Bạo lực nghiêm trọng ở Syria, Mỹ lên tiếng về khả năng can thiệp
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua lên án cái bà gọi là “cuộc tấn công nghiêm trọng” của quân chính phủ Syria vào những người biểu tình, cho rằng sở dĩ thế giới chưa can thiệp bằng quân sự vì lãnh đạo khu vực đang thu xếp phía sau hậu trường.
Theo bà Hillary, cộng đồng quốc tế “rất quan ngại” trước tình hình Syria, nhưng hiện chưa có kế hoạch hành động quân sự tại đó vì không giống như Libya, lãnh đạo khu vực chưa nhất trí cách giải quyết tại Syria.
“Lãnh đạo khu vực đang làm việc phía sau hậu trường để yêu cầu chính quyền Syria chấm dứt hành động đó. Họ tin rằng vào lúc này lời yêu cầu đó là cách tốt nhất. Do đó, Mỹ đang lắng nghe các nước trong khu vực muốn gì”, bà Ngoại trưởng nói khi trả lời phỏng vấn báo giới trong chuyến thăm Tanzania.
Bà cũng nói Syria khác với Libya bởi vì chiến dịch quân sự tại Libya “có sự đồng thuận của các nước Ảrập và LHQ”.
Bà Hillary đưa ra tuyên bố trên cùng ngày các binh sĩ thuộc lực lượng tinh nhuệ của Syria với sự yểm trợ của xe tăng ra sức kiểm soát thị trấn Jisr al-Shughour, trong lúc số người từ thị trấn biên giới này chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ vượt con số 4.000.
Những người mục kích và các nhân vật tranh đấu nói rằng binh sĩ dường như đang phong tỏa thị trấn, sau khi chính phủ tố cáo “những băng đảng vũ trang” giết chết 120 nhân viên an ninh và hứa sẽ có hành động quyết liệt.
Một ngày trước đó, ít nhất 32 người thiệt mạng trong lúc các vụ biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp diễn trên cả nước. Phe chống chính phủ nói rằng lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình ở một số thành phố.
Sau khi rời Tanzania, Ngoại trưởng Mỹ sẽ lên đường đi Ethiopia và tại đây, bà sẽ có bài diễn văn trước Liên minh châu Phi vào thứ Ba. Người ta trông đợi bài diễn văn sẽ nói nhiều đến Libya.
Các nước châu Phi chưa nhất trí trong vấn đề Libya, nhưng Mỹ hài lòng khi thấy 3 thành viên châu Phi trong Hội đồng Bảo an LHQ là Nigeria, Gabon và Nam Phi bỏ phiếu thuận cho kế hoạch sử dụng biện pháp quân sự chống lại nhà lãnh đạo Gadhafi. Sau đó, có thêm lãnh đạo của Senegal và Mauritania kêu gọi ông Gadhafi từ bỏ quyền lực.