1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bảo tồn hay chủ nghĩa thực dân mới trong rừng Amazon?

(Dân trí) - Phần đông người Brazil cho rằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước họ có thể kích động một cuộc xâm chiếm ngoại bang và họ không tin tưởng các tổ chức phi chính phủ vào rừng Amazon với mục đích bảo vệ môi trường.

Có ý kiến cho rằng sự hỗ trợ tài chính của Quĩ Hoang dã Thế giới (WWF) cho một khu bảo tồn trên sông Rio Negro là nỗ lực rất đáng khen ngợi để giữ gìn rừng Amazon. Nhưng nhiều người lại có quan điểm khác, đó là một âm mưu bất chính của các nhóm hoạt động môi trường nước ngoài nhằm giành quyền kiểm soát vùng rừng lớn nhất thế giới của Brazil và thay thế nó bằng sự thống trị quốc tế. 

 

Vào năm 2003, sau khi kí kết một thoả thuận với WWF và Ngân hàng thế giới, chính phủ Brazil đã thành lập một chương trình Các khu vực bảo tồn vùng Amazon. Kể từ đó, khoảng hơn 20 công viên quốc gia và các khu bảo tồn, diện tích tổng cộng lớn hơn 3 bang của Mỹ là New York, New Jersey và Connecticut cộng lại, đã được đưa vào mạng lưới này và được hỗ trợ bởi nhiều nguồn quĩ mới.

 

Ông Matthew Perl, điều phối viên vùng rừng Amazon của WWF cho biết, mục tiêu của chương trình là thành lập “một hệ thống trung tâm nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng Amazon”.

 

Bảo tồn hay chủ nghĩa thực dân mới trong rừng Amazon? - 1

Một số người Brazil tin rằng sự hỗ trợ tài chính của WWF là một phần âm mưu của các nhóm hoạt động môi trường nước ngoài muốn giành quyền kiểm soát rừng Amazon từ Brazil.

 

Nhưng nỗ lực này đã làm nảy sinh những nghi ngờ về việc các doanh nghiệp quyền lực và các nhóm chính trị tại Brazil rằng họ muốn hội nhập rừng Amazon vào nền kinh tế đất nước thông qua các đập ngăn nước, các dự án khai thác mỏ, đường cao tốc, bến cảng, xuất khẩu gỗ và nông sản.

 

Lorenzo Carrasco, đồng tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng “The Green Mafia” - cuốn luận chiến chống các nhà hoạt động môi trường, nói: “Đây là một dạng mới của chủ nghĩa thực dân, một âm mưu lộ liễu trong đó lợi ích tài chính và kinh tế núp bóng dưới các tổ chức phi chính phủ”.

Lorenzo Carrasco cũng nói thêm: “Rõ ràng là những nguồn lợi này muốn chặn đứng sự phát triển của Brazil và vùng rừng Amazon bằng việc tạo ra và kiểm soát các khu bảo tồn, những khu vực giàu khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”.

 

Nhiều người tại Brazil cũng có chung quan điểm với Lorenzo Carrasco. Trong một cuộc điều tra do Ibope - tổ chức khảo sát hàng đầu của Brazil, thực hiện năm 2005 với 2.000 người tại 143 thành phố, cho thấy 75% số người được hỏi cho rằng tài nguyên thiên nhiên của đất nước có thể kích động sự xâm chiếm ngoại bang và 3 trong 5 người không tin tưởng hoạt động của các nhóm môi trường.

 

Brazil là quốc gia sản xuất khí thải hiệu ứng nhà kính lớn thứ 4 thế giới, hơn 3/4 trong số này là hệ quả của sự tàn phá rừng, hầu hết đều xảy ra tại vùng rừng Amazon.

 

Không ít người Brazil lâu nay vẫn nghĩ rằng những kẻ ngoại bang đang thèm muốn Amazon, một phần là do họ lo lắng về sự kiểm soát mỏng manh của chính phủ trung ương về khu vực này. Vài năm gần đây, những lo ngại này càng trầm trọng hơn khi Internet đăng tải một loạt các tuyên ngôn và tài liệu bịa đặt nhằm thuyết phục người Brazil rằng chủ quyền của họ đang gặp nguy hiểm.

 

Bảo tồn hay chủ nghĩa thực dân mới trong rừng Amazon? - 2

Nhiều nhóm chính trị và doanh nghiệp quyền lực tại Brazil muốn đưa rừng Amazon vào nền kinh tế đất nước.

 

Lấy ví dụ là một bản đồ giả được cho là xuất hiện trong một quyển sách địa lý trung học của Mỹ. Bản đồ này đầy lỗi chính tả và lỗi cú pháp, trong đó chỉ ra rằng Amazon là một “khu bảo tồn quốc tế” và miêu tả người Brazil như “những con khỉ” không có khả năng quản lý vùng rừng.

 

Các tài liệu giả mạo khác nói rằng, trong các bài phát biểu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000, cả George Bush và Al Gore đều có ý giành giật Amazon từ Brazil. Còn có những tài liệu trích lời một vị tướng đáng ngờ của Mỹ, điều hành một tổ chức mà Lầu Năm Góc khẳng định nó không tồn tại, rằng “Brazil quyết định sử dụng Amazon theo cách đặt môi trường của Mỹ vào sự nguy hiểm, chúng tôi đã sẵn sàng phá vỡ quá trình đó ngay lập tức”.

 

Một báo cáo tình báo quân sự gần đây của Brazil, được tiết lộ trên tờ New York Times, nhận định: “Tất cả đều cho thấy rằng các vấn đề bản xứ và môi trường chỉ đơn thuần là cái cớ. Thực tế, mục tiêu chính của các tổ chức phi chính phủ là, hợp thành một trò chơi lớn trong đó các cường quốc bá chủ muốn duy trì và gia tăng sự thống trị của họ. Chắc chắn, họ hoạt động như bình phong cho các việc làm bí mật này”.

 

Trong khoảng giữa những năm 1990, một phần của khu vực bao quanh vùng rừng Amazon trên đã bị chuyển thành công viên quốc gia. Nhưng trên thực tế quyết định này không mấy hiệu quả, và từ đó cơ quan cải cách đất của chính phủ liên bang đã cấp đất cho 700 gia đình tới định cư tại đây. Cảnh sát, hải quân và hàng hải đã thiết lập các trung tâm đào tạo ngay trong khu vực được bảo vệ.

 

Thiago Mota Cardoso, chịu trách nhiệm giám sát công viên cho Viện nghiên cứu sinh thái học, một trong những đối tác vùng của WWF, nói: “Nơi đây đã trở thành một khu vực của sự xung đột. Thật mỉa mai khi nói rằng vùng đất này thuộc về chính phủ liên bang nhưng chính phủ chẳng hành động gì hết”.

 

VTH

Theo IHT