1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bài trắc nghiệm nghìn đô của Obama: Qua hay không qua?

(Dân trí) - Cuộc bỏ phiếu về gói kích thích kinh tế khổng lồ ở Thượng viện sẽ là bài trắc nghiệm về uy thế của tân Tổng thống Mỹ Obama. Đây sẽ là thắng lợi vang dội đầu tiên của ông, cũng không loại trừ là bước hụt thứ nhất.

Bài trắc nghiệm nghìn đô của Obama: Qua hay không qua?  - 1

Các thượng nghị sĩ thông báo với báo giới về thoả hiệp mới đạt được.

Có điều chắc chắn là dù được Thượng viện thông qua hay không, nỗi lo của ông cũng không hề giảm bớt.

 

Dấu hiệu thắng lợi đầu tiên ở Thượng viện

 

Các thượng nghị sĩ Mỹ vừa khẳng định họ có đủ phiếu để kế hoạch qui mô lớn nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ đang suy sụp được Thượng viện thông qua. Dấu hiệu này giúp ông Obama tạm có thể thở phào lần thứ hai, sau lần thứ nhất là thắng lợi tại Hạ viện vào tuần trước. 

 

Theo tin từ Thượng viện Mỹ, phe Dân chủ chiếm đa số cùng với vài thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa hiệp về kế hoạch kích thích kinh tế hàng trăm tỉ USD của ông Obama. Trong các cuộc thương lượng, các thượng nghị sĩ đã giảm phí tổn của kế hoạch này từ 937 tỉ USD xuống còn 780 tỉ USD.

 

Thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry nói với hãng Reuters rằng kế hoạch 780 tỉ đôla bao gồm 42% liên quan tới cắt giảm thuế và 58% là khoản chi tiêu mới của chính phủ. Theo các nhà làm luật, những thay đổi này đã giành được sự ủng hộ của một số nhỏ các thượng nghị sĩ Cộng hòa để dự luật có thể được chấp thuận.

 

Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số trong Thượng viện Harry Reid nói Thượng viện có thể biểu quyết về kế hoạch này vào ngày 10/2 tới. 

 

Kế hoạch nói trên, theo Tổng thống Obama, là nhằm tạo ra hoặc cứu nguy cho ba đến bốn triệu công ăn việc làm. Dự án này sẽ đầu tư ưu tiên vào các lãnh vực năng lượng sạch, giáo dục y tế và hạ tầng cơ sở. 

 

Điều kiện cần và đủ

 

Tổng thống Barack Obama đã tán dương việc đôi bên hợp tác với nhau. Ông kêu gọi nhanh chóng thực thi kế hoạch này để ngăn không cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành một thảm họa cho đất nước.

 

Tuy nhiên, thách thức trước mắt với ông Obama là các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn chỉ trích thoả hiệp vừa đạt được. Nhiều người thuộc phe Cộng hòa than phiền rằng dự luật trước đây có quá nhiều những khoản chi tiêu mà không có đủ những khoản cắt giảm thuế khóa. 

 

Hiện trong Thượng viện có 56 ghế của Dân chủ và 2 thượng nghị sĩ độc lập luôn ủng hộ phe Dân chủ. Phía Cộng hoà có 41 ghế. Nhưng Dân chủ cần phải thuyết phục hai người của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm đạt được con số 60 thượng nghị sĩ ủng hộ. 

  

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Max Baucus chắc rằng ít nhất ba tới bốn thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật. 

 

Nếu được thông qua…

 

Tổng thống Obama đã từng cảnh báo “đã đến lúc phải hành động” và bất cứ một thất bại nào ở Thượng Viện lúc này cũng sẽ “nhấn chìm đất nước vào một cơn suy thoái lâu dài, thậm chí không thể gượng dậy nổi”. Nhưng kể cả khi kế hoạch giải cứu của ông được Thượng viện Thông qua, ông sẽ tiếp tục phả lo: lấy tiền đâu để thực hiện. 

 

Rất nhiều quan chức cũng như chuyên gia trong và ngoài nước Mỹ đang lo ngại khả năng Mỹ đi vay tiền để phục hồi kinh tế sẽ đẩy lạm phát và tỉ lệ lãi suất trên toàn thế giới tăng cao. Theo các chuyên gia, nếu các gói kích thích của Washington được thông qua, Mỹ sẽ nợ thêm 2.200 tỉ USD trong năm nay, và con số này không thể không gây ảnh hưởng đến lãi suất và lạm phát về lâu dài. Món nợ mới cũng cực kỳ nguy hiểm, vì gốc rễ của khủng hoảng Mỹ xuất phát từ các khoản nợ quá mức ở mọi cấp độ, từ người vay tiền mua nhà đến các ngân hàng Phố Wall. 

 

Trên đây là lý do khiến nhiều ý kiến đề nghị Nhà Trắng nhanh chóng công khai phương thức trả tiền cho các gói kích thích. 

 

Một nghi vấn nữa, là liệu kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ này có đủ lực hay không, khi suy thoái kinh tế đã khiến hơn 1,6 triệu người Mỹ mất việc làm chỉ trong 3 tháng cuối năm 2008 trong khi đầu ra của kinh tế trong những tháng đó giảm 6% so với cùng kỳ năm 2007. Hiện ở Washington đã có nhiều chính trị gia lên tiếng đề nghị tăng thêm số tiền giải cứu. 

 

Còn nữa, kể cả khi chính quyền Obama có thể chi đủ tiền để tạo ra một tác động thật sự thì phải mất ít nhất hơn một năm, tác động đó mới phát huy hiệu quả. 

 

Tuy vậy, ông Obama cũng còn chút lợi thế, khi các khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Mỹ tin tưởng vào các kế hoạch kinh tế của ông và đã chuẩn bị tinh thần chờ đợi ít nhất hai năm trước khi nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng. 

Nguyễn Viết

Tổng hợp