1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bạc Hy Lai có thể bị tử hình?

Theo luật sư Trương Tư Chi, người 32 năm trước đây từng tham gia bào chữa cho Giang Thanh, rất có thể Bạc Hy Lai sẽ tự biện hộ cho mình trước toà, tuy rằng sẽ vẫn bị kết tội.

Còn theo giới chuyên gia luật, Bạc Hy Lai có thể phải nhận án tù chung thân, thậm chí là tử hình.
 
Bạc Hy Thành - em trai ông Bạc Hy Lai.

Bạc Hy Thành - em trai ông Bạc Hy Lai.

Phiên tòa lịch sử thứ 2

Luật sư lão thành 85 tuổi Trương Tư Chi, người 32 năm trước đây từng tham gia bào chữa cho Giang Thanh trong vụ án xét xử “Tập đoàn phản cách mạng Bè lũ 4 tên”, cho rằng: Bạc Hy Lai sẽ không bỏ qua cơ hội tự biện hộ cho mình trước toà, tuy rằng sẽ vẫn bị kết tội.

Ông Trương nói: “Theo sự hiểu biết của tôi về con người Bạc Hy Lai, ông ấy sẽ lợi dụng mọi cơ hội để tự biện hộ, nhưng chắc chắn ông ấy vẫn sẽ bị tuyên xử có tội”.

Trước những đồn đoán bà Cốc Khai Lai có thể sẽ tự tử trong tù như Giang Thanh, ông Trương bác bỏ khả năng này và cho rằng, việc bà Giang Thanh uống thuốc độc tự tử năm 1991 là một hành động chính trị.

Ngày 1-11, Hội nghị Trung ương 7 khoá 17 đã khai mạc ở Bắc Kinh. Hội nghị sẽ xác nhận việc khai trừ đảng tịch Bạc Hy Lai.

Trong danh sách các uỷ viên trung ương khoá 17 đăng trên website của Đảng CSTQ tối 30-10, tên của Bạc Hy Lai đã bị xoá. Điều này cho thấy vận mệnh chính trị của Bạc Hy Lai đã chấm dứt.

Theo hãng tin Đa chiều, trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao, nhiều người tỏ thái độ kiên quyết “tội đáng thế nào thì xử thế nấy”, ủng hộ việc nghiêm trị Bạc Hy Lai, thậm chí tử hình ông ta.

Theo phân tích của giới chuyên gia luật trên trang web của hãng tin Đa chiều, việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt đầu tiến trình điều tra vụ án Bạc Hy Lai cho thấy ông sẽ bị xét xử bởi Toà án nhân dân tối cao theo kiểu “2 trong 1” tức là sơ thẩm cũng là chung thẩm, giống như vụ xét xử “Bè lũ 4 tên” 32 năm trước và khác hẳn các phiên toà xét xử các cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng, Trần Lương Vũ trước đây; mức án Bạc Hy Lai phải nhận có thể là tù chung thân, thậm chí tử hình.

Ngày 26-10, Tân Hoa xã thông báo: “Do Bạc Hy Lai phạm tội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thẩm tra đã quyết định tiến hành lập hồ sơ điều tra vụ án và áp dụng biện pháp cưỡng chế ông ta; công tác điều tra vụ án đang được tiến hành theo pháp luật”.

Tuy thông tin vắn tắt này không gây nên sự quan tâm quá nhiều của dư luận như những thông tin về Bạc Hy Lai trước đó, nhưng giới am hiểu Trung Quốc lại cho rằng: điều đó có nghĩa là: Bạc Hy Lai sẽ bị Viện KSND tối cao khởi tố và theo quy định của Luật tố tụng hình sự Trung Quốc, Viện kiểm sát phê chuẩn bắt giam (áp dụng biện pháp cưỡng chế) và khởi tố phải đồng cấp với toà án xét xử.

