1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo chí nước ngoài nhấn mạnh Việt-Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện

(Dân trí) - Ngay sau cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 25/7, báo chí nước ngoài đồng loạt nhấn mạnh đến sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ ra tuyên bố chung về “quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện”.

Báo chí nước ngoài nhấn mạnh Việt-Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) hội đàm cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 25/7.

 

Theo hãng tin BBC của Anh, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama, hai nhà lãnh đạo đã “quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”… để “tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa - thể thao - du lịch...”

 

BBC cũng cho biết quan hệ này dựa trên các nguyên tắc “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

 

Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời ông Obama cho biết ông muốn thiết lập một quan hệ đối tác với Việt Nam trong đó chú trọng tăng cường thương mại, hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường trao đổi giáo dục và khoa học.

 

Trong khi đó, hãng tin Reuters của Anh nhấn mạnh tới cam kết giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama về việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. “Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo diễn ra khi vòng 18 đàm phán về thương mại tự do khu vực giữa Mỹ, Việt Nam và 9 nước khác đang hoàn tất ở Malaysia. Nhật Bản đã tham gia vào tuần này với tư cách là nước thứ 12 tham gia đàm phán TPP”.

 

Hãng AFP cũng chỉ ra Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là nhà lãnh đạo Đông Nam Á thứ tư tới thăm Nhà Trắng trong năm nay, trong bối cảnh ông Obama ngày càng tăng cường chuyển hướng tập trung sang khu vực Đông Nam Á, khu vực được xem là phát triển ấn tượng về kinh tế và bị các nhà lập pháp Mỹ “bỏ quên” trong quá khứ.

 

Và theo hãng AFP, Mỹ thúc đẩy TPP, nhằm tạo ra một khu vực tự do thương mại, cũng là để thực hiện một phần trong cái gọi là “trục xoay” sang châu Á- Thái Bình Dương. Cho đến nay, 12 nước đã tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam và gần đây nhất là Nhật Bản. Điều này có nghĩa, TPP sẽ bao phủ 40% nền kinh tế thế giới.

 

Reuters dẫn lời của Tổng thống Obama tại phòng Bầu Dục cho hay, “chúng tôi cam kết đạt mục tiêu tham vọng là hoàn thành thỏa thuận này trước cuối năm nay bởi chúng ta biết rằng thỏa thuận có thể tạo ra việc làm và tăng đầu tư khắp khu vực và ở cả hai nước chúng ta”.

 

Tuy nhiên, Reuters cũng dẫn lời Ed Gresser, chuyên gia về chính sách thương mại tại GlobalWorks Foundation, tỏ ra nghi ngờ về thời hạn hoàn tất các cuộc đàm phám TPP đã kéo dài 3 năm qua. “Họ vừa mới đưa Nhật Bản vào 3 ngày trước. Liệu có thể hoàn tất một thỏa thuận tự do thương mại với Nhật trong vòng 5 tháng? Đây là một thách thức lớn.”

 

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng đưa tin, hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ đã đề cập tới “mối quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước, nhằm mục tiêu tiến tới mối quan hệ hợp tác thậm chí còn lớn hơn. Tờ báo này cũng nhấn mạnh chuyến công du của Chủ tịch Trương Tấn Sang mới chỉ là chuyến công du thứ hai của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Nhà Trắng kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Tờ báo dẫn lời ông Obama cho hay mối quan hệ song phương “tiến triển vững chắc và mạnh mẽ” trong bối cảnh “lịch sử phức tạp khác thường” giữa hai nước.

 

Tờ báo Trung Quốc dẫn lời ông Obama còn cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là động thái “cho thấy rõ sự trưởng thành và bước phát triển tiếp theo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

 

Bên cạnh đó, hãng thông tấn AFP của Pháp cũng đề cập đến khả năng hai nước bên nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược, khi dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với các phóng viên rằng “sẽ tăng cường trao đổi cấp cao giữa hai nước”.

 

Hãng thông tấn của Pháp cũng nhận định, một trong những kết quả cụ thể đầu tiên của chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Tổng thống Barack Obama đã nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam.

 

Ngoài ra, các hãng thông tấn lớn của nước ngoài cũng nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc thảo luận “thẳng thắn”, “cởi mở”, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt trong vấn đề nhân quyền. Cả hãng tin AFPReuters đều dẫn lời ông Obama cho biết là hai bên đã có một “cuộc trò chuyện thẳng thắn”, đề cập đến những “ tiến bộ Việt Nam đang thực hiện và những thách thức vẫn tồn tại ”. Trong khi đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẵn sàng ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào cuối năm nay và tuyên bố Việt Nam sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2014.

 

Bên cạnh đó, Đài tiếng nói Hoa Kỳ cũng dẫn lời Chủ tịch Trương Tấn Sang tại tiệc trưa do Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chủ trì cho biết, các nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam trong phái đoàn của ông đã mở các cuộc “thảo luận thẳng thắn và cởi mở” với các giới chức Hoa Kỳ để giúp họ “hiểu biết tốt hơn về tình hình thực sự” ở Việt Nam.

 

Đặc biệt, các hãng thông tấn nước ngoài đều chú ý đến chi tiết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao cho nhà lãnh đạo Mỹ bản sao bức thư Bác Hồ gửi cho Tổng thống Mỹ Harry Truman vào năm 1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.

 

Hãng BBC dẫn phát biểu của ông Obama sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đề cập đến lá thư. “Vào cuối cuộc gặp, Chủ tịch Sang chia sẻ với tôi bản sao lá thư của Hồ Chí Minh gửi Harry Truman. Và chúng tôi đã bàn về việc Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng từ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng như những lời nói của Thomas Jefferson. Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thật tốt khi chúng ta đang có tiến bộ.”

 

Còn hãng thông tấn AFP nhận xét hai nhà lãnh đạo tỏ ra “lạc quan” trong suốt buổi gặp gỡ tại phòng Bầu Dục, với Tổng thống Obama cho biết Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trao cho ông bản sao lá thư viết tay của Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, “trong đó bày tỏ hi vọng về hợp tác, hai thập niên trước chiến tranh Việt Nam”.

 

“Chúng ta đều nhận thấy lịch sử phức tạp khác thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Dần dần chúng ta đã có thể thiết lập được sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau”, AFP dẫn lời ông Obama cho hay.

 

Vũ Quý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm