Bạo loạn London tiếp diễn đêm thứ 3, lan tới khu người Việt
(Dân trí) - Bạo loạn ở thủ đô London của Anh đã bùng phát đêm thứ 3 liên tiếp và trên diện rộng, đến chiều qua đã lan tới khu đông người Việt khi một tiệm kim hoàn của người Việt tại khu vực Hackney bị tấn công.
NGO Diamonds nằm ở khoảng giữa phố Mare thuộc quận Hackney, nơi đối diện với hàng loạt các cửa hàng, siêu thị và quán ăn của người Việt. Mare được biết tới như nơi tập trung nhiều và đầy đủ các loại dịch vụ nhất dành cho cộng đồng người Việt, cung ứng cho mọi loại nhu cầu từ mua sắm thực phẩm, văn hóa phẩm tới dịch vụ vé máy bay hay chuyển tiền nhanh về Việt Nam.
Trước đó, từ khoảng 4h50 chiều (giờ London), cảnh sát và các nhóm thanh niên đã có đụng độ ở khu vực cuối phố Mare. Cảnh sát đã đẩy đám đông lui về phía tòa nhà Hackney Empire ở Mare với lực lượng tương đối mỏng.
Nhiều cửa hàng của người Việt được hội đồng địa phương thông báo nên đóng cửa từ sớm.
Trong ngày, cảnh sát đã lên án làn sóng cướp phá và bất ổn “theo kiểu bắt chước có tính tội phạm" đang lan ra ở London sau cuộc bạo loạn ở Tottenham, mạn bắc thủ đô London.
Tình trạng bất ổn lan rộng đến Enfield, Walthamstow và Waltham Forest ở phía bắc London và Brixton ở phía nam thành phố...
Hơn 350 người đã bị bắt khi cảnh sát bị tấn công, xe cảnh sát bị phá hỏng và các cửa hàng bị cướp phá. Khoảng 35 nhân viên cảnh sát đã bị thương trong hai đêm bạo loạn trước đó.
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã họp với các lãnh đạo cảnh sát về tình hình ở London. Bà cũng lên truyền hình lúc trước 6 giờ tối để lên án hành động bạo lực của các nhóm gây rối, gọi các vụ bạo loạn là “có tính thuần túy hình sự.”
Trong lúc đó, có tin nói đang có khả năng xảy ra bạo động tại khu vực Birmingham, với mô hình tương tự như những gì đang diễn ra tại London. Cảnh sát vùng West Midlands đưa ra một tuyên bố trên Twitter: "Chúng tôi nhận thấy có những thông điệp trên Twitter, Facebook về việc sẽ có bạo loạn tại Birmingham vào tối nay. Chúng tôi chưa chứng kiến chuyện gì xảy ra, nhưng sẽ triển khai thêm các sĩ quan kiểm soát khu vực trung tâm và vùng ngoại vi trong tối nay."
Nói tới những ảnh hưởng cho hình ảnh của thủ đô London chưa đầy một năm trước khi diễn ra Thế vận hội Olympic 2012, Phó Thị trưởng thành phố London, Kit Malthouse nói: "Thật là không hay cho London."
Các vụ gây rối, được xem là tệ hại nhất tại London trong nhiều năm qua, bắt nguồn từ một vụ nổ súng của cảnh sát vào tuần trước làm Duggan, một người đàn ông 29 tuổi, thiệt mạng. Tư lệnh cảnh sát London, ông Adrian Hanstock nói: "Mức độ bạo lực leo thang nhanh hơn chúng tôi dự đoán".
Nhưng theo các phân tích gia, chính cái chết của ông Duggan tại Tottenham tuần trước đã châm ngòi cho một tình huống đã sẵn bấp bênh, khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ, nhằm giảm nợ cho nước Anh, đã ảnh hưởng đến cấp địa phương.
Một số người dân nói rằng các cuộc bạo loạn trên nổ ra từ sự bức xúc về tình hình kinh tế u ám tại vùng bắc London, có mức thất nghiệp tăng cao và dịch vụ công cộng bị giảm bớt.
Tottenham là nơi có nhiều nhóm thiểu số sắc tộc sinh sống và đã từng xảy ra nhiều căng thẳng chủng tộc.