Bất chấp bị phản đối, lãnh đạo Đài Loan vẫn tới đảo Ba Bình
(Dân trí) - Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, sáng sớm nay 28/1, máy bay C-130 chở nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã cất cánh hướng về đảo Ba Bình của Việt Nam cho chuyến thị sát trái phép trong 1 ngày.
Hãng tin BBC dẫn lời người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết, bất chấp sự chỉ trích gay gắt của Việt Nam và quốc tế, máy bay C-130 đã cất cánh vào sáng sớm nay và ông Mã Anh Cửu sẽ tổ chức họp báo vào khoảng 18 giờ hôm nay sau khi kết thúc chuyến thị sát và trở lại Đài Loan.
Theo các thông tin trước đó, ông Mã đã lên sẵn kế hoạch cho chuyến thăm đảo Ba Bình để chúc tết các binh sỹ Đài Loan đồn trú trái phép ở đây trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 tới. Được biết, bà Thái Văn Anh của đảng Dân tiến Đài Loan và là người sẽ lên kế nhiệm ông Mã đã từ chối khi được mời cùng tham gia chuyến thị sát.
Ngay sau khi kế hoạch thị sát của ông Mã Anh Cửu được công bố, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích đây là hành động “cực kỳ vô nghĩa”, không giúp ích gì nhằm giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này mà ngược lại có thể làm leo thang căng thẳng.
“Chúng tôi thất vọng khi ông Mã Anh Cửu có kế hoạch thăm Ba Bình. Một hành động như vậy hoàn toàn vô nghĩa và không đóng góp cho một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp ở Biển Đông”, phát ngôn viên Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đài Bắc, nói.
Đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Đài Loan chiếm trái phép từ năm 1956. Đài Loan mới đây đã hoàn thành việc nâng cấp trái phép một cảng trị giá 100 triệu USD và xây dựng một ngọn hải đăng phi pháp ở Ba Bình, nơi cũng có một đường băng. Ngày 13/12, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã có tuyên bố chính thức phản đối hành động trên.
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông”, Người phát ngôn Lê Hải Bình nói.
Minh Phương
Tổng hợp