1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo động tình trạng gần một nửa nhà sư Thái Lan mắc bệnh béo phì

(Dân trí) - Tình trạng thừa cân trong giới tu hành đã trở nên đáng báo động tại Thái Lan, với gần 50% nhà sư tại quốc gia Phật giáo này bị mắc hội chứng béo phì.

Các nhà sư Thái Lan đi khất thực tại thủ đô Bangkok (Ảnh: New York Times)
Các nhà sư Thái Lan đi khất thực tại thủ đô Bangkok (Ảnh: New York Times)

Hồi tháng 6, các quan chức thuộc văn phòng Y tế công cộng Thái Lan đã kêu gọi người dân nước này cúng dường thức ăn lành mạnh hơn cho các nhà sư xuống đường khất thực mỗi buổi sáng. Đây chỉ là một trong các phương án mà Thái Lan đang thực hiện nhằm cải thiện vấn nạn béo phì, thừa cân trong giới tu hành nước này.

Ông Amporn Bejapolpitak, phó giám đốc cơ quan trên, cũng khuyến khích các nhà sư tăng cường vận động, để giảm trọng lượng cơ thể và nâng cao sức khỏe bản thân.

Béo phì đã trở thành vấn nạn báo động ở Thái Lan. Quốc gia này xếp thứ 2 trong danh sách những nước châu Á có trọng lượng trung bình nặng nhất, chỉ sau Malaysia. Cứ 3 người đàn ông Thái Lan thì có 1 người bị béo phì, và hơn 40% phụ nữ Thái Lan đang trọng tình trạng thừa cân nghiêm trọng, theo báo cáo sức khỏe quốc gia của Thái Lan.

Trong đó, vấn đề béo phì ở giới tu hành nước này đang là vấn đề khiến giới chức Thái Lan “đau đầu”. Một nghiên cứu do trường đại học Chulalongkorn thực hiện cho thấy gần một nửa các nhà sư Thái Lan mắc chứng béo phì. Hơn 40% trong số họ có chỉ số cholesterol cao, gần 25% bị huyết áp cao và 10% mắc bệnh tiểu đường.

“Béo phì trong giới tu hành ở đất nước chúng tôi giống như một quả bom nổ chậm. Rất nhiều nhà sư đang mắc phải những căn bệnh mà chúng tôi rõ ràng có thể ngăn chặn được từ đầu”, bà Jongjit Angkatavanich, giáo sư ngành thực phẩm và dinh dưỡng tại đại học Chulalongkorn, nhận định.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét thói quen ăn uống của các nhà sư Thái Lan, họ khá bất ngờ khi phát hiện ra các nhà sư tiêu thụ lượng calo ít hơn trung bình dân số, nhưng nhiều người trong số họ bị béo phì. Bà Jongjit cho rằng nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra chính là đồ uống có đường.

Các nhà sư Thái Lan không được ăn sau bữa trưa, vì vậy để duy trì năng lượng, họ phải uống các thức uống có đường, bao gồm nước tăng lực.

Các tín đồ Phật giáo tin rằng việc cúng dường đồ ăn và thức uống cho các nhà sư sẽ khiến họ tích phúc đức cho hiện tại và đời sau. Tuy nhiên, chính thói quen tặng đô ăn nhiều chất béo, thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng khác và đồ uống nhiều đường đang gián tiếp khiến các nhà sư bị rơi vào chứng rối loạn dinh dưỡng và thừa cân.

Hiện bà Jongjit đang hợp tác với chính phủ Thái Lan và cơ quan tôn giáo nhằm quản lý và triển khai chương trình “Nhà tu hành khỏe mạnh - Dinh dưỡng khỏe mạnh”. Đây là dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhà sư thông qua hoạt động giáo dục kiến thức về dinh dưỡng và luyện tập thể chất.

Chương trình thử nghiệm được tiến hành năm 2016 có 82 nhà sư tham gia và đã đạt được kết quả đáng khích lệ khi các nhà tu hành đã giảm cân và lượng choresterol trong cơ thể.

Dự này này đang kêu gọi các tín đồ Phật giáo nấu những bữa ăn nhiều rau, ít thịt, ít đường để cúng dường cho các nhà sư khất thực. Chương trình cũng đồng thời khuyến khích các nhà sư đi lại vận động cơ thể ít nhất 40 phút mỗi ngày.

Tại một quốc gia 90 % dân số theo Phật giáo, các nhà sư ở Thái Lan rất được kính trọng. Vì vậy, Thái Lan luôn phải đảm bảo thông điệp mà họ đưa ra cho chiến dịch có chừng mực nhất định và không gây ảnh hưởng tới lòng tự tôn của các nhà sư.

Đức Hoàng

Theo Straits Times