1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bác sĩ Mỹ: Chủ động nhiễm Omicron để miễn dịch là ý tưởng điên rồ

Thành Đạt

(Dân trí) - Một chuyên gia Mỹ cho rằng, việc nhiều người có ý định cố tình nhiễm biến chủng Omicron để đạt miễn dịch với Covid-19 là ý tưởng "điên rồ" vì những hệ lụy nguy hiểm.

Bác sĩ Mỹ: Chủ động nhiễm Omicron để miễn dịch là ý tưởng điên rồ - 1

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Hà Lan (Ảnh: Reuters).

"Vì sao không chủ động nhiễm Omicron rồi khỏi bệnh? Biến chủng này nhẹ mà, đúng không? Và nó có thể tăng miễn dịch nữa?", nhiều người Mỹ đã tiêm vaccine đặt câu hỏi trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, bác sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ cho rằng ý tưởng cố tình nhiễm Omicron là "không thể chấp nhận được".

"Nó lan như cháy rừng", Robert Murphy, giám đốc điều hành Viện Y tế Toàn cầu Havey tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, đồng tình.

"Thật điên rồ nếu cố tìm cách nhiễm Omicron. Điều đó giống như chơi với thuốc nổ", ông Murphy nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để không nên cố tình nhiễm biến chủng Omicron.

Thứ nhất, Omicron không phải "cảm lạnh". Theo chuyên gia Murphy, sốt cao, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết, đau họng và nghẹt mũi thường là những triệu chứng được ghi nhận ở người nhiễm biến chủng Omicron dù chỉ là thể nhẹ, khiến người bệnh suy nhược trong nhiều ngày.

"Nhiều người cho rằng Omicron chỉ giống như một cơn cảm lạnh tồi tệ. Nhưng nó không phải là cảm lạnh, mà là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng", Murphy cảnh báo.

Một nghiên cứu gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố cho thấy, nguy cơ bệnh trở nặng hơn sau khi mắc Covid-19 ở những người đã được tiêm chủng từ 65 tuổi trở lên, những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc những người có ít nhất một trong các bệnh nền như tiểu đường, bệnh thận, tim, phổi, thần kinh hoặc gan mạn tính. Tuy nhiên, ngay cả những người không có bất kỳ bệnh nền nào cũng có thể trở nặng sau khi mắc Covid-19.

"Đúng là nếu bạn nhiễm biến chủng Omicron, trái ngược với biến chủng Delta, bạn sẽ ít có nguy cơ nhập viện hơn, ít có khả năng phải vào phòng điều trị tích cực hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có nguy cơ bệnh nặng. Nó chỉ ít nghiêm trọng hơn, chứ không phải là 0% tử vong", chuyên gia Offit nói.

Thứ hai, Covid-19 có thể để lại di chứng lâu dài. Mất khứu giác, vị giác đã trở thành triệu chứng phổ biến của các ca mắc Covid-19. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 sẽ phục hồi khả năng trong vòng một tháng hoặc lâu hơn, nhưng cũng có những người vẫn không thể ngửi hoặc nếm sau 6 tháng hoặc lâu hơn. Một số người không may mắn có thể không bao giờ lấy lại được 2 giác quan này.

Hội chứng Covid-19 kéo dài gồm hàng loạt triệu chứng suy nhược như khó thở, mệt mỏi, sốt, chóng mặt, tiêu chảy, tim đập nhanh, đau cơ và bụng, thay đổi tâm trạng và khó ngủ. Các di chứng Covid-19 kéo dài nghiêm trọng có thể gây tổn thương phổi, tim và thận, cũng như sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Thứ 3, việc cố tình mắc Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh cho trẻ em. Hiện mới chỉ có hơn một nửa (54%) trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 12-17 được tiêm chủng đầy đủ và chỉ 23% trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm liều đầu tiên. Vì liều vaccine tăng cường mới được CDC phê duyệt cho trẻ dưới 12 tuổi gần đây, nên rất ít trẻ em tại Mỹ được tiêm mũi thứ 3.

Điều đó có nghĩa là bất kỳ hành vi nào dẫn đến nguy cơ lây nhiễm Omicron như không đeo khẩu trang, không tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội hoặc tụ tập với đám đông, đặc biệt là trong nhà, đều có thể khiến người trưởng thành mang virus về nhà và lây nhiễm cho trẻ em.

Dữ liệu từ Viện Nhi khoa Mỹ cho thấy xu hướng gia tăng ca nhiễm ở trẻ em, vượt xa mốc "kỷ lục của các đợt dịch trước đó". Mặc dù trẻ em thường có triệu chứng nhẹ sau khi mắc Covid-19, nhưng biến chủng Omicron lan nhanh khiến số trẻ dưới 18 tuổi nhập viện tăng lên mức kỷ lục.

Thứ 4, việc nhiều người cố tình mắc Covid-19 sẽ gây sức ép cho hệ thống y tế. "Bằng cách cố tình nhiễm bất kỳ biến chủng nào của SARS-CoV-2, bạn sẽ góp phần kéo dài đại dịch và gây sức ép lên hệ thống y tế", chuyên gia Murphy cho biết.

Cuối tuần qua, gần 25% trong số hơn 5.000 bệnh viện đã báo cáo với Bộ Y tế Mỹ về tình trạng "thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng". Con số này lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch.

Tình trạng thiếu nhân lực dự kiến sẽ còn tăng lên do các nhân viên y tế tuyến đầu bị nhiễm bệnh hoặc buộc phải cách ly sau khi tiếp xúc với ca Covid-19. Hiện các phòng điều trị tích cực trên toàn nước Mỹ đã kín chỗ tới 80% số giường, trong đó 30% giường được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Theo abc7.com