1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nước Mỹ:

Bài học không bao giờ cũ từ ngày đen tối nhất trong lịch sử

(Dân trí) - Mười bốn năm đã trôi qua, ngày 11/9/2001 vẫn ám ảnh trong tâm trí người dân Mỹ và toàn thế giới. Vụ khủng bố kinh hoàng đã biến 11/9 đó trở thành ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bài học không bao giờ cũ từ ngày đen tối nhất trong lịch sử - 1

Hình ảnh tòa Tháp Đôi bốc cháy dữ dội trước khi sụp đổ

Hơn một thập kỷ đã trôi qua mà người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi đau vẫn vẹn nguyên trong lòng họ mỗi khi nhớ về sự kiện khủng khiếp này.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9, người dân Mỹ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược và đan xen nhau từ bất ngờ, sửng sốt, đến choáng váng, căm giận và gia tăng tình đoàn kết. Cũng kể từ đó, nước Mỹ được đánh giá là có sự thay đổi lớn, nhất là tư duy về vị thế toàn cầu, đối tượng, đối tác và cách hành xử quốc tế...

Mỗi năm nước Mỹ đều tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9, tuy nhiên, lễ kỷ niệm lần này diễn ra trong sự cảnh giác cao độ hơn.

Theo Cảnh sát trưởng New York, ông Bill Bratton, kể từ ngày 11/9/2001 đến nay thành phố đã triệt phá hơn 20 âm mưu khủng bố và vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công cao hơn. Nguy cơ lớn nhất là từ nhóm khủng bố có biệt danh “sói đơn độc” và những kẻ quá khích ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Giới chức an ninh Mỹ cho biết, cuộc chiến chống khủng bố đang phải dàn trải trên quy mô rộng lớn và khó nhận biết hơn, đồng thời Mỹ cũng phải đối mặt với các đối tượng khủng bố xuất phát từ Trung Đông cùng những phần tử quá khích ngay trong lòng đất nước này.

Có thể có nhiều cách rút ra bài học có ích cho nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, bài học về cảnh giác và ứng xử trước những mất mát, đau thương của nước Mỹ xem ra được quan tâm nhiều nhất.

1/. Người ta không hiểu bằng cách nào mà bọn khủng bố lại chuẩn bị hết sức công phu, từ đào tạo phi công, tổ chức trinh sát, hợp đồng tác chiến, với gần 20 đối tượng ngay trước mắt 16 cơ quan tình báo hàng đầu thế giới của Mỹ như CIA, FBI, NSA, NRO, DIA, DEA, INR…

Các tổ chức tình báo có tới hơn 100.000 nhân viên, với chi phí hàng năm khoảng hơn 40 tỷ USD. Văn phòng Tình báo quốc gia là cơ quan phụ trách, kiểm soát, điều phối hoạt động của 16 cơ quan tình báo này.

Nỗi băn khoăn trên chắc chắn chỉ có người đứng đầu nước Mỹ mới có câu trả lời chính xác.

Gần đây, sau vụ MH-370 của Malaysia mất tích, người ta có thêm bằng chứng để đánh giá phần nào năng lực của nước Mỹ bao gồm cả về tình báo và trình độ công nghệ cao.

Mỹ đã tuyên bố có thể tiêu diệt tên lửa của đối phương khi nó mới rời khỏi bệ phóng theo Chương trình Phòng thủ quốc gia (NMD), nhưng chiếc máy bay MH-370 to gấp mấy chục lần quả tên lửa mà các cơ quan chức năng Mỹ vẫn không phát hiện được nó rơi xuống đâu (?)

2/. Còn về cách ứng xử thì cho đến nay vẫn có quá nhiều lập luận khác nhau, nhưng người ta không thể không nhắc đến các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành từ sau cái ngày định mệnh “đau khổ” 11/9/2001 ấy.

Thống kê chính thức có bao nhiêu tên khủng bố bị tiêu diệt hiện vẫn chưa được công khai, nhưng số người bị chết, bị thương và phải đi lánh nạn của các bên tham chiến đã lên đến hàng triệu.

Về chứng cứ để kết tội các nhà nước được gọi là khủng bố hoặc bảo trợ khủng bố, cho đến nay cũng chưa từng có bản công bố nào được coi là “minh bạch”. Từ Iraq, Afghanistan đến Syria… ngay cả Cuba sau 56 năm bị coi là “bảo trợ khủng bố” nay đã nối lại mối quan hệ, nhưng cũng chưa được “minh oan”.

Giới nghiên cứu từng đặt những câu hỏi rằng:

Vì sao cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động và đi tiên phong lại không nhanh chóng tiêu diệt được tận gốc chủ nghĩa khủng bố?

Vì sao Mỹ và NATO càng đánh thì lực lượng khủng bố lại càng chứng tỏ mạnh lên đến mức nảy sinh tiếp IS, với lực lượng tàn bạo hiện hữu hầu như khắp nơi trên thế giới bao gồm cả châu Âu và Mỹ?

Vì sao Tổng thống Obama đã phải dành cả hai nhiệm kỳ để “sửa sai” của những người tiền nhiệm tại Iraq và Afghanistan, trong khi các nghị sỹ của đảng Cộng Hòa lại coi ông là “nhát gan”…?

Gần đây trong giới nghiên cứu quốc tế, có nhiều người đã đề cập đến việc xem xét lại toàn bộ chính sách của nước Mỹ bao gồm cả quan điểm về chiến lược toàn cầu, chiến lược khu vực và chiến lược dân tộc, tôn giáo…

Tổng thống Obama đã có lý khi ông nói rằng: cục diện hỗn loạn tại Iraq và Afghanistan cũng đem lại những bài học cho nhiều nhà chiến lược Mỹ và từ đó dần nhận ra rằng, áp dụng khuôn mẫu chế độ tự do, dân chủ của phương Tây đối với các nước không cùng lịch sử, văn hóa, tư tưởng và tôn giáo là không thích hợp.

Vì thế, kỷ niệm ngày đau buồn 11/9, nhân dân Mỹ và thế giới không chỉ nhớ về cuộc sống của gần 3.000 con người đã vĩnh viễn mất đi, mà còn suy ngẫm về năng lực trách nhiệm và cách ứng xử của cơ quan công quyền trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày càng bất ổn hiện nay./.

Nguyễn Nhâm

Bài học không bao giờ cũ từ ngày đen tối nhất trong lịch sử - 2