Báo Mỹ: "Không có bằng chứng" Nga đứng sau vụ đứt cáp ở biển Baltic
(Dân trí) - Các nhà điều tra phương Tây không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Nga liên quan đến vụ việc đứt cáp ngầm dưới biển Baltic hàng loạt, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin.

Thiệt hại ở tuyến cáp ở biển Baltic làm nổi bật nguy cơ rủi ro khó khôi phục (Ảnh: Airtel).
"Các quan chức tham gia vào các cuộc điều tra đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Moscow ra lệnh hoặc dàn dựng vụ phá hoại này", báo Wall Street Journal trích dẫn lời giới quan chức nắm rõ cuộc điều tra của các quốc gia bị ảnh hưởng cho biết.
Các quan chức phương Tây trước đó nghi ngờ Moscow đứng sau vụ phá hoại đường dây điện ngầm và đường dây liên lạc trên tuyến đường thủy dưới biển Baltic, một cáo buộc mà Nga đã nhiều lần bác bỏ.
Một loạt các sự cố trong hơn 18 tháng qua liên quan thiệt hại đối với đường dây điện và liên lạc ban đầu đã khiến một số quan chức NATO và EU cáo buộc Moscow phá hoại và tiến hành "chiến tranh hỗn hợp".
Các sự cố liên quan đến tàu thuyền đi và đến các cảng của Nga, bao gồm cả vụ hư hỏng đường ống dẫn khí ở Vịnh Phần Lan vào tháng 10/2023 cũng như vụ đứt cáp điện EstLink 2 vào tháng 12/2024.
Trong 3 tháng qua, một số tuyến cáp ngầm do Phần Lan, Estonia, Đức, Thụy Điển và Litva sử dụng cũng đã bị hư hại, gây ra những lo ngại về hành vi phá hoại. Các cuộc điều tra sơ bộ nghi ngờ có sự liên quan của các tàu nước ngoài nhưng không có bằng chứng nào về hoạt động ác ý của các tác nhân nhà nước được báo cáo.
Mặc dù có nghi ngờ về sự liên quan của Nga, nhưng phương Tây chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào.
Nga, vốn coi Biển Baltic là khu vực chiến lược cho các hoạt động hải quân và xuất khẩu năng lượng của mình, đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc phá hoại và cáo buộc phương Tây lan truyền "câu chuyện sai sự thật".
Hồi tháng 1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cáo buộc về sự can dự của Nga trong việc phá hủy các tuyến cáp ngầm dưới Biển Baltic là nhằm mục đích ngăn chặn Moscow xuất khẩu dầu và hạn chế tự do vận tải hàng hải trong khu vực.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó đã gọi việc tiếp tục đổ lỗi cho Nga "mà không có lý do" là "vô lý".
Vào tháng 1, với lý do bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước ở Biển Baltic, các quốc gia NATO đã triển khai sứ mệnh "Baltic Sentry" (Canh gác Baltic) để bảo đảm phản ứng nhanh trong trường hợp có các mối đe dọa đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng trên biển sau các sự cố cáp vào năm 2024.
Tuy nhiên, Chỉ huy Hải quân Bỉ Erik Kockx, người có lực lượng đặc nhiệm tham gia nhiệm vụ này, đã nói với WSJ rằng nhóm của ông chủ yếu hoạt động "như camera an ninh", đồng thời nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện của NATO ở Biển Baltic có góp phần tăng cường an ninh hay không.
"Rất khó để chứng minh rằng sự hiện diện của chúng tôi có ích. Thật khó để nói rằng nếu chúng tôi không ở đó, điều gì đó sẽ xảy ra", ông Kockx nói.