1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo Pháp: Gián điệp Nga ở London nhiều hơn thời Chiến tranh Lạnh

(Dân trí) - Trong số ra ngày 14/3, tờ Le Figaro của Pháp nhận định kể từ khi quan hệ Nga - phương Tây đóng băng, số gián điệp Nga có mặt tại thủ đô London của Anh còn cao hơn thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Tờ

Tờ Le Figaro cho rằng London đang trở thành địa bàn hoạt động trọng điểm của tình báo Nga (Ảnh: Thestar)

Nhận định trên được tờ Le Figaro đưa ra trong bài báo mang tựa đề "Gián điệp Nga đổ xô về Londongrad", một lối chơi chữ ám chỉ London đang trở thành ổ gián điệp của Nga.

Bài báo mở đầu bằng ghi nhận Cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) đang phải đau đầu trước việc đội ngũ nhân viên đương nhiệm và về hưu của cơ quan này đột nhiên trở thành “những đối tượng ưu tiên” cho chiến dịch tuyển mộ rất năng nổ của tình báo Nga.

Theo bài báo (có trích dẫn nguồn tin gần đây của tờ Sunday Times), MI6 đã cảnh báo về hiện tượng đáng lo ngại trên trong một tài liệu nội bộ gần đây của cơ quan này.

MI6 còn nhắc nhở các nhân viên phải đề cao cảnh giác trước những sức ép và đề nghị từ những người xung quanh, kể cả của người thân trong gia đình và những người quen biết gần gũi như bạn bè, hàng xóm.

Ngoài ra, cơ quan này cũng ra lệnh cho các nhân viên mật vụ của mình phải báo cáo ngay mọi hành vi tiếp cận khả nghi.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thiết lập đường dây riêng và khuyên nhân viên không đi Nga. Trong trường hợp đi thì phải rất cẩn thận.

Theo ước tính của Cơ quan phản gián MI5, số gián điệp Nga đang có mặt tại London hiện vào khoảng 30-60 người.

“Năm 2013, tại thủ đô Anh có 37 nhân viên của cơ quan tình báo KGB cũ và 14 người của GRU, cơ quan quân báo Nga. Thế nhưng số người này đã không ngừng tăng lên”, tờ Le Figaro trích dẫn lời của ông Oleg Gordievski, một cựu gián điệp Nga nay làm việc cho Anh.

Theo ông Boris Karpichov, một cựu thanh viên KGB khác cũng đang sống lưu vong ở Anh, tất cả các công ty Nga hoạt động ở Anh đều sử dụng nhân viên tình báo của SVR (Cơ quan Tình báo đối ngoại) hoặc FSB (Cơ quan An ninh liên bang). Nga cũng cài gián điệp ở Brussels (Bỉ) nhưng chỉ sử dụng người của Bulgaria và Romania.

Le Figaro giải thích sở dĩ Nga đặc biệt chú trọng London vì Anh vừa là thành viên NATO, vừa thân cận với Mỹ. Thủ tướng Anh là một trong những người cứng rắn nhất trong việc đòi trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Để theo dõi “nhất cử, nhất động” của chính quyền London, Tổng thống Nga Vladimir Putin (vốn cũng là một cựu nhân viên tình báo kỳ cựu) đã chọn sách lược dựa vào cộng đồng Nga ở London, gọi nôm na là "Londongrad".

Đây là cộng đồng gồm những người giàu có kếch sù, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, kỹ nghệ, tài chính, tư pháp, truyền thông và cả chính trị. Việc sử dụng hiệu quả cộng đồng này cho phép tình báo Nga dễ dàng tiếp cận với những mục tiêu béo bở, những thành viên chóp bu trong chính quyền sở tại và thiết lập được các mạng lưới chỉ điểm để cung cấp những thông tin giá trị.

Vũ Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm