Báo Trung Quốc: Đừng tin Mỹ "bỏ rơi" Shinzo Abe
Việc Tổng thống Obama không đề cập vấn đề Senkaku/Điếu Ngư trong khi hội đàm với Thủ tướng Nhật, buộc ông Shinzo Abe phải “tiu nghỉu” về nước, khiến giới truyền thông TQ vô cùng hả hê. Nhưng sự thực ra sao?
Hãy xem bài bình luận của Nhân dân Nhật báo- Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người Trung Quốc một phen “bé cái lầm”
Từ ngày 21-2 đến ngày 23-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm Mỹ và có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Obama. Chính phủ và báo chí Trung Quốc đặc biệt quan tâm chuyến thăm đặc biệt này, vì quan hệ Trung – Nhật đang “căng như dây đàn” do những tranh chấp rất gay gắt về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau khi chuyến thăm của ông Shinzo Abe kết thúc, báo chí Trung Quốc liên tục hả hê rêu rao rằng, sau hơn 2 tháng mong chờ, ông Shinzo Abe chỉ được tiếp đón theo nghi thức “sơ sài”, trong cuộc hội kiến kéo dài 20 phút với Tổng thống Obama, ông chủ Nhà Trắng không nhắc gì đến cụm từ Senkaku/Điếu Ngư khiến ông Shinzo Abe phải “tiu nghỉu” về nước.
Tuy nhiên, sự hân hoan của báo chí Trung Quốc kéo dài chưa được lâu, hôm nay, 27-2, tờ Nhân dân Nhật báo – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài bình luận với tựa đề 'Đừng tin Mỹ “bỏ rơi” Shinzo Abe', tiết lộ nhiều thông tin mà báo chí nước này không hề hay biết.
Mỹ - Nhật Bản và chiến lược “trận giả”
Tờ Nhân dân Nhật báo viết, từ ngày 21-2 đến ngày 23-2, ông Shinzo Abe thăm Mỹ. Do mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản trong thời điểm hiện nay khá nhạy cảm, chính phủ, người dân và báo chí Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm này. Không ít tờ báo phát hiện ra rằng, nghi thức đón tiếp Shinzo Abe của Mỹ khá “sơ sài”, cuộc gặp gỡ với báo chí của nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản diễn ra rất qua loa, ông Obama không công khai bày tỏ bất cứ quan điểm gì xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Đặc biệt, giới truyền thông Mỹ cũng không tường thuật trực tiếp về cuộc hội ngộ giữa hai nguyên thủ. Và, thế là cụm từ “Shinzo Abe bị bỏ rơi” xuất hiện trên khắp các trang báo của Trung Quốc.
Nhân dân Nhật báo phân tích, trong các chứng cứ cho thấy, ông Shinzo Abe bị “bỏ rơi”, bằng chứng rõ nhất là Tổng thống Mỹ Obama không bày tỏ quan điểm công khai về vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku là lập luận quan trọng được báo chí Trung Quốc khai thác triệt để. Tuy nhiên, ngày 25-2, tiến sĩ Michael J.Green - nguyên giám đốc phụ trách các vấn đề Châu Á của Nhà Trắng tiết lộ rằng, mặc dù không nhắc đến vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong hoàn cảnh công khai, nhưng trong cuộc hội đàm kín với ông Shinzo Abe, ông Obama đã có cuộc thảo luận dài với ông Shinzo Abe về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, và Shinzo Abe rất hài lòng vì đã được nghe những ý kiến mà ông này chờ đợi từ bấy lâu.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là vấn đề gây tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. |
Với vai trò là chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ và Trung tâm nghiên cứu quốc tế, tiến sĩ Michael J.Green còn tiết lộ, nếu hai bên đề cập vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong cuộc gặp gỡ với báo chí sẽ không thật ổn thỏa. Trong vấn đề này, ông Obama xử lý rất khéo. Mặc dù hiện tại tiến sĩ Michael J.Green không còn “đầu quân” cho chính quyền của Tổng thống Obama, nhưng nguồn tin của ông được khai thác từ người quen cũ trong Nhà Trắng, cũng có thành viên trong đoàn đại biểu Nhật Bản tiết lộ như vậy, vì thế điều này không thể không quan tâm.
