1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vận động thay đổi hiến pháp Nhật

Bài toán khó giải

Ngày 14/5 Hạ viện Nhật đã thông qua Luật trưng cầu ý dân xem lại hiến pháp hòa bình của nước này, sự kiện được đánh giá là mở đường cho việc xuất hiện một cường quốc quân sự mới trên thế giới.

Hiến pháp hiện nay của Nhật được thông qua tháng 2/1946. Nó do chính quyền Mỹ chiếm đóng thảo ra chỉ trong một tuần lễ. Điều 9 của bản hiến pháp tuyên bố Nhật “tự nguyện” từ bỏ việc dùng phương tiện chiến tranh và đe dọa bằng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh cãi. Điều 9 này cũng cấm Nhật có các “phương tiện chiến tranh”, kể cả quân đội. Cũng vì điều khoản này mà liên minh của Nhật với Mỹ chỉ có tính đơn phương: Mỹ có nghĩa vụ phải hỗ trợ đồng minh Nhật trong trường hợp có những tình huống khẩn cấp; Nhật thậm chí không có quyền bắn hạ các tên lửa thù địch bay ngang trên lãnh thổ mình nhắm vào Mỹ.

 

Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật từ giữa thế kỷ trước đã luôn kêu gọi phải xem lại bản hiến pháp này. Tuy nhiên, chỉ có đương kim Thủ tướng Shinzo Abe - nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật sinh ra sau Thế chiến thứ hai - coi đây là một trong những mục tiêu chính trị chính của mình. Ông luôn yêu cầu phải chấm dứt “thời kỳ hậu chiến” ở Nhật để trả lại cho nước này tất cả những đặc điểm của một “quốc gia bình thường”.

 

Tokyo cho rằng việc thành lập một lực lượng vũ trang đầy đủ sẽ là một công cụ đúng đắn nâng cao vai trò chính trị Nhật trên thế giới, một vai trò hiện nay vẫn chưa tương xứng với tầm vóc kinh tế của Nhật. Ngoài ra, không phải người Nhật nào cũng tin rằng Mỹ sẽ vì đồng minh của mình mà nhảy vào một cuộc chiến tranh, với Trung Quốc hùng mạnh chẳng hạn, trong trường hợp xuất hiện xung đột ở khu vực Viễn Đông.

 

Cuộc vận động chống lại điều 9 được tiến hành từng bước: tháng 1/2007 Bộ Quốc phòng Nhật ra đời. Tháng 4/2007, trước khi công du Mỹ, ông Abe chỉ đạo một ủy ban để diễn giải điều khoản “tự phòng vệ” thành “tự phòng vệ tập thể”, cho phép sử dụng vũ lực để “chống trả một cuộc tấn công vào đồng minh”.

 

Tuy nhiên, quá trình xem lại bản hiến pháp không đơn giản. Đầu tiên, quyết định phải được 2/3 quốc hội thông qua. (Đảng Dân chủ tự do cầm quyền liên minh với một đảng nhỏ hơn đảm bảo được đa số này trong hạ viện nên đã thông qua được dự luật. Riêng thành phần thượng viện sẽ được xác định lại trong cuộc bầu cử tháng bảy tới).

 

Sau đó quyết định phải được đưa ra trưng cầu ý dân. Theo cuộc bỏ phiếu ngày 14/5, chỉ quá bán người tham gia trưng cầu đồng ý là quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, phe đối lập đang yêu cầu đặt ra cột mốc người đi bỏ phiếu mà nếu số cử tri tham gia thấp hơn một tỉ lệ họ yêu cầu, kết quả có thể không hiệu lực.

 

Theo một thăm dò của Asahi, 49% người được hỏi muốn để yên điều 9 của hiến pháp và chỉ 33% muốn thay đổi. Tuy nhiên, đảng cầm quyền vẫn còn thời gian cho cuộc vận động của mình: quyết định thông qua hôm 14/5 sẽ chỉ có hiệu lực sau ba năm nữa. Ông Kim Hi Đức, nhà nghiên cứu của Viện Nhật học tại Trung Quốc, bình luận: “Với tham vọng xem lại bản hiến pháp của ông Abe, đây là bước cụ thể đầu tiên, là một đột phá, nhưng  nó không thể bảo đảm cho việc sửa đổi (hiến pháp)”. Tuy nhiên, ông Abe tin tưởng: “Đạo luật chỉ có hiệu lực sau ba năm nữa, và từ đây đến đó vẫn còn thời gian cho việc thảo luận rộng rãi và sâu sắc trong không khí điềm tĩnh”.

 

Theo Ng.Thanh

Tuổi trẻ/China Daily, AFP