1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài toán khó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp mặt thân mật tại Bắc Kinh mới đây, đánh dấu mối quan hệ Trung - Nga bền chặt nhất trong 7 thập niên.

Bài toán khó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine - 1

Trung Quốc có mối quan hệ mạnh mẽ với Nga nhưng cũng là đối tác thương mại lớn của Ukraine (Ảnh: AP).

Nhưng ở biên giới Nga - Ukraine, hơn 100.000 quân Nga vẫn đang hiện diện khiến phương Tây lo xảy ra chiến tranh mà một số người cho là cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất của châu Âu trong nhiều thập niên.

"Mắc kẹt" trong cuộc khủng hoảng này là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là khách hàng mua khí tài quân sự lớn của Ukraine. Cho đến nay, Bắc Kinh đã cố gắng duy trì đường lối ngoại giao tốt đẹp giữa Nga và Ukraine, công khai kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại và chủ yếu chỉ trích Mỹ.

Tuy nhiên, nhận thức về Trung Quốc đang thay đổi trong mắt một số người Ukraine và điều đó được xem là nguy cơ đối với Bắc Kinh, các nhà quan sát ở Kiev nhận định.

Bắc Kinh và Kiev thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ và trong nhiều thập kỷ, hai nước đã xây dựng mối quan hệ kinh tế bền chặt.

Nằm trên bờ phía bắc của Biển Đen, Ukraine là hành lang thương mại quan trọng giữa châu Âu, châu Á và Trung Đông, trở thành trung tâm cho sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc, chương trình đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh.

Năm 2013, Ukraine bắt đầu bán ngô cho Trung Quốc và đến năm 2019, nước này là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm hơn 80% lượng ngô nhập khẩu của Bắc Kinh. Cũng trong năm 2019, Trung Quốc vượt Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và vào năm 2020, một tuyến tàu chở hàng giữa Trung Quốc và Ukraine đã khai trương.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã vào tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine Fan Xianrong cho biết, các công ty Trung Quốc "bày tỏ sự sẵn sàng ngày càng tăng" trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, xây dựng cảng biển, sản xuất phụ tùng xe hơi và sản xuất vaccine ở Ukraine.

Ngoài ra, Trung Quốc là khách hàng lớn mua công nghệ quân sự từ Ukraine, quốc gia được thừa hưởng năng lực sản xuất vũ khí đáng kể từ Liên Xô cũ.

Ukraine đã xuất khẩu động cơ phản lực cánh quạt dành cho máy bay, động cơ diesel cho xe tăng, tuabin khí cho tàu khu trục và tên lửa không đối không cho tiêm kích J-11. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc sử dụng các động cơ của Ukraine cho các tàu khu trục, theo báo cáo năm 2014 của Trung tâm Wilson.

Năm 1998, một doanh nhân Trung Quốc mua một vỏ tàu sân bay từ thời Liên Xô nhưng chưa hoàn thiện, sau này trở thành tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động vào năm 2012.

Hai nước cũng duy trì quan hệ chính trị ổn định. Hai cựu Chủ tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều đã thăm Ukraine trong 30 năm qua. Năm 2011, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Kiev, ông Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lúc đó đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Tổng thống Yanukovych khi đó cho biết hai bên đã ký kết các thỏa thuận về năng lượng, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp trị giá 3,5 tỷ USD.

Vào tháng 12/2013, Tổng thống Yanukovych tạm gác lại những hỗn loạn trong nước để tới Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình. Khi những người biểu tình ủng hộ châu Âu kéo xuống đường phố ở Kiev để phản đối việc ông Yanukovych từ chối ký thỏa thuận tự do thương mại và hợp tác chính trị với EU, Trung Quốc và Ukraine cam kết "ủng hộ nhau trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ". Những động thái này làm sâu sắc quan hệ "đối tác chiến lược".

Trong chuyến thăm, Trung Quốc cũng đưa ra một "đảm bảo an ninh hạt nhân" cho Ukraine, quốc gia được thừa hưởng 3.000 vũ khí hạt nhân từ Liên Xô nhưng đã đồng ý tiêu hủy vào năm 1994.

Hai tháng sau, ông Yanukovych mãn nhiệm và một chính phủ thân phương Tây lên thay thế. Tuy nhiên, trong một động thái gây ngạc nhiên, Bắc Kinh và Kiev đã ký một thỏa thuận trong năm 2021 để thúc đẩy hợp tác về hạ tầng, bao gồm đường xá, cầu và đường sắt. Sau đó là cuộc khủng hoảng biên giới Ukraine nổ ra, với việc ông Putin yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine và Mỹ đe dọa trừng phạt nếu Nga động binh.

Thế khó của Trung Quốc

Trong suốt cuộc khủng hoảng lần này, Bắc Kinh liên tục kêu gọi Moscow và Kiev đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào đầu tuần trước, Trung Quốc và Nga đã phản đối Hội đồng Bảo an tổ chức một phiên họp thảo thuận về vấn đề này.

Ông Sergiy Gerasymchuk, Phó giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu an ninh Ukraine Prism có trụ sở tại Kiev, nói rằng khi căng thẳng Ukraine - Nga gia tăng, đã có "một vài yếu tố khác nhau" trong nhận thức về Trung Quốc của nhiều người ở Ukraine.

Trung Quốc thường được coi là một quốc gia kinh tế lớn mạnh và là đối tác quan trọng không gây đe dọa trực tiếp nào đối với Ukraine, nhưng việc Bắc Kinh bỏ phiếu cùng với Nga "bị hiểu một cách tiêu cực, ngay cả khi quyết định như vậy được thúc đẩy bởi các lợi ích của Trung Quốc mà không liên quan gì đến Ukraine", ông Gerasymchuk nhận định.

"Giữ trung lập về địa chính trị, không ủng hộ Nga trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc và tiếp tục là một đối tác thương mại của Ukraine là một cách tiếp cận công bằng và được Kiev hoan nghênh", ông Gerasymchuk nói thêm.

Yurii Poita, người đứng đầu bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức nghiên cứu địa chính trị Mới có trụ sở tại Kiev, nói rằng dù giới lãnh đạo chính trị Ukraine không bình luận công khai về các quyết định như vậy và đang "cố gắng duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc", các học giả Ukraine vẫn coi Trung Quốc là "thân Nga".

Chuyên gia này cho biết Moscow và Bắc Kinh đang thể hiện tình đoàn kết trong bối cảnh phương Tây chịu áp lực chung, nhưng Trung Quốc cũng đối mặt với một số rủi ro. Ông nói: "Nga sẽ tiếp tục tận dụng điều này, cố gắng lôi kéo Trung Quốc trong cuộc đối đầu với phương Tây".

Tuy nhiên, Yang Cheng, Chủ tịch điều hành của Học viện Quản trị Toàn cầu và Nghiên cứu Khu vực tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng Nga và Ukraine đều có "giá trị riêng" đối với Trung Quốc và việc lựa chọn giữa hai bên không phải là vấn đề quá khó.

Chuyên gia Yang cho hay Trung Quốc không rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc lựa chọn bên này hay bên kia và không cần phải tìm ra sự cân bằng giữa hai quốc gia. "Trung Quốc hy vọng rằng tình hình ở Ukraine có thể được xoa dịu hoặc thậm chí cuối cùng được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và các thế lực bên ngoài sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên".