1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Mỹ: Putin siêu đẳng

Putin đang chơi một trò chơi địa chính trị, mà có thể khiến cả chính quyền Trump và các thế lực chống Nga ở Washington đều tích cực giúp ông ta...

“Việc Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức chỉ vì kết nối với Nga được xem là cơ sở củng cố cho cáo buộc rằng việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ có sự ảnh hưởng bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Điều đó chưa biết có tác hiệu không, song qua sự việc này cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã nhận được tất cả những gì ông muốn có từ Mỹ”, Bloomberg ngày 14/2/2017 bình luận.

Theo nội dung bài bình luận mà hãng tin Mỹ đăng tải thì việc ra đi của ông Michael Flynn chắc chắn sẽ được giới truyền thông Mỹ phóng đại và sử dụng làm vũ khí chống lại Nhà Trắng.

Điều đó sẽ tạo ra rào cản lớn cho chính quyền Trump trong bất cứ sự tiếp cận nào với Moscow, trao đổi bất cứ vấn đề gì với Kremlin, từ bàn cờ chính trị Trung Đông đến ván cờ Ukraine.

Và đó sẽ là nỗi thất vọng với Tổng thống Putin, là thất bại lớn với Kremlin vì khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng thì một chính quyền thân Nga tại Washington được kỳ vọng sẽ giúp cho Moscow có thể thoát khỏi tình trạng bị bao vây bởi lệnh cấm vận, cũng như đang bị thách thức bởi các động thái gia tăng căng thẳng của NATO.

Mong muốn của Tổng thống Putin là tạo ra vị thế cho nước Nga bình đẳng trước Mỹ và phương Tây
Mong muốn của Tổng thống Putin là tạo ra vị thế cho nước Nga bình đẳng trước Mỹ và phương Tây

Tuy nhiên, theo Bloomberg thì đó là nhận diện hoàn toàn sai lầm về Putin và các hành động của ông.

“Đó chỉ là sự mơ tưởng, bởi Putin quá nhiều kinh nghiệm của một điệp viên KGB kỳ cựu trong các cuộc đối đầu với Mỹ. Do vậy, trong bất cứ trường hợp nào ông ta không bao giờ mong đợi một chính quyền Mỹ có thể thân thiện với Nga”, Bloomberg phân tích.

Hãng tin Mỹ phân tích, khi ông Putin bị xem là con tin cho chiến thắng của ông Trump, điều này đã hạn chế nghiêm trọng lựa chọn địa chính trị của Moscow. Kremlin hoàn toàn nhận thức được rằng đảng Dân chủ muốn sử dụng Nga để làm mất uy tín, thậm chí có thể buộc tội Trump, trong khi nhiều thành phần trong đảng Cộng hòa muốn sử dụng Nga để kiềm chế Trump.

Chính vì vậy, Kremlin có thể nhận diện nếu quá phụ thuộc vào những kết nối với chính quyền Trump có thể khiến Moscow mất cả chì lẫn chài khi quyền lực của Nhà Trắng bị kiềm chế bởi các nhánh quyền lực khác.

Đặc biệt nguy hại là Tổng thống Trump có thể bị vô hiệu hóa bởi giới lãnh đạo "diều hâu" trong đảng Cộng hoà, lúc đó sẽ gia tăng đối trọng Moscow – Washington.

Và đây được xem là sự lý giải tại sao trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, lệnh trừng phạt Nga không được hai bên đề cập tới mà bộ đôi Trump – Putin lại chọn sự kết nối bắt đầu từ cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Điều này hoàn toàn trái ngược với dự đoán của nhiều chuyên gia hoạch định chính sách tại Washington cũng như giới phân tích.

Nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện quan điểm chính thức của Moscow không xem cấm vận Nga là vấn đề quan tâm hàng đầu của Kremlin, vì vậy không để nó tạo ra rào cản cho những vấn đề khác.

Điều đó đã làm sai lệch dự đoán của những lực lượng đối nghịch với Moscow vốn cho rằng Kremlin sẽ tìm cách khai thác lợi ích từ sự thiện cảm của Trump dành cho Putin.

Và điều đó cũng bác bỏ các tin đồn vô căn cứ gần đây rằng Nga đang xem xét việc bàn giao “con tin” Edward Snowden cho Mỹ để mang lợi ích, tạo lợi thế cho chính quyền Trump.

“Putin không muốn đưa ra bất kỳ quà tặng nào cho Trump để đổi lấy các khoản lãi ngay lập tức. Ông ấy chơi một trò chơi dài hạn, trong đó cả Trump và các thế lực chống Nga ở Washington đều tích cực giúp cho ông ta”, Bloomberg phân tích. Đây là mục đích cao nhất mà Putin hướng tới nước Mỹ dưới triều đại Trump và qua đó thể hiện sự siêu đẳng trong trò chơi địa chính trị của mình.

Theo tờ báo Mỹ thì quan tâm lớn nhất của Tổng thống Putin là đưa các vấn đề tranh chấp giữa Nga với phương Tây ra xa biên giới nước Nga, càng xa càng tốt và dường như chính quyền tân Tổng thống Trump đã đáp lại mong mỏi đó của ông Putin.

Điều đó được thể hiện qua thái độ không quá quan tâm của Washington đối với việc gia tăng xung đột tại Ukraine, ngoại trừ sự lên án theo thói quen trong HĐBA LHQ.

Thực tế đó hoàn toàn nằm trong dự liệu và tính toán của người đứng đầu điện Kremlin. Vậy Nga phải đánh đổi gì?

Cho đến lúc này, dường như Moscow đang hái quả ngọt từ các nước đi của Putin, mà theo Bloomberg là hưởng thành quả một cách miễn phí.

Quan hệ kinh tế Nga - Mỹ chiếm tỷ trọng rất nhỏ - xuất khẩu của Nga sang Mỹ cao nhất là năm 2013 cũng chỉ đạt 11,1 tỷ USD, do vậy lợi ích kinh tế không phải là điều Tổng thống Putin chờ đợi nhiều ở chính quyền Trump, mà lợi ích chính trị mới là điều Kremlin tính tới.

Và đó chính là việc làm sao giúp Nga trở thành một đối tác bình đẳng với Mỹ và phương Tây, chứ không hẳn là sự xích lại gần nhau bởi Mỹ và đồng minh chưa bao giời tỏ ra thân thiện với Nga.

Tuy nhiên, theo Bloomberg thì Moscow đang nhận được từ Mỹ nhiều hơn những gì ông Putin mong muốn, bởi sự phóng đại của truyền thông Mỹ về việc Moscow chờ đợi lợi ích từ Trump cũng như ảnh hưởng của Nga tới đời sống chính trị tại Mỹ và phương Tây.

Những xáo trộn đang diễn ra trên chính trường Mỹ, đang xảy ra trong đời sống xã hội Mỹ được xem là thành quả mà Putin được hưởng miễn phí từ Trump. Nếu kết nối được với chính quyền Trump thì tốt, mà nếu điều đó bị lực lượng ác cảm với Nga tại Mỹ ngăn cản thì cũng không phải là điều tồi tệ với Moscow.

Bởi đây là lần đầu tiên thời hậu Chiến tranh Lạnh, tài năng của Putin mới giúp Nga có được vị thế ngang bằng với đối thủ như hiện nay, Bloomberg kết luận.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt