Bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ do lo ngại chính phủ vỡ nợ
(Dân trí) - Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua hai phiên giảm mạnh liên tiếp do giới đầu tư lo ngại nguy cơ chính phủ vỡ nợ vào cuối tháng này cũng như lo ngại ngân hàng trung ương sẽ sớm nâng lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/2, chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1.175 điểm, hay giảm 4,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 3,8% và Nasdaq giảm 3,7%.
Đây là phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm của tháng 1. Chỉ tính riêng tuần trước, đà bán tháo đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi khoảng 1.000 tỷ USD.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đà bán tháo này là do nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế sau quyết định cắt giảm thuế của chính quyền, hay nền kinh tế đã ở tình trạng toàn dụng lao động sẽ khiến ngân hàng trung ương (FED) sớm nâng lãi suất.
Một mối lo ngại khác của nhà đầu tư chứng khoán đó là việc nợ công của chính phủ Mỹ sắp chạm trần. Tuy nhiên, đến ngày 5/2 vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy chính phủ Mỹ sẽ nâng trần nợ công để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Trước những lo ngại này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng: "Tổng thống chỉ tập trung vào các nền tảng kinh tế dài hạn... Quyết định cải cách thuế của Tổng thống sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế Mỹ, gia tăng sự thịnh vượng của người Mỹ. Chúng tôi luôn lo ngại mỗi khi giá trị của thị trường chứng khoán giảm, nhưng chúng tôi cũng tin vào các nền tảng kinh tế”.
Minh Phương
Theo BBC