Bản đồ hàng không châu Âu "rung chuyển" sau vụ Belarus chặn đầu máy bay
(Dân trí) - Vụ việc Belarus ép một máy bay dân sự nước ngoài hạ cánh không chỉ đẩy quan hệ giữa Minsk với các quốc gia châu Âu đến bờ vực thẳm, mà còn làm thay đổi lớn bản đồ hàng không ở châu lục này.
Trong tuần qua, kể từ sau vụ Belarus buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Litva) phải chuyển hướng đến Minsk và hạ cánh khẩn cấp ở đây trước khi bắt giữ nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich, việc đi lại bằng đường hàng không ở châu Âu đã thay đổi.
Ba ngày sau vụ việc, các hãng hàng không châu Âu chính thức ngừng bay qua không phận Belarus. Chỉ thị, do Cơ quan An toàn Hàng không của Liên minh Châu Âu (EASA) ban hành, kêu gọi tất cả các hãng hàng không của 27 quốc gia thành viên tránh không phận Belarus và cho phép thực hiện lệnh cấm các hãng hàng không của Belarus hoạt động trên không phận và tại các sân bay trong liên minh.
Thậm chí, EU còn cảnh báo, tất cả các hãng hàng không khác cũng nên làm như vậy, dù đặt trụ sở ở đâu.
Chỉ thị được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo đóng cửa không phận đối với các máy bay từ Belarus, kêu gọi các hãng hàng không EU không bay qua quốc gia này sau "hành vi quá đáng" của Minsk.
Tuy nhiên, không chỉ là EU, các hãng hàng không lớn khác bao gồm Singapore Airlines cũng đã tuyên bố sẽ bỏ qua không phận Belarus.
CNN nhận định, bản đồ hàng không EU còn thêm rối với sức ép từ Nga - đồng minh của Belarus. Ngày 27/5, Nga đã từ chối chấp thuận cho 2 hãng hàng không châu Âu là Air France và Austrian Airlines bay tới thủ đô Moscow sau khi các hãng này muốn bay vòng để tránh không phận của Belarus. Phải mất vài ngày sau, hai hãng này mới được cấp phép.
Theo các chuyên gia hàng không, những vụ việc này đủ sức làm rung chuyển bản đồ hàng không của châu Âu, và thậm chí sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ bên ngoài lục địa già - đặc biệt nếu tình hình leo thang hơn nữa.
Nếu điều đó xảy ra, thời gian bay sẽ tăng lên, giá vé cũng tăng và thậm chí các chuyến bay thẳng, đường dài cần phải dừng để tiếp nhiên liệu. Tất nhiên, đó là kịch bản xấu nhất. Nguy cơ cũng hiện hữu trong bối cảnh ngành hàng không đang nỗ lực vực dậy sau 15 tháng thảm hại vì đại dịch. Hiện ngành du lịch châu Âu sẵn sàng chuẩn bị cho mùa hè bận rộn.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành, các hạn chế đi lại liên tục thay đổi và hành khách vẫn lo ngại về đại dịch, vụ việc ở Belarus sẽ như giáng đòn "chí mạng" vào ngành hành không châu Âu.
"Vụ việc này sẽ khiến hành khách cảm thấy do dự trong khi họ đã quá lo ngại vì Covid-19", Paul Charles, cựu Giám đốc của Virgin Atlantic, hiện là chuyên gia tư vấn về khủng hoảng cho các hãng hàng không, nhận định. Theo ông, "nó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng - đặc biệt là nếu bạn đang bay ở khu vực gần Belarus".
Một chuyên gia giấu tên trong ngành hàng không cũng cho rằng, vụ việc ở Belarus, mà một số quốc gia mô tả là "không tặc", chắc chắn sẽ vẽ lại bản đồ hàng không của châu Âu.
Trên thực tế, sau sự cố chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines vô tình bị bắn hạ khi bay qua Ukraine năm 2014, không phận Ukraine được xem là nguy cơ và các hãng hàng không tránh bay qua đây. Vì vậy, Belarus đã đón nhận lưu lượng hàng không đáng kể qua không phận của mình. Kịch bản tương tự lặp lại khi giờ đây các hãng hàng không giờ đây cũng sẽ né không phận Belarus. Và có thể sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể lên đến cả thập niên, mới có thể giải quyết được bài toán này.
Vấn đề trước mắt là thiệt hại kinh tế. Chuyển hướng vòng quanh một quốc gia khác tức là sẽ phải bay nhiều giờ hơn, nhiên liệu bị đốt cháy nhiều hơn, phải dừng để tiếp nhiên liệu và chi phí vận hành cao hơn, bao gồm cần có cả phi hành đoàn hỗ trợ nếu thời gian bay dài... Chẳng hạn như mới đây sau sự cố ở Belarus, chuyến bay của British Airways đi từ London Heathrow (Anh) đến Islamabad (Pakistan) đã phải chuyển hướng đến Moscow (Nga) để tiếp nhiên liệu để tránh không phận Belarus.
Mối lo lớn hơn nữa là kịch bản Nga cũng cấm một số hãng bay qua không phận. "Nếu điều đó xảy ra, đó thật sự sẽ là một thách thức mới", chuyên gia giấu tên cho biết. Theo chuyên gia này, các hãng hàng không sẽ phải đi rất xa về phía cực bắc hoặc đi xuống các quốc gia vùng Vịnh, nhưng hầu hết các hãng hàng không châu Âu sẽ tránh bay qua Iraq và Iran. Vì vậy, họ có thể sẽ đi qua Ai Cập, Ả Rập Xê Út và trên khắp Ấn Độ.
Chuyên gia này nhấn mạnh, rõ ràng nếu cuộc "khủng hoảng không phận" này kéo dài, đó thật sự là một thảm họa cho ngành hàng không.