1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bài học sau cuộc đụng độ Ấn Độ - Pakistan

Người dân Nam Á đối mặt bước ngoặt hết sức đáng ngại: Sống trong một khu vực mà hai nước đối địch - đều sở hữu vũ khí hạt nhân - đã cho máy bay ném bom lãnh thổ của nhau

Cuộc đối đầu hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan e rằng chưa thể trôi qua hoàn toàn. Tuy nhiên, lẽ ra vụ việc đã có thể được ngăn chặn ngay từ đầu. Khơi mào khủng hoảng lần này là vụ tấn công nhằm vào lực lượng bán quân sự của Ấn Độ, khiến 40 binh sĩ thiệt mạng. 

Nhận trách nhiệm là Jaish-e-Mohammed, nhóm khủng bố đóng tại Pakistan và lớn mạnh nhờ vào sự dung túng của quân đội nước này. Tuy nhiên, vụ tấn công cần một kế hoạch tinh vi và hàng trăm kg thuốc nổ. Chính vì vậy, không ngăn chặn được nó chứng tỏ tình báo Ấn Độ đã thất bại.

Sau vụ tấn công, giữa một số phương án trả đũa sẵn có, chính phủ Ấn Độ lại đưa ra lựa chọn đặc biệt rủi ro: Ra lệnh không kích nhằm vào một mục tiêu bên trong lãnh thổ Pakistan. Dù chính phía Ấn Độ tuyên bố không kích thất bại nhưng Pakistan không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả. Các máy bay chiến đấu nơi tiền tuyến của Pakistan đọ sức với chiến đấu cơ Ấn Độ, trong đó có cả loại MiG-21 mà nhiều chuyên gia cho là đã quá lỗi thời. 

Trong cuộc không chiến, một máy bay Ấn Độ bị bắn hạ, phi công bị bắt làm tù binh. Dù viên phi công đã được Pakistan trao trả sau đó, giờ đây người dân Nam Á phải sống trong một khu vực mà hai nước đối địch (đều sở hữu vũ khí hạt nhân) đã cho máy bay ném bom lãnh thổ của nhau. Đây là một bước ngoặt hết sức đáng lo ngại!

Pakistan còn đang bận bịu tự tán dương mình trước những diễn biến gần đây. Thái độ này thiếu khôn ngoan và thiếu chín chắn. Thiếu chín chắn bởi chẳng có lý do gì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ hài lòng cho tới khi có một chiến thắng triệt để mà ê-kíp tranh cử của ông đã hứa hẹn trên báo chí với đối tượng cử tri tiềm năng. 

Và thiếu khôn ngoan là bởi dù các cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan chưa từng có tiền lệ song phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Islamabad lại đặc biệt không thân thiện. Ngay cả Trung Quốc - "đồng minh mọi thời tiết" của Pakistan - cũng chỉ kêu gọi "cần tôn trọng chủ quyền". Phát biểu kiểu này có thể xem là nước đôi, tức chỉ trích cả hai bên chứ không riêng gì Ấn Độ.

 

Bài học sau cuộc đụng độ Ấn Độ - Pakistan - 1

Cây cầu nối hai khu vực do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: REUTERS

 

Nền kinh tế Pakistan đang sống nhờ vào hết đợt giải cứu này tới đợt giải cứu khác. Họ phải đồng thời tránh làm mất lòng Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Vậy mà Pakistan thường xuyên rơi vào những tình huống khó xử, trong đó tự họ chọc tức Ấn Độ rồi lại nhờ vả cộng đồng quốc tế - vốn rất lưỡng lự - xoa dịu giùm nước láng giềng đang giận dữ. Trong vài lần như thế gần đây, chính sự dung túng của quân đội Pakistan đối với các nhóm phiến quân là nguyên nhân lớn. Sự việc cứ lặp đi lặp lại như thế mấy chục năm nay.

Bài học cho Ấn Độ cũng khắc nghiệt không kém. Trong đúng ngày phi công Ấn Độ bị bắt làm tù binh, bộ trưởng tài chính nước này tiếc thay lại cường điệu không phải lúc. Theo ông này, Ấn Độ đủ sức không kích vào trung tâm Pakistan, không khác gì cách đặc nhiệm Mỹ đột kích để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

 Tuy nhiên, năng lực của Ấn Độ lúc này còn lâu mới được như thế, bởi đâu phải chỉ có chuyện xông vào mà còn phải đủ khả năng rút lui và đặc biệt là đủ mạnh để không ai dám đụng vào sau đó. Hiện Ấn Độ có được sự ủng hộ về mặt ngoại giao song đó là thành quả của hàng thập kỷ kiềm chế chiến lược. Nếu phiêu lưu một cách thiếu tính toán, cái phao này có thể dễ dàng xì hơi.

Ấn Độ rộng lớn và đang phát triển nhanh đến mức trong hơn 5 năm qua, mức tăng GDP của Ấn Độ nhiều gấp 3 lần mức tăng GDP của Pakistan. Cứ thế, trong khoảng một thập kỷ nữa, Ấn Độ thừa khả năng xử lý những vấn đề kiểu như nhóm Jaish-e-Mohammed. Như người ta hay nói, cách trả thù tốt nhất chính là sống tốt.

Tương tự với Pakistan, nếu muốn giữ được quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định, tốt nhất là họ nên tập trung củng cố nền kinh tế. Họ quá trông đợi vào cứu viện - trước đây là Mỹ, nay là Ả Rập Saudi và Trung Quốc - và xem tiền bơm từ bên ngoài vào là giải pháp bền vững. Hệ quả là tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Pakistan hiện chưa bằng phân nửa Ấn Độ và đã bị Bangladesh qua mặt. Chỉ khi kinh tế vững vàng, Pakistan mới bớt phụ thuộc vào quân đội trong việc duy trì ảnh hưởng.

Như đã nói, cuộc đối đầu hiện nay giữa Ấn Độ và Pakistan hoàn toàn có thể ngăn chặn ngay từ đầu. Việc cần làm sâu xa là Nam Á nên tập trung năng lượng của mình vào tăng trưởng kinh tế thay vì đụng độ và gây sự với nhau. 

Theo Hải Ngọc

Người lao động