1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Trung Quốc xuyên tạc chính sách của Việt Nam

Tờ “Nhân Dân Nhật báo”, tờ báo chính thức lớn nhất của Trung Quốc hôm 8/7 đăng bài xuyên tạc rằng chính sách của Việt Nam là muốn đối đầu với Trung Quốc.

Tờ “Nhân Dân Nhật báo”, tờ báo chính thức lớn nhất của Trung Quốc hôm 8/7 đăng bài xuyên tạc rằng chính sách của Việt Nam là muốn đối đầu với Trung Quốc.

Theo bài báo, gần đây Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ cấp 540 triệu USD chế tạo 32 tàu tuần tra cho lực lượng chấp pháp biển Việt Nam. Đồng thời cấp 225 triệu USD khuyến khích ngư dân Việt Nam chế tạo tàu cá đánh bắt xa bờ để tăng cường kiểm soát đối với Biển Đông.

Bài báo dẫn lời Đằng Kiến Quần, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, đầu năm 2013, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Cục Kiểm ngư, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Bởi vì Việt Nam cho rằng nếu sử dụng quân đội bảo vệ chủ quyền, có thể gây ra xung đột, gây ra phản ứng nhạy cảm về mặt quân sự. Cho nên Việt Nam học tập nước khác thông qua cách làm bảo vệ chủ quyền của Kiểm ngư và Cảnh sát biển.

Với thái độ đố kị đối với Việt Nam và kiểu xuyên tạc thường thấy của Trung Quốc, ông Quần cho rằng theo kế hoạch đưa ra vào năm 2007, Việt Nam sẽ phát triển thành cường quốc biển đến năm 2020.

Vì vậy Việt Nam đang nỗ lực trên các phương diện như xây dựng cơ cấu tổ chức, xây dựng phần cứng, hy vọng qua đó bảo vệ “lợi ích đã có” ở Biển Đông, từ đó “tiến hành đối đầu lâu dài với Trung Quốc”.

Những năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng rõ rệt đầu tư xây dựng quân đội, gồm có mua tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, máy bay tác chiến.

Trang mạng qianzhan.com Trung Quốc ngày 8/7 cũng có bài viết cho rằng, tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm hỏng rất nhiều, đáng chú ý tàu Hải cảnh-1401 mới chế tạo của Trung Quốc có trọng tải lên tới 4.000 tấn… Vì vậy, Chính phủ Việt Nam không cam chịu, muốn gia tăng mức độ chế tạo “tàu tuần tra vũ trang” để bảo vệ lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo bài báo, Chính phủ Việt Nam chi vốn lớn chế tạo 32 tàu tuần tra, một mặt là chính sách đã định của Việt Nam để tăng cường sức mạnh trên Biển Đông; mặt khác, đã bị kích thích bởi xung đột đâm va tàu gần đây ở Biển Đông.

Bài báo cũng cho rằng, Việt Nam coi trọng lợi ích ở Biển Đông như vậy là do liên quan đến lợi ích từ dầu mỏ ở Biển Đông. Do đó, bài báo này tiếp tục “quân sư” cho Bắc Kinh rằng, họ cần dùng nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chống lại Việt Nam, thực hiện cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Tờ Văn Trích của Trung Quốc ngày 8/7 đăng bài phân tích của Tiết Lý Thái, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế Đại học Phúc Đán bình luận, cục diện Biển Đông hiện nay đang tập trung vào đối đầu Trung - Việt.

Ông Thái thừa nhận, từ mấy tháng trước Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động cơi nới, đắp nền xây dựng trạm radar cảnh báo và các công trình quân sự ở Trường Sa.

Vẫn giọng điệu vu cáo, bôi nhọ quen thuộc của truyền thông nhà nước và học giả Trung Quốc, ông Thái vu cáo các nhà lãnh đạo Việt Nam "kích động dư luận, chủ nghĩa dân tộc trong nước", lần đầu tiên tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc kể từ cuộc hải chiến năm 1974 (Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa).

Tiết Lý Thái cũng thừa nhận, kể từ khi nổ ra căng thẳng Trung - Việt trên Biển Đông, Bắc Kinh chỉ tiến không lùi, tập kết lực lượng hùng hậu ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Đồng thời, ông Thái cũng phải thừa nhận, cục diện quốc tế và khu vực hiện nay "bất lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông" bởi ngoài Mỹ, Nhật Bản "bất ngờ" hỗ trợ Việt Nam, ngay cả Nga đang cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề Crimea cũng ủng hộ Việt Nam bằng hành động.

Ông Thái kết luận rằng, so với căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philippines thì căng thẳng Trung - Việt trên Biển Đông đang trong tình trạng dễ bạo phát thành xung đột nhất, Biển Đông sẽ trở thành bàn cờ chiến lược nơi Trung Quốc và Việt Nam đối đầu.

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn