1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo động hiện tượng "dòng sông đỏ" ở quốc gia châu Phi do nhà máy Trung Quốc

(Dân trí) - Việc các doanh nghiệp Trung Quốc tại các nước châu Phi đầu tư giống “con dao 2 lưỡi”, khi một mặt mang lại giá trị kinh tế, nhưng mặt khác vấn nạn về môi trường bị phá hủy.


Nguồn nước chuyển sang màu đỏ sau sự xuất hiện của nhà máy Trung Quốc Golden Lead trong khu vực làng Gunjur, Gambia. (Ảnh: Change.org)

Nguồn nước chuyển sang màu đỏ sau sự xuất hiện của nhà máy Trung Quốc Golden Lead trong khu vực làng Gunjur, Gambia. (Ảnh: Change.org)

Thời báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Gambia là một quốc gia châu Phi từng là đồng minh với Đài Loan nhưng đã tái thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hồi năm ngoái. Hiện Gambia đang thu hút lượng lớn đầu tư từ các tập đoàn và công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn nạn “dòng sông đỏ” với đầy rác thải công nghiệp từ các nhà máy Trung Quốc hiện đang khiến những doanh nghiệp này hứng chịu sự chỉ trích từ người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường.

Các công ty Trung Quốc tại châu Phi thường xuyên bị lên án vì làm ô nhiễm môi trường tại các nước đầu tư để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu trở lại Trung Quốc. Nhiều các trường hợp có thể kể đến như sự cố với các mỏ ở Guinea, giếng dầu ở Chad, hay rừng ở lưu vực Congo.

Các cư dân của làng Gunjur, cách thủ đô Banjul của Gambia 1 giờ đi xe về phía Nam, từng rất háo hức đón chờ sự xuất hiện của một nhà máy bột cá Trung Quốc vào tháng 9/2016. Họ hy vọng công ty này sẽ mang tới nhiều việc làm cho một vụ khu vực vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực không đáng kể từ du lịch và đánh bắt cá.

Sau vài tháng, chính những cư dân này phát hiện ra mùi hôi thối xuất hiện, kéo theo tình trạng nước ở sông ngòi kênh rạch chuyển sang màu đỏ và cá bắt đầu chết nổi gần bờ. Những người bơi lội trong dòng nước ở hồ bắt đầu phàn nàn về các bệnh da liễu.


Cá chết ở làng Gunjur, Gambia (Ảnh: Twitter)

Cá chết ở làng Gunjur, Gambia (Ảnh: Twitter)

Các cuộc điều tra đã được tiến hành và cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) sau đó đưa ra lời cảnh báo về việc thải chất thải trực tiếp vào biển và phá huỷ một số khu rừng ngập mặn của khu vực. NEA đã đâm đơn kiện đối với doanh nghiệp Trung Quốc vào ngày 14/6 với cáo buộc công ty này xả thẳng nguồn nước thải xuống biển mà không được phép.

Kết quả là 2 bên đã quyết định hòa giải ngoài tòa, với việc công ty Trung Quốc cam kết sẽ bỏ các đường ống dẫn nước thải, thực hiện đánh giá sinh thái toàn diện và thực hiện khôi phục lại những gì đã tàn phá.

Tuy nhiên, chính phủ Gambia vẫn mở cửa nhận nguồn đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp Trung Quốc, mặc cho các nỗ lực và cảnh báo từ cơ quan môi trường về mức độ ảnh hưởng và sự nhạy cảm của hệ sinh thái nơi đây.


Ống thải trực tiếp ra biển từ nhà máy Golden Lead của Trung Quốc tại Gambia (Ảnh: Kaironews)

Ống thải trực tiếp ra biển từ nhà máy Golden Lead của Trung Quốc tại Gambia (Ảnh: Kaironews)

Badara Bajo, giám đốc tổ chức từ thiện Nhóm bảo vệ môi trường và phát triển Gunjur (EPDGG), cùng các đồng sự đã tổ chức một cuộc biểu tình hồi cuối tháng 5 khi Trung Quốc có dấu hiệu xây dựng thêm nhà máy ở làng Kartong.

Lamin Jatta, một cư dân Kartong, khẳng định sẽ không cho phép công ty Trung Quốc tàn phá môi trường ngôi làng này, bằng không các khách du lịch châu Âu sẽ bỏ đi nơi khác.

Đức Hoàng

Theo SCMP