Nhân dân Nhật báo phân tích, xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, đã từ lâu, ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ vẫn ngầm triển khai các cuộc đấu trí gay gắt. Trong vấn đề này, Trung Quốc và Nhật Bản là nước đương sự, sở dĩ Mỹ xen vào giữa là vì quốc gia này có những mối liên hệ lịch sử và hiện thực không thể gỡ bỏ. Trung Quốc và Nhật Bản vừa tìm mọi bằng chứng và lý lẽ để chứng tỏ Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền sở hữu của mình, đồng thời yêu cầu Mỹ nghiêm túc giữ lập trường trung lập. Nhật Bản ỷ vào quan hệ đồng minh với Mỹ, tìm mọi cách để kéo Mỹ về phía Nhật và làm hậu thuẫn cho mình. Bên ngoài, Mỹ tỏ rõ lập trường trung lập, nhưng bên trong, quốc gia này đã lựa chọn đứng về phía Nhật Bản từ lâu, thường xuyên dùng ngôn luận để nhằm vào Trung Quốc. Hay nói các khác, trong quá trình xem xét về lợi ích chiến lược do vấn đề Điếu Ngư/SenKaku tạo ra, Mỹ vẫn coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản hơn.
Nhân dân Nhật báo cho rằng, sở dĩ lần này ông Obama không công khai bày tỏ quan điểm về vấn đề Điếu Ngư/ Senkaku là do xuất phát từ chiến lược ngoại giao. Mặc dù trong vấn đề này, Mỹ đã chọn đứng về phía Nhật Bản từ lâu, nhưng trong bàn cờ ngoại giao toàn cầu của Mỹ, những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Á không phải là vấn đề bức thiết liên quan đến lợi ích then chốt của Mỹ. Trong thời điểm sức cùng lực kiệt vì bị hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan “hành hạ” sống dở chết dở, Chính phủ, Quốc hội Mỹ mặc dù nhiều lần tuyên bố vấn đề Điếu Ngư/Senkaku có thể áp dụng theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản ký kết năm 1960, tuy nhiên bản thân quốc gia này không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sở dĩ Mỹ “lấp lửng” trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku còn là do không thể không quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc. Hiện nay, quan hệ Trung- Mỹ có ý nghĩa mang tính toàn cầu, nếu Mỹ gây hấn mạnh với Trung Quốc trong vấn đề này sẽ không phù hợp với lợi ích căn bản của Mỹ. Sau khi cân nhắc được và mất, Mỹ đã lựa chọn thượng sách “phát ngôn thận trọng” trong cuộc gặp gỡ cấp cao lần này.
Nhân dân Nhật báo cũng phân tích thêm, xuất phát từ lợi ích cá nhân, trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách khôn khéo không để mất lòng hai bên, bưng trước bít sau, cố gắng duy trì cuộc tranh chấp biển đảo này trong phạm vi mà Mỹ cho rằng có thể kiểm soát. Điểm nham hiểm của Mỹ là ở chỗ, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku sẽ giúp Mỹ được hưởng lợi như đang ngồi xem hai con hổ đấu nhau, về mặt khách quan Mỹ có thể nhân cơ hội này kìm hãm Trung Quốc. Trong chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ sau khi đã được điều chỉnh, Nhật Bản đứng ở vị trí đồng minh quan trọng, so với mối quan hệ với Trung Quốc, sự thân sơ này đã quá rõ ràng. Về điểm này, người Trung Quốc cần hiểu rõ để có chiến lược rõ ràng hơn. Vừa không nên phản ứng quá mạnh khi thấy Mỹ - Nhật Bản thân nhau, cũng không nên vừa nhìn thấy một số bằng chứng ngoại giao giả tạo đã tung hê “bị bỏ rơi”.
Nhân dân Nhật báo còn đưa ra dẫn chứng để mỉa mai Nhật Bản. Sau khi nhận chức, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bàn nhiều về vấn đề không có sức mạnh quốc gia sẽ không có ngoại giao, điều này đồng nghĩa với lý thuyết được nhắc đến từ lâu nay “nước nhỏ không có ngoại giao”, tuy nhiên, lý thuyết này được thốt ra từ miệng Ngoại trưởng Mỹ tại thời điểm hiện nay lại được phú thêm nhiều hàm nghĩa khác.
Có nhà phân tích thậm chí còn 'soi' kỹ đến mức phát hiện ra trong cuộc gặp gỡ với báo chí, mặc dù ông Shinzo Abe và ông Obama đều ngồi bắt chân chữ ngũ, nhưng ông Shinzo Abe ngồi rất kính cẩn, không dám cử động, trong khi ông Obama lại ngồi với tư thế rất nhàn nhã và chân còn rung nhẹ. Từ ngôn ngữ cơ thể có thể thấy quan hệ chủ - tớ giữa Mỹ và Nhật Bản. Hay nói toạc ra, Shinzo Abe vừa lên nắm quyền đã đòi sang thăm Mỹ, nhưng đã bị từ chối khéo, chuyến thăm này của ông Shinzo Abe hoàn toàn nằm dưới sự thao túng của Mỹ, cộng với hàm ý được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể của ông Obama đã phản ánh sự khác biệt về sức mạnh giữa hai nước rồi.
Theo Huy Long
Tiền phong/Nhân dân Nhật báo