1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo chí quốc tế dự đoán những thách thức đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

(Dân trí) - Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng và giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là hai trong số những thách thức lớn mà giới phân tích quốc tế cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối mặt.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AFP)

Ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức sau khi nhận được 446/490 phiếu tán thành tại Quốc hội. Tại lễ tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết nỗ lực "thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền".

Báo chí quốc tế đã đồng loạt đưa tin về sự kiện tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng, đồng thời cũng dự đoán về những thách thức mà Thủ tướng có thể đối mặt trong nhiệm kỳ.

Hãng tin AP nhận định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm sở vào thời điểm mà Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng, trong khi ở lĩnh vực địa chính trị, Trung Quốc đang gia tăng các hành động khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Ngoài ra, hiện tại, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải trải qua thời kỳ hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

AP dẫn nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, học giả tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng: “Thủ tướng cần phải vượt qua những thách thức lớn để cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, đồng thời cải thiện tình hình tài chính, thúc đẩy khu vực tư nhân để giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài”.

Trong khi đó, theo bình luận của hãng tin Bloomberg (Mỹ), các thách thức lớn đang chờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là tình hình hạn hán ở đồng băng sông Cửu Long, nguồn thu từ dầu mỏ giảm cũng như căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Một thách thức nữa theo bình luận của Reuters đó là việc phải làm thế nào để Việt Nam có thể đáp ứng và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Đây chắc chắn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Tôi cho rằng tất cả người dân đều hy vọng ở Thủ tướng sự quyết tâm và những bước cải cách mạnh mẽ”, Reuters dẫn nhận định của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhanh chóng thể hiện cam kết tiến hành cải cách và thu hút đầu tư. “Cần cho thế giới thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài và là một nền kinh tế có tầm cỡ trong khu vực, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm”, ông Nguyễn Xuân Thành, một chuyên viên cấp cao tại trường Harvard Kennedy tại thành phố Hồ Chí Minh bình luận.

Về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Reuters dẫn lời chuyên gia Lê Hồng Hiệp cho rằng, nhiều khả năng chính sách của ông sẽ giống như của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, đó là thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu và giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng sẽ “thận trọng hơn”.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm