Báo Anh viết về vấn nạn phong bì của người Việt
(Dân trí) - Muốn bác sĩ cấp huyện chuyển con trai lên bệnh viện tỉnh để phẫu thuật, một phụ nữ đã đưa phong bì 50.000 đồng cho bác sĩ nhưng nguyện vọng của cô không được chấp nhận. Cuối cùng, bà mẹ đã bỏ thêm 50.000 đồng nữa để được giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên.
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
Hãng tin BBC của Anh viết, người phụ nữ 33 tuổi giấu tên, sống tại một ngôi làng ở phía nam Hà Nội, sau đó đã đưa một phong bì chứa 500.000 đồng cho đội ngũ y tế tại bệnh viện tỉnh, số tiền tương đương hơn 2 tháng thu nhập của cô.
''Tất cả các bệnh nhân khác đều nói rằng mọi người phải đưa phong bì để cảm ơn bác sĩ và các y tá, và đó là mức giá cho một ca mổ như vậy", bà mẹ cho hay.
Đội ngũ y tế không đòi tiền, nhưng bà mẹ tin rằng việc đưa phong bì sẽ giúp con trai cô được chăm sóc tốt hơn.
Trường hợp trên không phải là duy nhất. Bà Phin, một cán bộ về hưu ở ngoại thành Hà Nội sống với mức lương 3 triệu đồng/tháng, đã đưa một phong bì trị giá 200.000 đồng sau lần điều trị bệnh về mắt ở bệnh viện.
Bà Phin xuất viện sau khi quá trình điều trị kết thúc. Nhưng sau đó bà lại phải quay trở lại bệnh viện, đồng nghĩa với việc bà cần một phòng bì cảm ơn khác.
"Tôi mất 200.000 đồng nữa để cảm ơn các bác sĩ và y tá. Các bệnh nhân khác gợi ý phải đưa số tiền cao hơn nhưng tôi chỉ có vậy", bà Phin nói.
Còn bà Luyến, một giáo viên về hưu sống cách Hà Nội 35km, cho hay việc đưa phong bì cho đội ngũ bác sĩ như đã trở thành bắt buộc. "Không phải bác sĩ nào cũng nhắc tới chuyện phong bì nhưng điều đó là phải có mỗi khi tới bệnh viện. Nó đã trở thành văn hóa rồi", bà nói.
Tại Việt Nam, viện phí phần lớn do nhà nước chi trả thông qua hệ thống bảo hiểm miễn phí dành cho trẻ em và các cán bộ công chức, hoặc do các công ty hoặc cá nhân chi trả. Nhưng việc xếp hàng để được điều trị theo bảo hiểm khá lâu và các bệnh viện công lại quá tải, trong khi lương cho các cán bộ y tế phần lớn còn thấp. Việc đưa phong bì để được tiếp cận dịch vụ nhanh hơn hoặc tốt hơn đã trở nên phổ biến.
Một nghiên cứu cho thấy, số người đưa phong bì đã tăng từ 13% trong năm 2007 lên 29% vào năm 2010.
Hồi năm ngoái, một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra chính phủ tiến hành cho thấy 76% số người được hỏi đã tình nguyện đưa phong bì cho các cán bộ y tế và chỉ có 21% đưa theo yêu cầu.
Trong một nỗ lực nhằm chiến đấu với nạn tham nhũng, 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội hồi tháng 11/20111 đã phát động một chiến dịch nhằm tăng cường giáo dục y đức đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có chính sách "Nói không với phong bì".
Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cũng tiến hành một chiến dịch tương tự để thay đổi nhận thức về các khoản chi trả không chính thức, sử dụng các phương tiện truyền thông để nâng cao hiểu biết của bệnh nhân về quyền lợi của họ cũng như nhiệm vụ của các bác sĩ.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, một học giả có tiếng tại Hà Nội, cho rằng căn nguyên của vấn đề nằm ở truyền thống tặng quà. "Trong xã hội Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, tặng quà xuất phát từ sự biết ơn", ông Ngọc nói.
"Việc thể hiện lòng biết ơn trước kia có giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất. Nhưng qua thời gian, việc làm đó lại trở nên có giá trị vật chất hơn tinh thần. Và trong nền kinh tế thị trường, nó giống như là một giao dịch", ông Ngọc nói thêm.
Văn hóa có thể là lý do để thanh minh cho các khoản chi không thích thức, nhưng văn hóa cũng phải thay đổi, Soren Davidsen, chuyên gia cấp cao tại WB ở Hà Nội, nhận định.
"Chúng ta điều biết rằng tặng quà là một phần quan trọng của văn hóa. Nhưng chúng ta cũng biết rằng văn hóa là thứ không thể không thay đổi. Vài quốc gia ở Đông Á như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có truyền thống tham nhũng, nhưng các nước này đã tìm ra những cách hiệu quả để ngăn chặn nó", ông Davidsen nói.
"Tiền và quyền"
Đối với nhiều người, ranh giới giữa quà tặng và hối lộ đã bị xóa nhòa - điều mà một số người lấy làm "cái cớ để đưa phong bì", bà Trần Thu Hà, phó giám đốc RTCCD cho hay.
Nhưng với những người đấu tranh để ngăn chặn nạn tham nhũng như bà, chuyện phân biệt đâu là quà tặng, đâu là hối lộ không hề khó.
"Quà tặng có thể được đưa ở nơi cộng hoặc bất kỳ đâu. Cũng cần thời gian để trò chuyện và nói lời cảm ơn. Trong khi đó, đồ hối lộ thường được đưa rất nhanh và cả người nhận và người đưa đều sợ bị người khác nhìn thấy", bà Hà nói.
Nhưng để thay đổi hành vi của mọi người là một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt và sẽ mất thời gian, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, cho hay.
Đã có một cuộc tranh luận về cách ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Một đề xuất được đưa ra là nâng lương cho các nhân viên y tế để họ không nhận phong bì từ bệnh nhân.
Tuy nhiên, một biện pháp đơn lẻ sẽ không đủ. Phó giáo sư Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa quốc gia, tin rằng chính phủ cần đưa ra các quy định rõ ràng và các hình phạt nghiêm khắc đối với các nhân viên y tế vi phạm quy định.
Cũng cần phải giúp các bệnh nhân hiểu rằng họ không cần phải đưa phong bì, và rằng họ sẽ vi phạm các quy định nếu làm vậy.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc thậm chí còn cho rằng nên đưa các hình phạt đối với cả bệnh nhân đưa phong bì để giúp làm trong sạch ngành y. Nhưng điều này cần sự phối hợp của tất cả các bên - bệnh nhân, các nhân viên y tế và các nhà chức trách - và đây là một nhiệm vụ lớn lao.
"Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng vì tham nhũng liên quan tới tiền, con người và quyền lực... Việc này không thể giải quyết sau một đêm ", ông Davidsen nói.
An Bình
Theo BBC