1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Anh viết về những bất cập của chương trình thực tập sinh Việt tại Nhật Bản

(Dân trí) - Ngày càng nhiều thanh niên Việt Nam chọn con đường sang Nhật Bản để trở thành thực tập sinh với kỳ vọng có thể đổi đời. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những thanh niên này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc tại nơi đất khách quê người, trong bối cảnh Nhật Bản sắp thay đổi luật lao động.

 

Báo Anh viết về những bất cập của chương trình thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 1

Lao động Việt Nam tại Nhật Bản đón năm mới tại một nhà thờ Công giáo hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters)

Khi một cô gái trẻ người Việt Nam hồi cuối năm ngoái phát hiện ra cô đã có bầu sau khi tới Nhật Bản theo diện thị thực “thực tập sinh kỹ thuật”, cô có 2 lựa chọn: Phá thai hoặc trở về Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chọn trở về quê nhà, cô sẽ không thể trả được khoản nợ 10.000 USD cô vay để trả cho công ty tuyển dụng lao động. “Cô ấy cần phải được ở lại để trả nợ”, Shiro Sasaki, tổng thư ký của Liên minh Công nhân Zentoitsu trả lời Reuters. Ông Sasaki cho biết tình trạng này khá phổ biến.

Sang Nhật Bản lao động với kỳ vọng sẽ nhận được đồng lương cao, nhưng lại bị đè nặng bởi gánh nặng nợ nần, lao động Việt Nam, một trong những nhóm lao động nước ngoài tăng trưởng mạnh nhất ở Nhật Bản, dường như sẽ trở thành nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi luật lao động mới chuẩn bị có hiệu lực vào tháng 4.

“Số lượng thực tập sinh từ Trung Quốc đã giảm dần khi mức lương trong nước tăng lên vì tăng trưởng kinh tế, trong khi đó tại Việt Nam, nhu cầu ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu gia tăng”, ông Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển trả lời Reuters.

Chương trình thực tập sinh bắt đầu từ năm 1993 với mục đích đào tạo kỹ năng cho các lao động từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã có một số báo cáo cho thấy mặt trái của chương trình liên quan tới vấn đề như lương bổng thấp, điều kiện lao động không đảm bảo.

Một trong số những vụ việc gây “nhức nhối”  là khi 4 công ty Nhật Bản bị phát hiện điều thực tập sinh Việt Nam làm việc khử nhiễm phóng xạ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Hai công ty cũng bị cáo buộc trả lương không thỏa đáng và bị cấm tuyển dụng tu nghiệp sinh trong 5 năm trong khi các công ty khác bị Bộ Tư pháp Nhật Bản cảnh báo.

Một khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản công bố hồi giữa năm ngoái cho thấy hơn 70% các bên sử dụng lao động tu nghiệp từ nước ngoài vi phạm quy định, trong đó phổ biến nhất là làm việc quá giờ và các quy tắc an toàn lao động. Trong khi đó, trung bình có 66% công ty trên toàn Nhật Bản cũng vi phạm các quy định nói trên.

Ngoài ra, Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết một số công ty có điều kiện làm việc quá khắt khe đã dẫn tới hơn 7.000 tu nghiệp sinh bỏ việc trong năm 2017 với gần một nửa trong số đó tới từ Việt Nam. Nhiều người đã bị các tổ chức môi giới lao động mờ ám ở quê nhà lừa đảo, hứa hẹn rằng sẽ giúp làm giấy tờ giả để có công việc với mức lương cao hơn.  

Do quy định của chương trình tu nghiệp không cho phép thực tập sinh chuyển việc, nên việc nghỉ việc đồng nghĩa với việc người lao động mất đi tư cách thị thực hợp pháp. Một số người tìm đến các mái ấm do các tổ chức phi lợi nhuận vận hành, hoặc yêu cầu công đoàn trợ giúp. Số còn lại tham gia vào thị trường lao động chợ đen.

Theo ông Shigeru Yamashita, người đứng đầu Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết rằng nếu các lao động Việt Nam hồi hương, họ sẽ không thể trả nợ với đồng lương ở quê nhà. Vì vậy, họ phải ra thị trường chợ đen để tìm việc.  

Luật lao động mới

Báo Anh viết về những bất cập của chương trình thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 2

Một tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại một công ty dệt kim tại Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Từ tháng 4 năm nay, Nhật Bản sẽ đưa vào hiệu lực luật mới cho phép 345.000 lao động phổ thông mới vào Nhật Bản trong khoảng thời gian 5 năm tại 14 lĩnh vực như xây dựng và điều dưỡng, những ngành mà Nhật Bản đang thiếu lao động trầm trọng. Với người lao động có tay nghề cao, họ có thể ở lại tới 5 năm nhưng không được phép mang theo gia đình.

Ngoài ra, một loại thị thực mới chỉ áp dụng cho ngành xây dựng và đóng tàu biển, cho phép các công nhân mang theo gia đình và có thể ở lại lâu hơn.

Nguyen Thi Thuy Phuong, 29 tuổi, để lại chồng và con đang ở tuổi tiểu học ở Việt Nam. Phuong sang Nhật Bản làm thực tập sinh tại một nhà máy dệt kim ở thành phố Mitsuke.

Ngành này hiện không được đưa vào chương trình tu nghiệp theo luật lao động mới do trước đó có nhiều thực tập sinh của ngành đã bị sai thải vì vi phạm quy định lao động.

Hiện thời, Phuong mong muốn rằng cô có thể mang gia đình sang và ở lại Nhật Bản nhiều hơn 3 năm. “Cuộc sống ở Nhật Bản khá tiện lợi, không khí sạch sẽ”, Phuong chia sẻ với Reuters.

Theo luật mới, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ có nhiệm vụ giám sát lao động nước ngoài mới trong khi cục Di trú của Bộ Lao động nước này sẽ trở thành cơ quan riêng biệt với quyền hạn lớn hơn vào tháng tới.

Ngày 15/3, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã ban hành quy tắc mới yêu cầu các doanh nghiệp phải trả lương cho lao động nước ngoài ngang với lao động Nhật Bản.

Mặt khác, theo tổ chức Liên minh Tự do Dân sự Nhật Bản Hatate, một số công ty tại nước này đã bắt đầu cảnh giác hơn với mối đe dọa có thể bị mất đi các nhà đầu tư nếu bên nhà cung cấp vi phạm quyền lợi người lao động.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản dường như đang đẩy nhanh tốc độ trong việc áp dụng luật mới để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong bối cảnh nền dân số bị già hóa. Thêm vào đó, chính phủ Nhật cũng khẳng định luật lao động mới sẽ không trở thành chính sách nhập cư. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng luật mới dường như mang tính giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tạm thời trong thời điểm hiện tại.

Chính quyền địa phương cũng bày tỏ mối quan ngại với việc có quá ít thời gian để chuẩn bị khi luật mới có hiệu lực quá nhanh có thể sẽ dẫn tới tình trạng người lao động nước ngoài không được hỗ trợ đầy đủ.

“Nếu thiếu một khung thích hợp để tiếp nhận lao động nước ngoài mà chỉ coi họ là để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước thì chắc chắn sẽ có vấn đề lớn xảy ra”, Thống đốc tỉnh Kanagawa Cameron Yuji Kuroiwa, nhận định.

Ông Takashi Takayama, người từng chứng kiến cảnh lao động nước ngoài bị cho nghỉ việc hàng loạt và gửi về nước sau khủng hoảng tài chính năm 2008, quan ngại một viễn cảnh tương tự có thể xảy ra sau khi nhu cầu về lao động tụt giảm hậu Thế vận hội năm 2020 ở Tokyo.

Đức Hoàng

Theo Reuters