Có nghĩa là, Bạc Hy Lai sẽ bị xét xử bởi Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc. Nếu thực tế diễn ra đúng như thế, đây sẽ là vụ án thứ hai do Toà án nhân dân tối cao xét xử kiểu “2 trong 1” trong lịch sử nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Cùng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng tính chất các vụ án Trần Hy Đồng, Trần Lương Vũ trước đây tương đối đơn giản, chỉ liên quan đến vấn đề tham nhũng, còn Bạc Hy Lai lại liên quan đến những vấn đề sâu xa hơn…

Theo một bản thông báo nội bộ, vấn đề của Bạc Hy Lai không còn là giải quyết vấn đề bất đồng trong nội bộ đảng, cũng không chỉ là vấn đề tha hoá hủ bại, mà là vụ án hình sự lớn, nghiêm trọng, liên quan đến “đảng kỷ, quốc pháp”.

Trong bản thông báo có tên “Trung ương Đảng CSTQ quyết định xử lý khai trừ đảng và mọi chức vụ công đối với Bạc Hy Lai”, đã liệt kê các tội lớn: lạm quyền, nhận hối lộ, mưu lợi cho người khác, sinh hoạt tha hoá, dùng người không sát; nhưng cuối cùng lại thêm đoạn “trong khi điều tra còn phát hiện manh mối phạm các tội khác của Bạc Hy Lai” đã gây nên những đồn đoán về những tội khác: có thể là cưỡng hiếp, tham nhũng, chà đạp pháp luật, tiết lộ bí mật quốc gia, âm mưu lật đổ hay liên quan đến việc giết người, nếu là tội giết người, ông ta phải đối mặt với mức án cao nhất dành cho tội này theo pháp luật Trung Quốc là “tử hình”.

Trong lịch sử Đảng CSTQ, mới chỉ có 2 trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị là Giang Thanh và Trương Xuân Kiều bị tuyên phạt mức án tử hình, nhưng hoãn thi hành 2 năm. Liệu Bạc Hy Lai có trở thành người thứ ba?

Em trai Bạc Hy Lai có liên quan

Theo Hãng tin Hoa ngữ Đa chiều (DWNews) ngày 2-11, Bạc Hy Thành, em trai của ông Bạc Hy Lai đã bị trung ương cho tiến hành điều tra. Diễn biến mới này cho thấy anh em nhà họ Bạc rất có thể đều bị liên can trong vụ án nghiêm trọng và rất phức tạp này.

Vào tháng 4 năm nay, báo chí đã nhắc đến tên Bạc Hy Thành với việc ông ta nhắn tin cho những bạn bè, người thân trong giới chính trị: “Vụ án Bạc Hy Lai đã bị trung ương xuống tay, mọi người hãy chú ý bảo trọng, không cần phải quá nỗ lực!”.

Bạc Hy Thành sinh năm 1951, là con trai thứ 3 và là thứ 6 trong số 7 người con của ông Bạc Nhất Ba (sau Bạc Hy Lai).

Ông là đảng viên, kỹ sư kinh tế cao cấp, đã từng giữ các chức Bí thư, Giám đốc nhà máy Cảnh Thái Lam Bắc Kinh, Tổng giám đốc Cty Công nghệ phẩm mỹ thuật Bắc Kinh, Bí thư, Cục trưởng Sở Du lịch Bắc Kinh; hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội khai thác xoá nghèo Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty thương mại Lục Hợp Hưng Bắc Kinh, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc khách sạn Lục Hợp Hưng, Giám đốc Quỹ khuyến học Hưng Đại Bắc Kinh, thành viên HĐQT Cty chứng khoán Trung Tín.

Bạc Hy Thành được báo chí đánh giá thuộc loại người “không chịu ngồi yên”. Hồi những năm 1980 Cty kinh doanh đồ mỹ nghệ Bạch Khổng Tước thuộc Sở Du lịch Bắc Kinh do ông ta phụ trách xảy ra vụ án tham ô lớn, người tố giác là Giám đốc Sở Lưu Thiệu Đường.

Sau đó Bạc đã trả thù bằng cách tố cáo ông Lưu nhận hối lộ khiến ông bị ngã ngựa rồi lên thay thế. Tuy nhiên, ngày 24-7-1992, Ban Thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Kinh đã quyết định bãi chức Giám đốc Sở du lịch của Bạc Hy Thành.

Theo Thu Thủy  - Tiền Phong
Tổng hợp theo báo chí Trung Quốc và Hoa ngữ