Băng nhóm tội phạm "Nữ hoàng móc túi" sa lưới
Tờ Telegraph (Anh) mới đây đưa tin, 17 người, trong đó có cả phụ nữ bị bắt giữ vì bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ móc túi tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Paris như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, cung điện Versailles.
Một nhân viên bảo vệ cũng bị bắt giữ vì nhận hối lộ, "nhắm mắt làm ngơ" để tội phạm hoạt động.
Tội phạm móc túi "siêu cao thủ"
Hai trong số người bị bắt giữ có tên là Mariana Gandac, 25 tuổi và Sandra Baciu, 35 tuổi. Cả hai được cho là thành viên của băng nhóm mệnh danh là "Nữ hoàng trộm cắp". Hai đối tượng này bị cáo buộc điều hành băng nhóm, thực hiện những vụ trộm cắp và "bỏ túi" hàng trăm ngàn bảng Anh tiền mặt, tài sản có giá trị mỗi năm.
Địa bàn hoạt động của nhóm tội phạm này rộng khắp tại các điểm tham quan như bảo tàng Louvre, tháp Eiffel, cung điện Versailles và trên các phương tiện di chuyển công cộng như xe bus hay tàu điện ngầm. Đối tượng nhắm đến của tội phạm móc túi là du khách nước ngoài, nhất là khách du lịch Anh, Nga và Trung Quốc. Mariana Gandac và Sandra Baciu khai nhận, hai người gặp nhau trong một lần cùng trộm cắp túi xách năm 1994. Cảnh sát cho biết, Mariana Gandac và Sandra Baciu sống với nhau, cùng sở hữu một số tài sản.
Tội phạm móc túi khiến giới chức Pháp đau đầu.
Cảnh sát Pháp cho biết, những "siêu cao thủ móc túi" phần lớn là người Roma Gypsies. Chúng thường mặc quần soóc và mang máy ảnh giả vờ là khách du lịch, trà trộn vào đám đông để trộm cắp tiền bạc và vật có giá trị. Các thành viên băng đảng thậm chí còn giả vờ hỗn chiến với nhau để gây sự hỗn loạn trước khi tiến hành trộm đồ của khách.
Tội phạm thường hoạt động theo nhóm ba người. Trong đó, một tên thực hiện hành vi ăn cắp, một tên gây chú ý, đánh lạc hướng nạn nhân và tên còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới. Nếu bị phát hiện, những tên tội phạm sẽ tìm cách gây rối, tạo không khí hỗn loạn và tìm cách trốn thoát. Cảnh sát Pháp cho biết thêm, một trong những đối tượng bị cáo buộc trộm cắp còn đưa hình ảnh con gái đang chơi với đồ chơi đánh cắp lên facebook cá nhân, kèm theo ghi chú "vật phẩm đánh cắp có trị giá 350 bảng Anh".
Cảnh sát đưa ra bằng chứng cáo buộc hành vi phạm tội của băng nhóm "Nữ hoàng trộm cắp". Bằng chứng rất đáng chú ý là bản ghi âm bí mật những cuộc điện thoại, vé máy bay và hóa đơn khách sạn. Trong đoạn băng ghi âm, một tên tội phạm đã nói "ghét ngày lễ" vì vào những ngày này, quá nhiều người dân Paris đến thăm bảo tàng và người dân Paris không phải "tầm ngắm" của các băng đảng. Bằng chứng cho thấy, nhiều đối tượng di chuyển thường xuyên giữa Rumani và Pháp. Một số đối tượng được cho là đã di chuyển tổng cộng 414 lần, chuyển 500.000 bảng Anh đến Rumani từ giữa năm 2005 đến 2013.
Phần lớn tiền mặt được sử dụng để mua bất động sản ở Rumani, trong khi những đối tượng trộm cắp tiếp tục sống ở vùng ngoại ô Paris. Theo nhận định của cảnh sát thì tội phạm móc túi chủ yếu có nguồn gốc từ Rumani và có sự tổ chức, phân công trách nhiệm rất chặt chẽ giữa các thành viên. Được biết, đây là nhóm tội phạm móc túi người Rumani thứ hai bị bắt giữ ở Paris. Băng nhóm tội phạm này đã bị kết án vào tháng 5 vừa qua.
Nhân viên bảo vệ làm ngơ
Theo Tờ DailyMail (Anh), một nhân viên bảo vệ ở Paris đã được trả tiền để "làm ngơ" cho tội phạm hoạt động. Người đàn ông này từng làm việc tại cung điện Versailles, bị cáo buộc là một phần của băng nhóm tội phạm. Sophie Hagege, luật sư bào chữa cho nhân viên bảo vệ cho biết, khách hàng của ông đã bị băng nhóm tội phạm đe dọa sẽ giết chết nếu không chịu hợp tác, "tạo điều kiện" cho tội phạm hoạt động. Nhân viên bảo vệ thừa nhận đã nhận 7.300 bảng Anh từ các băng đảng để bảo kê cho chúng. Người đàn ông này cũng cho biết, ông buộc phải "cộng tác" với tội phạm vì bị đe dọa đến tính mạng bản thân và gia đình.
Tội phạm móc túi khách du lịch từ lâu đã là vấn đề khiến giới chức Pháp đau đầu. Mới đây, nhân viên làm việc tại tháp Eiffel đã đình công yêu cầu nhà chức trách phải có biện pháp mạnh tay xử lý với loại tội phạm này. Trước đó vào tháng 4/2013, nhân viên bảo tàng Louvre cũng có hành động tương tự.
Theo thống kê của giới chức Pháp, chỉ tính riêng trong tháng 8/2012 đã có 138 vụ trộm cắp được ghi nhận với số tiền và vật có giá trị khoảng 110.000 bảng Anh. Nhiều người cho rằng, dù Chính quyền Pháp đã có những động thái mạnh mẽ, một số đối tượng phạm tội đã phải hầu tòa nhưng đó mới là "phần nổi của tảng băng chìm". Ở nhiều điểm du lịch hút khách giữa thủ đô Paris tráng lệ, người ta vẫn nhìn thấy tội phạm móc túi, ăn xin hoạt động trên đường phố.
Theo Khôi Nguyên (tổng hợp)
Cảnh sát Toàn cầu