1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Congo

Bạo lực tình dục - từ vũ khí chiến tranh đến căn bệnh xã hội

(Dân trí) - Cộng hoà Congo, quốc gia lớn thứ 3 trên lục địa châu Phi xét về diện tích, đã bị quấy đảo bởi nạn bạo lực tình dục tồi tệ nhất thế giới khi “phong trào” hãm hiếp đã phát triển từ một công cụ chiến tranh thành căn bệnh xã hội.

Denis Mukwege, một chuyên gia trong lĩnh vực sinh sản của phụ nữ, đã không chịu đựng nổi khi nghe những câu chuyện mà các bệnh nhân đã tâm sự với ông.

 

Mỗi ngày, khoảng 10 bệnh nhân mới, trong đó có cả phụ nữ và những cô gái trẻ, đã bị hãm hiếp và tới bệnh viện của Mukwege. Nhiều người bị tấn công vô cùng hung bạo, bị hành hạ bằng gậy gộc tới nỗi bộ phận kín của họ bị tổn thương nghiêm trọng và cần tới sự giúp đỡ của bác sĩ.

 

Ông Mukwege, hiện đang công tác tại tỉnh Nam Kivu, trung tâm của “dịch bệnh” hãm hiếp tại Congo, nói: “Tôi không biết tại sao những vụ hãm hiếp như thế này lại xảy ra. Nhưng có một điều chắc chắn là họ là vậy để huỷ hoại phụ nữ”.

 

Phụ nữ tại Congo đang bị tấn công một cách có hệ thống trên diện rộng mà trước đó chưa từng xảy ra tại nơi này. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2006 đã có 27.000 vụ hãm hiếp chỉ riêng tại Nam Kivu và đó có thể chỉ là một phần trong con số rất lớn trên cả nước.

 

Những ngày hỗn loạn tại Congo tưởng như đã qua đi. Năm ngoái, đất nước với 66 triệu dân đã tổ chức một cuộc tuyển cử lịch sử tiêu tốn 500 triệu USD và dự kiến sẽ chấm dứt những cuộc nổi dậy, chiến tranh và chính phủ điều hành tồi tệ của Congo. Nhưng cuộc bầu cử đã không thống nhất đất nước cũng như thất bại trong việc kiểm soát các lực lượng nổi loạn, nhiều trong số này là từ nước ngoài.

 

Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm của các vụ hãm hiếp thường là những nam giới có súng, những binh sĩ chính phủ nổi dậy do bị trả lương thấp, những chiến binh địa phương. Chúng cũng có thể là thành viên của các nhóm bán quân sự gốc Uganda và Rwanda tới để bình ổn khu vực này 10 năm qua để đổi lấy việc săn lùng vàng và các nguồn tài nguyên khác.

 

Bạo lực tình dục - từ vũ khí chiến tranh đến căn bệnh xã hội - 1
 Riêng tại tỉnh Nam Kivu, khoảng 27.000 vụ hãm hiếp đã xảy ra trong năm 2006.

 

Một trong những nhóm hành hung đang nổi có tên là Rasta. Honorata Barinjibanwa, 18 tuổi, cho biết cô bị bắt cóc từ một ngôi làng mà nhóm Rasta đã đột kích hồi tháng 4 và bị giam giữ làm nô lệ tình dục 4 tháng sau đó. Hầu hết thời gian cô bị trói vào cây trong khi dây thừng vẫn vắt ngang cổ. Mỗi ngày, bọn đàn ông cởi trói cho cô vài giờ để thực hiện việc hãm hiếp tập thể.

 

Sau khi được những kẻ bắt cóc thả tự do, Barinjibanwa đã phải điều trị tại bệnh viện Panzi. Hậu quả của những tháng ngày ấy là cô đã có mang. Barinjibanwa rất đau đớn, tức giận và không biết phải làm gì để bắt đầu lại cuộc sống.

 

Hiện tượng xã hội

 

Trong khi hãm hiếp trở thành một công cụ của chiến tranh, các nhà nghiên cứu sợ rằng vấn đề của Congo đã di căn thành một hiện tượng xã hội rộng lớn hơn.

 

Alexandra Bilak, người chuyên nghiên cứu các lực lượng có vũ trang, nói: “Nó đã vượt ra khỏi cuộc xung đột. Số phụ nữ bị lạm dụng tình dục, thậm chí là giết đã tăng lên và hành động tàn tạo với phụ nữ đang trở thành… bình thường”.

 

Malteser International, một tổ chức cứu trợ châu Âu hiện đang điều hành các trung tâm y tế ở miền đông Congo, ước tính tổ chức đã điều trị khoảng 8.000 trường hợp bạo lực tình dục trong năm nay, so với 6.338 ca vào năm ngoái. Chỉ riêng tại thị trấn Shabunda, 70% phụ nữ đã bị hành hung về mặt tình dục.

 

Tại bệnh viện Panzi, bác sĩ Mukwege thông thường phải tiến hành 6 ca phẫu thuật liên quan tới hãm hiếp mỗi ngày. Các giường bệnh mỗi ngày mỗi đông và toàn là phụ nữ tới điều trị do bị tổn thương bên trong. Mukwege cho biết, bệnh nhân nhiều tuổi nhất 75 tuổi, trẻ nhất mới lên 3. “Một số cô gái, những người bị tổn thương bên trong rất nặng, còn quá trẻ nên họ không hiểu điều gì đã xảy ra”.

 

Không một ai, bác sĩ hay thậm chí các nhân viên cứu trợ, các chuyên gia nghiên cứu Congo nói riêng và phương Tây nói chung, có thể giải thích tại sao điều này xảy ra. Việc không bị trừng phạt cũng là một nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ. Rất ít thủ phạm bị trừng phạt, nếu không muốn nói là hầu như không.

 

Andre Bourque, một bác sĩ cố vấn Canada, nói: “Bạo lực tình dục tại Congo đã lên tới mức cao nhất mà chưa từng xảy ra tại một nơi nào khác trên thế giới. Thậm trí nó còn tồi tệ hơn tại Rwanda thời kỳ diệt chủng”.

 

Các nhân viên gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc đang nỗ lực bảo vệ phụ nữ Congo. Tuy nhiên, các vụ bạo lực tình dục vẫn gia tăng mặc dù Liên Hợp Quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình lớn nhất thế giới với trên 17.000 binh sĩ.

 

Chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng một khu vực điều trị dành riêng cho những nạn nhân bị hãm hiếp. Nhưng từ nay cho tới khi khu điều trị này hoàn thành, bệnh viện Panzi vẫn chỉ có 350 giường bệnh và các bệnh nhân luôn bị trả về làng  trước khi họ bình phục hoàn toàn do tình trạng quá tải của bệnh viện.

 

Ánh Ninh

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm