Đô đốc, Tướng lĩnh và các Sỹ quan cao cấp khác. Họ là các Sỹ quan chỉ huy chủ chốt của Hạm đội Thái Bình Dương vừa trở từ đợt tham gia đợt tập huấn chỉ huy - tham mưu Hải quân hàng năm tại căn cứ Hải quân Leningrad. Ngoài ra còn có vài vị khách dân sự đặc biệt như vợ Bí thứ nhất khu vực Primor, bà Tamara Lomakina... Kể cả phi hành đoàn,tất cả có 52 người trên máy bay.

 

Vào lúc 14h ( theo giờ Matxcơva), máy bay cất cánh, rời đường băng sân bay căn cứ và bắt đầu lấy độ cao. Thế nhưng, khi vừa cách mặt đất khoảng 50 mét thì đột nhiên máy bay lệch nghiêng sang bên phải, mất điều khiển và rơi thẳng xuống cuối đường băng. Một tiếng nổ rất lớn vang lên. Lửa bốc cháy ngùn ngụt. Thật không may là vào đúng lúc ấy, 30 tấn dầu nóng từ các thùng dầu phụ trên máy bay lại bất ngờ tràn ra, chảy ào vào các khoang hành khách, vít chặt lối thoát hiểm và cướp đi cơ hội được cứu thoát của những người còn lại.

 

Trong đoàn cán bộ chỉ huy ấy, chỉ có 2 người duy nhất may mắn sống sót vì đã không đi trên chuyến bay định mệnh đó. Đó là Tham mưu trưởng Hạm đội- Phó Đô đốc Rudolf Golosov. Ông được Tư lệnh Hạm đội cho phép đi thăm con gái là sinh viên đang học tập ở thành phố Leningrad. Người thứ hai là Chỉ huy Hải đội Kamchatka. Ông này cũng được phép về Petropavlovsk vì việc riêng.

 

Chưa bao giờ Hải quân Liên Xô và Quân đội Xô viết lại mất đi một số lượng lớn Đô đốc và Tướng lĩnh như vậy. Trong suốt thời gian hơn 4 năm chiến tranh Thế giới thứ Hai, chỉ có 4 Đô đốc Hải quân Liên Xô hy sinh. Vậy mà trong có một ngày thời bình, 16 Đô đốc Hải quân và Tướng lĩnh Quân đội Xô viết đã tử nạn. Đây có thể coi là tổn thất lớn nhất mọi thời đại của Hải quân Liên Xô (và có thể là của Hải quân và giới quân sự thế giới) từ trước đến nay.

 

Sai lầm do con người

 

Theo chỉ thị của chính phủ Liên Xô, một ủy ban đặc biệt khẩn cấp đã được thành lập và bắt tay ngay vào việc điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn thế kỷ này.

 

Lúc đầu, rất nhiều giả thuyết đã được các chuyên gia an ninh đề cập đến như: Khủng bố, trục trặc về kỹ thuật máy bay, lý do thời tiết , khí hậu... Nhưng, cuối cùng, dựa trên những chứng cứ xác thực khi điều tra và nghe lại các cuộn băng ghi âm của “ hộp đen” máy bay, các giả thuyết nói trên bị ủy ban điều tra loại bỏ dần và nguyên nhân đích thật đã được tìm ra.

 

Lúc ấy, Liên Xô đang trong thời kỳ cải tổ và gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế. Các loại hàng hóa thiết yếu từ thực phẩm, quần áo, giày dép cho đến tivi, tủ lạnh... đều là hàng khan hiếm. Ở phía tây đất nước, việc cung cấp được bảo đảm tốt hơn các vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi các sỹ quan Hải quân từ Viễn Đông xa xôi đến “Thủ đô Phương Bắc” ( St. Petersburg) công tác đã tranh thủ mua hàng cho gia đình, bạn bè và những người thân.

 

Chẳng mấy khi có điều kiện như vậy. Rất nhiều kiện hàng đã được đưa lên máy bay. Không thể phân biệt đâu là hàng quân sự của Hạm đội Thái Bình Dương, đâu là hàng dân sự của cá nhân các tướng lĩnh, sỹ quan bởi bên ngoài các kiện hàng đã đóng gói, bao bì cẩn thận ấy đều có ghi hai chữ: “Tuyệt mật”. Số lượng hàng hóa đã vượt quá định mức 20 kg/người cho phép nhưng vì “nể” các sếp nên cơ trưởng Phi hành đoàn - Trung tá Anatoli Inusin đã tặc lưỡi “cho qua”.

 

Chính sự dễ dãi này đã vi phạm nghiêm trọng quy tắc an toàn bay và là nguyên nhân gây nên tai nạn thảm thương: Khi cất cánh, máy bay không chịu nổi sự quá tải và đã rơi ngay xuống mặt đất. Toàn bộ phi hành đoàn và tất cả hành khách đều tử nạn. Những người xấu số đã được chôn cất tại nghĩa trang Seraphimov, St .Petersburg. Trên bia đài tưởng niệm tại khu vực có ghi rất sơ sài: “Tưởng nhớ các quân nhân Hạm đội Thái Bình Dương hy sinh khi thực thi nhiệm vụ. Ngày 7/2/1981”.

 

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Liên Xô đã bị tê liệt chỉ huy trong một thời gian dài. Tai nạn thảm khốc được giữ kín 27 năm và bí mật quân sự này mới chỉ vừa được tiết lộ.

 

Thành Nam

Theo Freelance Bureau

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm